Quân đội Trung Quốc như choàng tỉnh sau khi phát hiện có tới 462 tên lửa Tomahawks được Mỹ triển khai ở những nước láng giềng xung quanh họ. Vậy, Washington muốn gửi thông điệp gì tới Bắc Kinh?
|
Tàu ngầm U.S.S Ohio của Mỹ.
|
Nếu các hệ thống vệ tinh và do thám của Trung Quốc hoạt động hữu hiệu thì hồi cuối tháng trước chắc chắn đã có một loạt những thông tin tình báo đáng lo ngại đổ về trụ sở của Hải quân nước này ở thủ đô Bắc Kinh. Một loại siêu vũ khí mới của Mỹ đột nhiên xuất hiện gần lãnh thổ Trung Quốc. Đó là một chiếc tàu ngầm lớp Ohio – con tàu mà trong nhiều thập kỷ chỉ mang những tên lửa đầu đạn hạt nhân nhằm mục tiêu vào Liên Xô và sau này là Nga.
Nhưng lần này lại khác: trong gần 3 năm qua, Hải quân Mỹ đã âm thầm cử những chiếc tàu ngầm lớp Ohio được cải biến đến những nơi không ai biết vì những con tàu này đi dưới nước. 4 trong số 18 tàu ngầm lớp Ohio không còn mang theo những tên lửa mang đầu đạn hạt nhân Trident. Thay vào đó, mỗi chiếc tàu ngầm này được trang bị tới 154 tên lửa hành trình Tomahawk có khả năng bắn trúng bất kỳ mục tiêu nào trong vòng hơn 1.600km với đầu đạn không hạt nhân.
Chúng ta sẽ phải kinh ngạc khi chứng kiến khả năng của những chiếc tàu ngầm nói trên. 14 chiếc tàu ngầm mang tên lửa Trident rất hữu ích khi có chiến tranh hạt nhân – điều mà trên thực tế có thể không bao giờ xảy ra, và Nga vẫn là mục tiêu chính của những con tàu này. Trong khi đó, “nhóm bộ tứ” được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk đang mang trên mình một loại vũ khí mà quân đội Mỹ rất hay sử dụng để bắn phá các mục tiêu ở Afghanistan, Bosnia, Iraq và Sudan.
Đó là lý do tại sau mà chuông báo động đã rung lên ở thủ đô Bắc Kinh hôm 28-6 khi con tàu U.S.S. Ohio dài 170m “chất đầy” tên lửa Tomahawk của Mỹ bất ngờ nổi lên ở Vịnh Subic của Philippine. Nhiều tiếng chuông báo động có thể cũng đã vang lên khi cùng ngày, một tàu chiến khác của Mỹ là U.S.S. Michigan đến Pusan, Hàn Quốc. Và chuông báo động đã kêu vang hết cỡ khi tàu ngầm USS Florida xuất hiện tại căn cứ hải quân chung Anh – Mỹ ở Diego Gracia trên một hòn đảo ở Ấn Độ Dương, cùng thời điểm với sự xuất hiện của tàu U.S.S Ohio và tàu U.S.S Michigan.
Quân đội Trung Quốc như choàng tỉnh sau khi phát hiện ra có tới 462 tên lửa Tomahawks mới được Mỹ triển khai ở những nước láng giềng xung quanh họ. "Đã có quyết định củng cố lực lượng của chúng tôi ở Thái Bình Dương. Điều đó chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc giật mình và buộc phải chú ý”. Đó là nhận định của ông Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở thủ đô Washington.
Các quan chức Mỹ bác bỏ thông tin cho rằng họ đang muốn gửi gắm một thông điệp đến Bắc Kinh, nói rằng sự xuất hiện của bộ ba tàu ngầm mang tên lửa Tomahawk chỉ là một sự tình cờ ngẫu nhiên. Nhưng Washington chắc chắn rằng tin tức về việc họ triển khai các tàu ngầm ở những khu vực gần Trung Quốc đã xuất hiện trên tờ South China Morning Post có trụ sở ở Hồng Kông, vào ngày 4-7.
Bắc Kinh đã âm thầm, lặng lẽ theo dõi thông tin này. "Hiện nay, nguyện vọng chung của các quốc gia ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là tìm kiếm hòa bình, sự ổn định và an ninh khu vực. Chúng tôi hy vọng các hoạt động quân sự có liên quan của Mỹ ở đây sẽ giúp củng cố hòa bình, sự ổn định và an ninh trong khu vực chứ không phải điều ngược lại," ông Wang Baodong, phát ngôn viên của Đại sứ Trung Quốc tại Washington, đã phát biểu như vậy.
