Việc 7 hộ dân ở xã Lam Sơn (Thanh Miện) làm đơn xin trả ruộng 03 đang là một hiện tượng không bình thường ở nông thôn...
Anh Phạm Văn Mang (thôn Thọ Trương) bên thửa ruộng xin trả lại xã
Gần đây dư luận xôn xao chuyện một số nông dân ở xã Lam Sơn (Thanh Miện) xin trả lại ruộng canh tác được giao ổn định lâu dài. Vì sao người nông dân vốn coi "tấc đất" là "tấc vàng" lại từ bỏ "bờ xôi, ruộng mật"?
Thực trạng và nguyên nhânHiện tượng nông dân trả ruộng đã xảy ra rải rác mấy năm gần đây ở một số địa phương trong tỉnh, nhưng không phải là phổ biến. Nếu so 148 ha đất canh tác bị bỏ hoang (1 hoặc 2 vụ) ở 37 xã thuộc 8 huyện trong toàn tỉnh với tổng số 62 nghìn ha đất canh tác lúa thì không phải là lớn (0,2%). Riêng ở xã Lam Sơn có 7 hộ làm đơn xin trả một phần ruộng đều là những trường hợp đặc biệt do không có sức lao động và chiếm tỷ lệ nhỏ trong số lao động trong xã.
Nguyên nhân tình trạng này do đâu? Qua khảo sát thực tế, tôi thấy có mấy nguyên nhân khiến nông dân bỏ ruộng như sau:
Nguyên nhân đầu tiên là do hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp ngày càng thấp, sản xuất lúa không có lãi. Thực tế cho thấy, nhưng năm đầu sau khi giao ruộng ổn định lâu dài theo Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy (cách đây đúng 20 năm), những hộ dân không có sức lao động hoặc có việc làm khác có thu nhập cao hơn cho hộ khác "cấy rẽ" và thu 80-100 kg thóc/vụ (tức là khoảng 40-50% sản lượng), do vậy không có hiện tượng bỏ ruộng hoang. Dần dà, tỷ lệ này cứ giảm dần (tùy từng nơi), cho đến nay hầu hết nông dân không muốn nhận ruộng "cấy rẽ" của hộ khác nữa, nhiều nơi cho không ruộng. Mặt khác, khi giao ruộng 03 ở mỗi địa phương có từ 3-5% tổng diện tích được xã để lại làm ruộng công điền. Diện tích này cũng được giao khoán cho các hộ nông dân có nhiều sức lao động nhận sản xuất và trả hoa lợi cho ngân sách xã, lúc đầu người dân còn "tranh nhau" nhận, nhưng nay cũng đang trả lại dần hoặc mức trả hoa lợi cho xã thấp dần đi. Điều đó cho thấy, sản xuất lúa ngày càng không có lãi, dẫn đến người nông dân không còn thiết tha với đồng ruộng.
Nguyên nhân thứ hai, sức lao động trong nông nghiệp ngày càng thiếu. Nguyên nhân này thoạt đầu nghe có vẻ vô lý, nhưng đó lại là sự thật. Ngày nay, tỷ trọng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ngày càng cao, trong khâu làm đất là gần 100%, tuốt lúa 100%, máy gặt liên hợp ngày một nhiều, máy cấy đã bắt đầu xuất hiện, tưới tiêu chủ động, kỹ thuật canh mới cũng giảm nhiều công lao động, như gieo mạ trên sân, gieo thẳng, diệt cỏ bằng thuốc... Tất cả những điều đó dẫn đến công lao động trực tiếp trong sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích giảm đi đáng kể. Và như vậy lao động trong khu vực nông thôn ngày càng dư thừa. Vậy mà lại nói là thiếu lao động. Thế mà đúng như vậy. Hiện chưa có số liệu điều tra chính thức, nhưng trên thực tế về nông thôn mới thấy, đến 90% số lao động nông nghiệp là nữ và người lớn tuổi, còn lao động nam hoặc nữ trẻ tuổi hầu như đi làm những việc khác phi nông nghiệp, như: đi "làm công ty", đi làm thợ xây dựng, các công việc khác, thậm chí nhiều vùng còn đi vào miền Nam, Tây Nguyên làm thuê, thuê nương rẫy làm cà phê, thuê đất nuôi tôm, cá,... Nói chung là có rất nhiều hình thức mà lao động nông nghiệp ở Hải Dương có thể đi làm ngoài quê hương mình. Do đó, trên thực tế lao động nông nghiệp đang thiếu, nhất là lúc thời vụ, một số công việc phải thuê người làm với giá cao, dẫn đến chi phí sản xuất cao, không có lãi.
