Hoàn thành 3 mũi vaccine ngừa viêm não cơ bản, trẻ cần được tiêm nhắc lại 3-5 năm một lần, nếu không tuân thủ vẫn có nguy cơ mắc bệnh.
Ngày 16/6, Sở Y tế Hà Nội ghi nhận ca viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm, là bé trai 12 tuổi, ở huyện Phúc Thọ. Bé đã tiêm 4 mũi vaccine phòng bệnh, trong đó mũi cuối cùng vào ngày 15/6/2019.
Lý giải về việc trẻ đã tiêm vaccine nhưng vẫn mắc bệnh, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết theo hướng dẫn của Bộ Y tế, để phòng bệnh viêm não Nhật Bản, trẻ cần thực hiện tiêm 3 liều cơ bản, gồm: Mũi 1 khi trẻ đủ 12 tháng; mũi 2: 1-2 tuần sau mũi 1; mũi 3: 1 năm sau mũi 2. Sau đó nhắc lại 3-5 năm một lần đến khi trẻ đủ 15 tuổi.
"Bé trai này tiêm mũi cuối vào tháng 6/2019, theo khuyến cáo cách 3-4 năm sau phải tiêm tiếp, song bệnh nhi này chưa tiêm mũi nhắc lại nên đã mắc bệnh. Dù vậy, khi trẻ được tiêm các mũi cơ bản, phần lớn sẽ giảm được mức độ nặng của bệnh", đại diện CDC Hà Nội nói.
Còn TS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết có nhiều lý do khiến một người tiêm vaccine nhưng vẫn mắc bệnh, như hệ miễn dịch giảm dần theo thời gian, cơ địa của từng người hay liều tấn công của virus.
Đặc biệt, hiệu lực của vaccine không thể bảo vệ tuyệt đối 100%, trung bình 90-95% tùy loại, do đó một số ít trẻ đã tiêm nhưng có thể mắc bệnh. Ở trường hợp này, vaccine chỉ bảo vệ được khoảng 3-4 năm, vì vậy nhà sản xuất khuyến cáo nên tiếp mũi nhắc lại, không phải do chất lượng vaccine.
"Không thể phủ nhận giá trị của vaccine trong việc ngăn ngừa bệnh. Trường hợp không may mắc bệnh thì vaccine cũng giúp triệu chứng nhẹ hơn, giảm bệnh nặng", TS Thái nói, khuyến cáo mọi người cần tuân thủ lịch tiêm chủng đầy đủ, kể cả mũi nhắc lại.
CDC Hà Nội đánh giá tỷ lệ trẻ trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng được tiêm đầy đủ các loại vaccine luôn ở mức cao. "Bé trai này chỉ là trường hợp cá biệt, chưa đặt ra vấn đề gì về chiến dịch tiêm chủng", đại diện CDC cho hay.
Viêm não Nhật Bản là bệnh cấp tính lây truyền qua đường máu do virus viêm não Nhật Bản gây nên. Ở Việt Nam, muỗi Culex tritaeniorhynchus sinh sản mạnh vào mùa hè (nhất là từ tháng 3 đến tháng 7), hoạt động mạnh vào lúc chập tối. Loài muỗi này có mật độ cao ở vùng đồng bằng và trung du, là trung gian chủ yếu truyền bệnh viêm não Nhật Bản ở nước ta.
Bệnh thường gây viêm não, màng não ở trẻ em, tỷ lệ tử vong và di chứng cao (25-35%). Viêm não Nhật Bản thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu rất giống với những viêm nhiễm khác. Đến ngày thứ hai hay thứ ba của bệnh, triệu chứng biểu hiện rõ dần như sốt cao đột ngột, buồn nôn, nôn khan, đau đầu, phản ứng lờ đờ, chậm chạp.
Theo lịch tiêm chủng mới nhất do Bộ Y tế cập nhật hiện có 11 bệnh truyền nhiễm bắt buộc sử dụng vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có viêm não Nhật Bản B.
T.H (theo VnExpress)