Là thị trường có đông người Hải Dương làm việc nhưng Đài Loan cũng là nơi có nhiều lao động thiệt mạng.
Chị Phạm Thị Phượng ở phường Chí Minh (Chí Linh) mong sớm đưa thi thể chồng về nước
Cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) là 1 trong 3 thị trường có số lao động Hải Dương làm việc đông nhất tính đến nay. Không ít người đã phải bỏ mạng nơi này.
Nỗi đau mất người thân
Ngày 2.5, chị Phạm Thị Phượng (33 tuổi) ở phường Chí Minh (Chí Linh) bàng hoàng nhận được tin chồng chị là anh Đoàn Văn Bình (35 tuổi) tử nạn khi đang làm việc tại Đài Loan. Ôm con trai tròn 8 tháng tuổi vào lòng, chị Phượng nghẹn ngào: "Vì cuộc sống mưu sinh nên chồng tôi đi xuất khẩu lao động bên đó rồi không may gặp nạn. Đau đớn thay thi thể anh ấy vẫn chưa đưa được về nước". Anh Bình sang Đài Loan làm thợ cơ khí được gần 3 năm. Trong những lần gọi điện về nhà, anh Bình chia sẻ công việc bên đó áp lực, thường xuyên tăng ca. Sự việc đau lòng xảy ra trong lúc anh Bình đang làm việc thì bị hộp sắt trên cao rơi xuống đè vào người dẫn đến tử vong. Công ty môi giới đưa anh Bình sang Đài Loan đã bị phá sản nên việc làm các thủ tục đưa anh về nước gặp khó khăn.
1 năm trước, ông Đặng Văn Đằng ở xã Văn Tố (Tứ Kỳ) đã mất đi con trai duy nhất là anh Đặng Thế Hiền (28 tuổi) do tai nạn lao động tại Đài Loan. Trong lúc làm việc tại công ty, anh Hiền bị một tấm kính chiếu sáng từ tầng trên rơi vào người dẫn tới tử vong. Mỗi khi nhắc tới người con trai xấu số, ông Đằng đau buồn bảo: "Nỗi đau mất con không điều gì bù đắp được. Giờ tôi muốn gặp con chỉ biết nhìn di ảnh trên bàn thờ thôi".
Nỗi đau mất mát không gì bù đắp ấy vẫn còn dai dẳng ở nhiều gia đình khác. Theo anh Nguyễn Duy Khanh, nguyên Phó Hội trưởng Hội Đồng hương Hải Dương tại Đài Loan, trung bình mỗi năm có khoảng 10 lao động là người Hải Dương tử vong tại Đài Loan. Họ có thể tử nạn trong quá trình làm việc hoặc do điều kiện sức khỏe...
Những lao động này đều là trụ cột trong gia đình nên khi họ mất đi, để lại gánh nặng rất lớn cho người thân.
Trốn ra ngoài làm thuê
Anh N.D.K. ở thị trấn Tứ Kỳ sang Đài Loan lao động thông qua một công ty môi giới ở Hà Nội. Khi đặt chân đến Đài Loan, anh K. thất vọng trước "bánh vẽ" mà công ty tạo ra. Công việc, lương không như cam kết nên anh K. bỏ ra ngoài làm sau 1 năm làm việc ở công ty. Anh K. thừa nhận mình đã có 6 năm là "lao động chui". Công việc hằng ngày của anh K. là vác sắt thuê, mỗi ngày làm 12 tiếng. Anh K. cho biết lao động bất hợp pháp có thu nhập cao hơn song đổi lại họ phải làm những việc nặng nhọc, tăng ca nhiều giờ và không được hưởng các chế độ bảo hiểm. Việc khám chữa bệnh, ốm đau, tai nạn đều phải tự bỏ tiền túi ra chi trả. Nhiều lao động còn không dám đi bệnh viện khám bệnh khi ốm vì nếu bị phát hiện sẽ bị tống giam hoặc trục xuất về nước.
Anh K. cho biết thêm người Việt Nam tử nạn tại Đài Loan chủ yếu là lao động bất hợp pháp bỏ ra ngoài làm việc, làm việc trong điều kiện không bảo đảm, không được bảo hộ lao động theo quy định. Như vụ hỏa hoạn tại Công ty Vận chuyển Đại Vinh Gia Lý (Đài Loan) vào ngày 6.2.2019 làm 6 lao động người Việt tử vong, trong đó 2 người ở Hải Dương là anh Tăng Văn Chạm (35 tuổi, ở xã Gia Xuyên, TP Hải Dương) và anh Nguyễn Văn Hân (33 tuổi, xã Đại Đức, Kim Thành). Anh Chạm và anh Hân đều đến Đài Loan làm việc hợp pháp nhưng sau lại bỏ ra ngoài làm thêm vào thời gian nghỉ Tết. Công ty này chưa có giấy phép tiếp nhận lao động nước ngoài làm việc.
Theo chị Nguyễn Thị Vân A., làm việc trong lĩnh vực tư vấn du học và xuất khẩu lao động ở TPHải Dương, tình trạng lao động làm việc tại Đài Loan trốn công ty chủ quản để ra ngoài tìm công việc khác không hiếm. Người lao động "chui" phải chấp nhận đánh đổi tự do, thậm chí cả tính mạng. Họ không thông thạo tiếng, thiếu kiến thức về an toàn lao động nên dễ gặp tai nạn khi làm việc.
Một số năm gần đây, mỗi năm Hải Dương có hàng nghìn lao động tới Đài Loan làm việc. "Lao động trước khi sang Đài Loan cần tìm hiểu kỹ về chủ sử dụng lao động, điều kiện làm việc, quyền lợi khi xảy ra sự cố. Quan trọng nhất là lựa chọn đơn vị xuất khẩu lao động có uy tín và cố gắng học tiếng để trao đổi công việc dễ dàng hơn", chị A. nói.
THẢO NGUYỄN