Nguyên nhân thứ ba, do biến động lao động, sau 20 năm giao ruộng đất cho nông dân, nhiều người không còn trong độ tuổi, không còn khả năng lao động nhưng vẫn có ruộng, một bộ phận lao động trẻ lại đi làm những việc phi nông nghiệp có thu nhập cao hơn. Vì thế họ không mặn mà với đồng ruộng, có chăng chỉ là sản xuất để có hạt gạo cho chắc ăn, còn chi tiêu đều trông chờ vào thu nhập của lao động bên ngoài.
Nguyên nhân thứ tư, ruộng đất nhỏ lẻ, manh mún dẫn đến chi phí sản xuất cao. Ở Hải Dương, sau khi giao ruộng 03 cũng đã một lần vận động nông dân dồn ô đổi thửa để số thửa trên một hộ ít đi (từ 7-10 thửa xuống còn 3-4 thửa/hộ), nhưng trên thực tế những thửa rộng nhất cũng chỉ vài ba sào (rất ít có thửa ruộng hàng mẫu). Mà diện tích nhỏ lẻ, manh mún như vậy thì không thể nào sản xuất có hiệu quả cao được. Thực tế sản xuất nông nghiệp trên thế giới đã chứng minh, chi phí sản xuất tỷ lệ nghịch với quy mô diện tích đất đai. Nghĩa là quy mô sản xuất càng lớn, chi phí sản xuất càng nhỏ.
Nguyên nhân thứ năm, tư tưởng ích kỷ còn đè nặng ở không ít nông dân, đó là không làm được nhưng chẳng muốn ai hơn. Lẽ ra mình không có sức lao động thì hoặc cho bà con khác mượn ruộng, hoặc cho thuê lại với giá phải chăng, nhưng không- thà bỏ hoang còn hơn cho mượn, cho thuê làm hỏng ruộng. Dẫn chứng là đã có nhiều nơi, nhiều lao động trẻ muốn mượn hay thuê ruộng tạo thành một vùng tập trung để trồng cây vụ đông, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhưng không thể vận động cùng lúc hàng trăm hộ dân cho mượn hay thuê để có vài chục mẫu ruộng được. Hoặc có một chủ doanh nghiệp người nước ngoài muốn thuê 30-50 ha đất trong vòng 5 năm để sản xuất tập trung một loại cây, và họ thuê lao động tại chỗ, nhưng đàm phán mãi cùng không thành vì dân cứ đòi giá thuê rất cao.
Đơn xin trả lại ruộng 03 của bà Bùi Thị Lập ở thôn Thọ Xuyên
Sớm quan tâm giải quyếtTuy việc nông dân trả lại ruộng mới chỉ là hiện tượng lẻ tẻ, nhưng sẽ trở thành phổ biến nếu không có những giải pháp hữu hiệu để giải quyết. Từ những nguyên nhân nêu trên, tôi cho rằng cần sớm có những giải pháp sau đây:
Thứ nhất, dồn điền đổi thửa tạo vùng sản xuất tập trung. Hiện nay, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, yếu tố khách quan đặt ra cần phải tiếp tục (lần thứ hai) dồn đổi ruộng để có thửa ruộng to hơn, thuận tiện canh tác. Do đó, các cấp ủy đảng, chính quyền cần vận động và tổ chức để thực hiện dồn điền đổi thửa cùng với việc quy hoạch lại đồng ruộng, hệ thống tưới tiêu, giao thông nội đồng. Ở một số nơi đã làm tốt việc này, điển hình là xã Hùng Sơn (Thanh Miện), nhân dân nhất trí cao dồn đổi ruộng (thực chất là chia lại nhưng vẫn theo số khẩu cũ) và họ đồng tình việc mỗi suất ruộng 03 bỏ ra một thước ruộng (24 m2) để làm quỹ đất mở rộng đường giao thông nội đồng.
