Nhìn lại các vụ án tồn đọng kéo dài cho thấy, bên cạnh những nguyên nhân do sự chây ỳ chống đối của cá nhân, tổ chức phải thi hành án… thì có một nguyên nhân quan trọng đó là cá nhân có thẩm quyền và cơ quan thi hành án chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ.
Thi hành án dân sự là quá trình hiện thực hóa các phán quyết của tòa án góp phần củng cố, giữ vững niềm tin của nhân dân vào tính nghiêm minh của pháp luật. 5 năm vừa qua cả nước có hơn 309.000 án tồn đọng với tổng số tiền phải thi hành là hơn 211.000 tỷ đồng…
Nhìn lại các vụ án tồn đọng kéo dài cho thấy, bên cạnh những nguyên nhân do sự chây ỳ, chống đối của cá nhân, tổ chức phải thi hành án, người thi hành án không có điều kiện thi hành, đến bản án tuyên không rõ… thì có một nguyên nhân quan trọng đó là cá nhân có thẩm quyền và cơ quan thi hành án chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ của mình, thậm chí có những hành vi tiêu cực khi cố tình trì hoãn không đưa bản án ra thi hành…
Theo Quyết định từ năm 2010 của Tòa án nhân dân quận 1 thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Kim Đại Dương phải trả cho ông Nguyễn Văn Tuấn 21 tỷ đồng, kèm theo đó là các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án. Năm 2015 thi hành án dân sự quận đã bán đấu giá tài sản kê biên được 34 tỷ đồng nhưng không trả tiền cho Tuấn và không giao tài sản cho người trúng đấu giá.
Đáng nói hơn, chấp hành viên chỉ yêu cầu Trung tâm đấu giá chuyển 11/34 tỷ vào tài khoản của thi hành án dân sự, hơn 23 tỷ đồng còn lại gửi vào gửi ngân hàng với lãi suất kỳ hạn 3,1%/1 năm thấp hơn nhiều so với lãi suất cơ bản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, gây thiệt hại lớn cho người được thi hành án.
2 năm sau đó, để hợp thức hóa việc này, chấp hành viên đã viết đơn khiếu nại kết quả đấu giá do chính đơn vị mình thực hiện. Năm 2020, Thanh tra Bộ Tư pháp đã ban hành kết luận khẳng định, việc bán đấu giá tài sản là đúng và kiến nghị Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh tổ chức bàn giao tài sản cho người mua và giao tiền cho người được thi hành án.
Luật sư Nguyễn Minh Đức, đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh khẳng định, trong những vụ việc như vậy cán bộ thi hành án đã lợi dụng chức vụ làm trái pháp luật. Theo luật sư Đức, đây là thiệt hại rất lớn trong việc không làm đúng chức, trách nhiệm vụ của mình. Đồng thời, có đầy đủ dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ và có cả dấu hiệu của tội lập khống thi hành án.
Còn tại quận Tây Hồ (Hà Nội0, bản án và quyết định thi hành án chỉ cho phép cưỡng chế kê biên 60,4 m2 đất đối với anh Lê Đình Thắng ở phường Quảng An quận Tây Hồ đang thế chấp để vay tiền, vậy nhưng chấp hành viên lại tổ chức cưỡng chế toàn bộ diện tích đất và tài sản trên đất của gia đình anh Thắng.
Thấy việc làm sai phạm, anh Thắng đã làm tố cáo đến các cơ quan chức năng. Tháng 2.2021, Tổng cục Thi hành án Dân sự đã có văn bản khẳng định, nội dung tố cáo chấp hành viên lợi dụng chức vụ, quyền hạn hủy hoại tài sản, phá dỡ bức tường ngăn phần diện tích đất thuộc sở hữu của anh Thắng là đúng. Văn bản cũng yêu cầu Cục Thi hành án dân sự Hà Nội chỉ đạo Chi cục Tây Hồ khắc phục sai phạm, kiểm điểm xử lý trách nhiệm những cán bộ liên quan. Tuy nhiên, gần 5 tháng đã trôi qua những sai phạm đó vẫn chưa được khắc phục.
Theo nhiều chuyên gia, dù chưa có số liệu nào thống kê đầy đủ số bản án quyết định chậm được thi hành hoặc không thi hành được do lỗi chủ quan của cán bộ và cơ quan thi hành án, nhưng chắc chắn con số này không hề nhỏ.
Luật sư Nguyễn Hồng Bách- đoàn Luật sư Hà Nội kể ra hàng loạt vụ việc tồn đọng do cơ quan thi hành án cố tình không ra quyết định đưa bản án ra thi hành, đến việc ban hành quyết định hoãn, dừng thi hành án không đúng quy định pháp luật. Thậm chí còn xảy ra tình trạng một số cán bộ chấp hảnh viên, cơ quan thi hành án còn “ăn chia” với người được thi hành án dưới chiêu bài “tự nguyện hỗ trợ cho cơ quan thi hành án…”.
Luật sư Nguyễn Hồng Bách thẳng thắn nêu vấn đề, nhiều vụ có điều kiện thi hành mà không thi hành đươc thì lỗi thuộc về cơ quan thi hành án. Chúng ta không nên đổ lỗi cho khách quan, chủ quan nào khác mà hãy nhìn nhận rõ chúng ta đã không hoàn thành trách nhiệm với nhân dân.
Ông Nguyễn Thắng Lợi-Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự thẳng thắn thừa nhận, cơ quan thi hành án và cán bộ chấp hành viên chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn tình trạng cán bộ chấp hành viên non kém vè nghiệp vụ và cả đạo đức, thậm chí là vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu nhân dân.
Trong đó, phải thừa nhận rằng, một số chấp hành viên cán bộ thi hành án chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, về đạo đức công vụ cũng yếu, thiếu bản lĩnh trong thực thi công vụ, thậm chí có vi phạm pháp luật…
Thời gian vừa qua, lãnh đạo Bộ Tư pháp, lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự đã có nhiều giải pháp chấn chỉnh kỷ cương kỷ luật, trong đó có việc chỉ đạo xử lý nghiêm công chức chấp hành viên vi phạm, thậm chí đề nghị xử lý hình sự đối với một số cá nhân. Những hành vi lạm quyền, vụ lợi, vi phạm đạo đức trong thi hành công vụ là rất đáng lên án và cần phải xử lý thích đáng.
Theo VOV