Khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria đang trở thành điểm nóng nhất ở khu vực Trung Đông trong vòng ba ngày qua.
Khói bốc lên ở thị trấn Tal Abyad, miền Bắc Syria khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch tấn công các tay súng người Kurd ngày 10.10
Chiến dịch quân sự “Mùa xuân hòa bình” do Thổ Nhĩ Kỳ đơn phương tiến hành ở phía đông bắc Syria nhằm vào lực lượng người Kurd ở đây đang gây ra những hệ lụy nguy hiểm. Vậy lý do vì sao Thổ Nhĩ Kỳ lại muốn tấn công người Kurd ở Syria?
Một chiến dịch hứng “búa rìu dư luận”
Sau khi các lực lượng Mỹ rút khỏi một phần khu vực biên giới Syria ngày 7.10, Tổng thống Erdogan đã phát động chiến dịch tấn công các tay súng người Kurd ở Đông Bắc Syria với lập luận rằng chiến dịch này nhằm "quét sạch khủng bố" và "đem lại hòa bình cho khu vực". Chiến dịch mang tên “Mùa xuân hòa bình” bắt đầu từ ngày 8.10 với các cuộc không kích các mục tiêu người Kurd ở đông bắc Syria, còn các cuộc tấn công trên bộ thì bắt đầu từ ngày 9.10.
Trong ngày đầu tiên của chiến dịch trên bộ, ngày 9.10, các máy bay chiến đấu và pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ đã oanh tạc nhiều mục tiêu của lực lượng người Kurd tại khu vực đông bắc Syria, nhằm vào các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) và các lực lượng thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn bị Ankara liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Tính đến ngày 11.10, theo thông tin của Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), đã có ít nhất 29 tay súng và 10 dân thường bị thiệt mạng kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tấn công người Kurd tại Syria. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra con số 228 tay súng người Kurd thiệt mạng. Gần 200 mục tiêu của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) bị tấn công, nhiều cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã ném bom 181 mục tiêu ở phía bắc Syria kể từ khi bắt đầu chiến dịch tới nay. Theo Ủy ban Cứu trợ quốc tế, 64.000 người Syria đã phải đi sơ tán.
Chiến dịch quân sự trên cho đến nay vẫn hứng chịu rất nhiều ý kiến phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, cho rằng chiến dịch là hành động xâm lược, có nguy cơ dẫn đến một thảm họa nhân đạo lớn “chưa từng có” và sự hồi sinh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã quyết định triệu tập cuộc họp khẩn trong ngày 10.10 để thảo luận về cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria. Các nguồn tin cho biết, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang xem xét một văn bản do Mỹ soạn thảo, trong đó kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ trở lại với giải pháp ngoại giao.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã có những tuyên bố cứng rắn, cho rằng cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ là “một ý tưởng tồi”, đồng thời cảnh báo nếu chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ không được thực hiện "theo cách nhân đạo có thể" thì Ankara sẽ phải trả một cái giá đắt về kinh tế.
Người phát ngôn của Liên minh châu Âu (EU) Maja Kocijancic ngày 10.10 đã cảnh báo chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào các tay súng người Kurd ở đông bắc Syria sẽ đảo ngược mọi hy vọng đạt tiến triển để hướng tới chấm dứt xung đột tại Syria, đồng thời làm trầm trọng hơn dòng người tị nạn từ Syria, gia tăng bạo lực chống lại dân thường vô tội và gây trở ngại cho cuộc chiến chống IS. Dự kiến các ngoại trưởng EU sẽ nhóm họp ngày 14.10 tới tại Luxembourg để thảo luận về cuộc khủng hoảng này trước khi hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào ngày 17.10.
Các ngoại trưởng của Liên đoàn Arab (AL) cũng đã lên kế hoạch họp khẩn vào ngày 11.10 để thảo luận "cuộc tấn công không thể chấp nhận được nhằm vào chủ quyền của một quốc gia thành viên AL".
Nhiều nước khác cũng đồng loạt kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ lập tức ngừng chiến dịch quân sự…
Nguyên nhân khiến Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd
Theo giới phân tích, mấu chốt gây tranh cãi của chiến dịch này là vấn đề người Kurd, một lực lượng mà Ankara coi là khủng bố nhưng lại được nhiều nước cho là đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy lùi IS tại Syria.
Người Kurd được xem là dân tộc thiểu số lớn nhất trên thế giới nhưng không có đất nước riêng của mình. Có gần 35 triệu người Kurd hiện đang sống dọc biên giới các nước Iraq, Syria, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đó, dân số người Kurd sống ở Thổ Nhĩ Kỳ là cao nhất.
Vấn đề nan giải trong cuộc khủng hoảng người Kurd đã có từ thời hậu Chiến tranh thế giới thứ I, Pháp và Anh khi đó muốn vẽ ra một bản đồ cho khu vực Trung Đông song việc hòa đồng các nhóm thiểu số sống khắp khu vực Trung Đông thất bại đã khiến người Kurd phải sống rải rác khắp 4 nước khác nhau trong khu vực.
Suốt nhiều thập kỷ qua, người Kurd luôn đấu tranh để thành lập nhà nước của mình, nhưng họ đã phải đối mặt với các cuộc trấn áp từ các chính phủ. Điều này dẫn tới việc có nhiều nhóm người Kurd khác nhau ở khắp khu vực Trung Đông: một số là phiến quân, một số thì khác như đảng PKK ở Thổ Nhĩ Kỳ, YPG ở Syria, và Peshmerga ở Iraq cùng nhiều nhóm khác.