Tháng trước, Hải quân Mỹ thông báo rằng tất cả 4 chiếc tàu ngầm mang tên lửa hành trình Tomahawk đã lần đầu tiên được triển khai ở khu vực xa cảng nhà. Theo Đại úy Tracy Howard thuộc hạm đội tàu ngầm số 16 đóng tại Kings Bay, Georga, 4 chiếc tàu ngầm này có thể “đáp trả tất cả các mối đe dọa khác nhau trong một thời gian ngắn sau khi nhận được thông báo."
Động thái trên là một phần trong chính sách của Mỹ liên quan đến việc chuyển hỏa lực từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương – khu vực mà Washington xem là trọng tâm quân sự trong thế kỷ 21. Căng thẳng dịu đi từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc là nguyên nhân khiến Mỹ giảm hoạt động triển khai vũ khí hạt nhân, cho phép lực lượng Hải quân nước này giảm hạm đội tàu ngầm mang tên lửa Trident từ 18 xuống còn 14.
Đáng ra Hải quân Mỹ đã có thể cho 4 chiếc tàu ngầm này “nghỉ hưu” để tiết kiệm tiền cho Lầu Năm Góc nhưng đó không phải là cách chính quyền hoạt động. Thay vào đó, Washington đã bỏ ra khoảng 4 tỉ USD để thay thế những tên lửa Trident bằng tên lửa Tomahawks và xây thêm 60 phòng đặc biệt cho binh lính trên mỗi chiếc tàu ngầm. Sau đó, những chiếc tàu này được cử đi hoạt động lén lút trên toàn cầu. "Chúng tôi ở đó hàng tuần, chúng tôi theo dõi tình hình cũng như môi trường ở đó. Chúng tôi có thể phát hiện, phân loại và định vị các mục tiêu và nếu cần thiết sẽ bắn chúng," Thiếu tướng Hải quân Mark Kenny giải thích sau khi chiếc tàu ngầm đầu tiên được thay thế tên lửa Trident bằng tên lửa Tomahawk ra khơi năm 2008.
Những chiếc tàu ngầm của Mỹ không phải là vấn đề mới gây lo ngại duy nhất đối với Trung Quốc. Hai cuộc tập trận quân sự lớn mới nhất liên quan đến Mỹ và các đồng minh trong khu vực cũng khiến Bắc Kinh phải giật mình cảnh giác. Gần 40 chiếc tàu chiến và tàu ngầm hải quân đã bắt đầu tham gia vào cuộc tập trận “Vành đai Thái Bình Dương” ở ngoài khơi Hawaii từ hồi cuối tháng 6. Khoảng 20.000 binh lính đến từ 14 quốc gia đã tham gia vào cuộc tập trận diễn ra hai năm một lần này.
Trong quá trình tập trận, các nước đã diễn tập hoạt động bắn tên lửa và đánh chìm 3 con tàu cũ đóng giả là tàu của kẻ thù. Các nước tham gia cùng với Mỹ trong cuộc tập trận được coi là cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới từ trước đến này gồm Australia, Canada, Chile, Colombia, Pháp, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Hà Lan, Peru, Singapore và Thái Lan. Liên quan đến Trung Quốc hơn là cuộc tập trận CARAT 2010 — Sẵn sàng hợp tác trên biển và huấn luyện Training — vừa diễn ra ở ngoài khơi Singapore. Cuộc tập trận này có sự tham gia của 17.000 binh lính và 73 tàu chiến đến từ Mỹ, Singapore, Bangladesh, Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippine và Thái Lan.
Cả hai cuộc tập trận quy mô lớn này đều không có sự tham gia của Trung Quốc mặc dù nó diễn ra ở những khu vực rất gần Trung Quốc. Đây hoàn toàn không phải là một sự sơ suất. Nhiều quốc gia ở khu vực Tây Thái Bình Dương như Australia, Nhật Bản, Indonesia và Hàn Quốc, đang khuyến khích Mỹ can thiệp vào vấn đề này. Và quân đội Mỹ cũng tỏ ra quan ngại về lực lượng tên lửa ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc. Hiện Bắc Kinh đang triển khai hơn 1.000 tên lửa gần Eo biển Đài Loan. Sự xuất hiện của những chiếc tàu ngầm mang tên lửa tuần hành Tomahawk ở Thái Bình Dương "là một phần nỗ lực lớn hơn của Mỹ nhằm củng cố năng lực ở khu vực. Động thái này phát đi một thông điệp rằng không ai có khả năng ngăn cản quyết tâm của Mỹ trong việc đóng vai trò là lực lượng cân bằng trong khu vực. Rất nhiều nước trong khu vực muốn chúng tôi làm như vậy,” ông Glaser cho biết. Chắc chắn là Bắc Kinh đã hiểu được thông điệp này.
(Theo VnMedia