Thứ hai, vận động nông dân thực hiện các hình thức tích tụ ruộng đất như: cho mượn ruộng, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng có thời hạn, chuyển nhượng một lần... Những hình thức này đều được pháp luật công nhận. Tuy nhiên, như phân tích ở nguyên nhân thứ năm trên đây, cần phải có sự tuyên truyền, vận động tích cực của cấp ủy đảng, các tổ chức chính trị- xã hội, vận động đảng viên, đoàn viên, hội viên của mình để có những vùng sản xuất tập trung thâm canh cao. Tập trung ruộng đất cho những người thật sự có nhu cầu sản xuất, có lao động, kinh nghiệm, có tiền vốn để tổ chức sản xuất, còn những người có việc làm khác, hoặc không còn khả năng lao động thì sử dụng một trong các hình thức chuyển đổi như trên. Đây là một việc làm khó, nhưng có tính "cách mạng" và phù hợp với quy luật kinh tế thị trường, do vậy đòi hỏi quyết tâm của cả hệ thống chính trị.
Một số địa phương đang thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn cũng là một hình thức tập trung ruộng đất để sản xuất hàng hóa có chất lượng cao với giá thành hạ.
Thứ ba, giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Như phân tích trên đây, do ruộng đất ít, nhỏ lẻ, manh mún nên giá thành sản xuất cao. Muốn nâng cao hiệu quả sản xuất thì ngoài việc tích tụ, tập trung ruộng đất, Nhà nước phải có cơ chế hỗ trợ nông dân thiết thực hơn nữa, từ việc kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp để bảo đảm chất lượng phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây con... đến việc hỗ trợ về vốn vay, đào tạo chuyển giao kỹ thuật, chế biến nông sản và thị trường tiêu thụ. Tức là Nhà nước phải có những chính sách thật "căn cơ" cho khu vực nông nghiệp, nông thôn theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Thứ tư, tiếp tục tạo ra nhiều việc làm phi nông nghiệp, giảm bớt lao động trong nông nghiệp. Trong nhiều giải pháp Nhà nước đang thực hiện, cần chú ý đến giải pháp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn, để họ có tay nghề vững vàng mới dám "bỏ ruộng" để đi làm việc khác.
Hy vọng rằng, hiện tượng nông dân xin trả ruộng không trở thành phổ biến, và sẽ có những cánh đồng sản xuất lớn với giá thành sản phẩm nông nghiệp ngày càng thấp.
LƯƠNG ANH TẾ 7 hộ dân xin trả lại gần 9 sào đất 03
Theo UBND xã Lam Sơn, trong vụ chiêm xuân vừa qua, cả xã có 7 hộ dân làm đơn xin trả lại 3.213 m2 (gần 9 sào) đất ruộng canh tác đã được giao ổn định, lâu dài (gọi tắt là đất ruộng 03). Các hộ này gồm các ông, bà: Bùi Thị Lập, Nguyễn Văn Tạo, Hồ Sỹ Vinh, Bùi Thị Dung (ở thôn Thọ Xuyên) và Phạm Văn Mang, Vũ Văn Tiến, Trần Thị Tân (ở thôn Thọ Trương). Trước đây, xã Lam Sơn không có hộ dân nào xin trả lại ruộng 03. Đa số các hộ chỉ trả lại một phần nhỏ diện tích đất canh tác chứ không trả lại tất cả diện tích đang sản xuất.
Theo đơn xin trả lại ruộng, các hộ dân nêu lý do vì thiếu lao động, sức khỏe yếu, không đủ điều kiện để tiếp tục canh tác. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hải Dương, ngoài nguyên nhân trên, nông dân trả ruộng còn do chi phí sản xuất cao, nếu tiếp tục canh tác cũng không có lợi nhuận. 7 hộ đều cam kết nếu sau này Nhà nước có thay đổi chính sách đất đai thì họ cũng không đòi hỏi quyền lợi với diện tích đã trả lại. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo UBND xã Lam Sơn và một số hộ dân có đơn xin trả ruộng đề nghị tỉnh cần có chính sách khuyến khích dồn điền, đổi thửa để khắc phục tình trạng trả lại ruộng.
Theo tổng hợp nhanh của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, cả tỉnh chỉ có 7 hộ dân ở xã Lam Sơn có đơn xin trả ruộng 03, ở các địa phương khác không có tình trạng này.
NINH TUÂN
|