Khi IS trỗi dậy ở Trung Đông hồi năm 2014 và chia cắt các đường biên giới phía tây khắp Syria và Iraq thì lực lượng người Kurd là một trong những nhóm rất thành công trong việc kiềm chế IS.
Lực lượng người Kurd tại Syria như YPG và SDF đã luôn được Mỹ bảo trợ bởi Mỹ coi họ đối tác đáng tin cậy nhất trong cuộc chiến chống IS tại khu vực chiến lược Đông Bắc Syria. Họ là những tay súng bản địa, nắm được địa hình những khu vực mà IS ẩn náu, vì vậy đóng vai trò cốt yếu trong việc tiêu diệt tổ chức này. Các nhà tù của lực lượng người Kurd hiện đang giam giữ tới 11.000 tù nhân là các chiến binh IS.
Thế nhưng, về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara lại coi đây là mầm mống bất ổn. Đảng PKK ở nước này lâu nay bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố vì đã phát động cuộc đấu tranh bạo lực từ năm 1984 nhằm thiết lập nhà nước riêng của người Kurd ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ước tính cuộc xung đột vũ trang liên quan đến PKK ở Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn 3 thập niên qua đã khiến hơn 40.000 người thiệt mạng. Trong quá khứ, tiến trình đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và PKK nhiều lần được khởi động nhưng sau đó lại bị đình trệ, bất chấp hai bên từng đạt một loạt thỏa thuận ngừng bắn. Kể từ tháng 7.2015, khi thỏa thuận ngừng bắn cuối cùng giữa hai bên đổ vỡ, Ankara đã tăng cường hoạt động truy quét lực lượng người Kurd. Không chỉ trấn áp các súng PKK ở Thổ Nhĩ Kỳ, quân đội nước này còn tiến hành không kích các vị trí của PKK tại vùng núi miền Bắc Iraq, giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như mở chiến dịch "Nhành ô liu" hồi tháng 1.2018 nhằm vào nhóm YPG, nhánh vũ trang của PKK, và đảng Liên minh dân chủ người Kurd (PYD) ở miền Bắc Syria.
Tiến hành tấn công người Kurd bởi Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại, những gì người Kurd đạt được trong cuộc chiến chống IS tại Iraq và Syria sẽ thúc đẩy họ thiết lập một nhà nước của riêng mình, sát vách Thổ Nhĩ Kỳ. Lực lượng người Kurd tại Syria càng lớn mạnh, càng được nước ngoài hậu thuẫn, tất yếu sẽ cổ vũ cho những phong trào đòi độc lập của người Kurd ngay trong lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình Syria bất ổn, khu vực do người Kurd kiểm soát ở miền Bắc Syria càng bị coi như "cái gai" trong mắt Thổ Nhĩ Kỳ. Giới phân tích nhận định một trong những mục tiêu chiến lược của Ankara khi can dự vào tình hình Syria cũng xuất phát từ tham vọng muốn "xóa sổ" khu vực do người Kurd kiểm soát ở miền Bắc nước này. Mở chiến dịch quân sự tấn công lực lượng người Kurd ở Syria vì thế đã trở thành kế hoạch được Thổ Nhĩ Kỳ trù tính từ lâu.
Nước cờ mạo hiểm
Các nhà phân tích cho rằng chiến dịch tấn công người Kurd ở Syria của Thổ Nhĩ Kỳ còn được coi là một nước cờ chiến lược dù có phần mạo hiểm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Mạo hiểm bởi chiến dịch này có thể làm gia tăng vị thế cho đảng Công lý và Phát triển (AKP) của Tổng thống Erdogan, nhưng đi kèm theo đó là những rủi ro không hề nhỏ.
Bên cạnh lý do an ninh, nhiều ý kiến cho rằng Tổng thống Erdogan chọn thời điểm này để tấn công người Kurd còn là để giải quyết những vấn đề của đất nước. Trong bối cảnh tình hình kinh tế xấu đi, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát tăng cao đang khiến uy tín của đảng Công lý và Phát triển cầm quyền giảm sút, chiến dịch tấn công người Kurd ở Syria lần này đang được coi là “một công đôi việc”, vừa giúp ông Erdogan khôi phục uy tín, vừa thực hiện được kế hoạch thiết lập khu vực cho người tị nạn Syria hồi hương về đây.
Tuy nhiên, rủi ro do chiến dịch trên mang lại cũng là rất lớn. Việc đưa quân vào lãnh thổ Syria đang khiến hình ảnh và uy tín của Ankara đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bởi hành động can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào miền Bắc Syria bị coi là vi phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia láng giềng. Vì vậy, không chỉ đối mặt với làn sóng chỉ trích gay gắt của các nước trong khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ còn có thể bị cô lập về ngoại giao, đặc biệt là trong khối các nước Arab. Chưa kể đến, một khi lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria phải đơn độc đối phó với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thì chắc chắn sẽ không còn rảnh tay chiến đấu chống tàn quân IS và sẽ phải thả 11.000 chiến binh IS đang bị giam giữ ở các địa điểm do người Kurd kiểm soát. Nếu điều này xảy ra thì đây đúng là "cơn ác mộng", đặc biệt đối với các nước phương Tây bởi trong số hàng nghìn chiến binh IS bị người Kurd bắt giữ có rất nhiều người mang hộ chiếu châu Âu. Và khi đó thì Ankara còn có nguy cơ phải gánh chịu những đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ và châu Âu. Đây là cái giá rất đắt mà Thổ Nhĩ Kỳ không thể không tính tới.
Theo TTXVN