Vì sao số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ tăng gần 10 lần?

08/08/2021 18:54

Theo CNBC, số ca nhiễm COVID-19 mới hằng ngày của Mỹ đã tăng trở lại trung bình hơn 100.000 ca/ngày. Đây là mức đã ghi nhận trong đợt tăng đột biến vào mùa đông cách đây 6 tháng.

Vì sao số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ tăng gần 10 lần? - Ảnh 1.

Khách hàng ăn uống tại nhà hàng Martha ở Pennsylvania, Mỹ phải có chứng minh đã tiêm đầy đủ vắc xin COVID-19 - Ảnh: REUTERS

Ngày 6.8, bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, cho biết số ca nhiễm hiện tăng do biến thể Delta phát hiện lần đầu ở Ấn Độ vào tháng 10.2020.

Thủ phạm là biến thể Delta?

Trước đây, mất khoảng 9 tháng Mỹ mới có số ca nhiễm trung bình mỗi ngày 100.000 ca vào tháng 11.2020 trước khi đạt đỉnh ở mức 250.000 ca vào đầu tháng 1.2021.

Sau khi biến thể Delta phát hiện lần đầu ở Mỹ vào tháng 3.2021, số ca trung bình hằng ngày cuối tháng 6.2021 ở Mỹ là 11.000 và chỉ 6 tuần sau đã vọt lên con số 107.143.

Dù số ca nhập viện và tử vong cũng có tăng nhanh nhưng cả hai chỉ số này đều dưới mức đã được ghi nhận vào đầu năm 2021, thời điểm chưa có vắc xin rộng rãi.

Hiện Mỹ có hơn 44.000 người đang nằm viện điều trị COVID-19, tăng gần 4 lần so với số người nhập viện vào tháng 6.2021. Trong khi đó tháng 1.2021, số ca nhập viện hơn 120.000 trường hợp.

Số ca tử vong trung bình hằng ngày cũng tăng. Theo số liệu của Trường Đại học Johns Hopkins, tính đến ngày 6.8, số ca tử vong trung bình hằng ngày ở Mỹ gần 500 người, cao gần gấp đôi so với con số 270 người chết cách đó 2 tuần. 

Tháng 1.2021, số ca tử vong ở Mỹ là 3.500 người/ngày. 

Cần vài tuần nữa mới có thể có bức tranh toàn cảnh hơn về số người chết do COVID-19 liên quan sự gia tăng số ca nhiễm hiện nay, do các ca tử vong có độ trễ so với số ca nhiễm.

Tiêm vắc xin khẩn cấp hơn bao giờ hết

Hiện tình hình đặc biệt đáng quan ngại ở các bang miền nam có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp nhất cả nước như Florida, Georgia, Alabama, Mississippi, North Carolina, South Carolina, Tennessee, và Kentucky. Các bang này chiếm 41% số ca nhập viện mới ở Mỹ.

Hai bang Alabama và Mississippi có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp nhất với chưa tới 35% người dân đã tiêm đủ liều vắc xin.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cảnh báo theo số liệu từ nhiều nguồn (cả nguồn đã công bố hoặc số liệu chưa công bố), biến thể Delta có khả năng lây nhanh hơn. Do đó, dịch bệnh COVID-19 gia tăng rộng hơn so với các biến thể khác, ngay cả những người đã tiêm đủ vắc xin. 

Các ổ dịch đang diễn ra ở Mỹ đều có sự liên quan đến biến thể Delta. Nguy cơ lây truyền virus lớn nhất là ở những người chưa tiêm vì họ dễ mắc bệnh hơn, từ đó truyền virus cho người khác. CDC cũng dẫn nghiên cứu ở Canada và Scotland cho thấy biến thể Delta có thể gây bệnh nặng hơn so với các biến chủng trước đây ở người chưa tiêm.

Đây cũng là lý do tại sao các khu vực chưa được phủ vắc xin đang chiếm phần lớn số ca nhiễm COVID-19 và số ca nhập viện vì bệnh nặng ở Mỹ.

Các trường hợp đã tiêm vắc xin đầy đủ nhưng vẫn nhiễm ít hơn rất nhiều so với các trường hợp nhiễm COVID-19 do chưa tiêm vắc xin. Những người nhiễm biến thể Delta, gồm cả những người đã tiêm đầy đủ và có triệu chứng, có thể truyền bệnh cho người khác.

Riêng các trường hợp đã tiêm có nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng, CDC chưa biết họ có lây virus cho người khác không. Do đó cơ quan này cảnh báo với biến thể Delta, việc tiêm vắc xin COVID-19 khẩn cấp hơn bao giờ hết. 

Ngoài ra, CDC cũng khuyến khích người sống ở những khu vực có khả năng lây nhiễm cao nên đeo khẩu trang trong các tòa nhà công cộng, ngay cả khi đã được tiêm vắc xin đầy đủ.

Giám đốc CDC Mỹ Rochelle Walensky cho biết mô hình của cơ quan này dự báo Mỹ có thể có vài trăm nghìn ca nhiễm mỗi ngày, giống như tình hình vào đầu tháng 1.2021 nếu vắc xin không bao phủ rộng rãi toàn dân.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ tăng gần 10 lần?