Vì sao lao động thất nghiệp ngại học nghề?

30/08/2022 05:45

Hiện nay, nhiều người lao động thất nghiệp không muốn học nghề mới dù số tiền hỗ trợ đã khá cao, thậm chí bằng cả số tiền học phí phải đóng.


Khi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động đều được tư vấn học nghề mới nhưng phần lớn không đăng ký

Chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp tạo cơ hội để họ chuyển đổi nghề nghiệp, tiếp cận nghề mới nhưng nhiều lao động lại từ chối tham gia.

Ít người học

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), 7 tháng đầu năm, toàn tỉnh có hơn 7.000 người lao động (NLĐ) đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp thì chỉ có 108 người đăng ký học nghề, chiếm chưa đến 2% số lao động kể trên. Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Giám đốc trung tâm cho biết khi NLĐ đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp luôn được tư vấn, giới thiệu một số nghề mới nhưng đa phần đều từ chối. Chỉ một số ít NLĐ đăng ký học lái xe hạng B và C tại trung tâm. “NLĐ thất nghiệp không muốn học nghề mới dù số tiền hỗ trợ hiện nay đã khá cao, thậm chí bằng cả số tiền học phí phải đóng”, bà Hoa nói.

Có mặt tại Trung tâm Dịch vụ việc làm từ sáng sớm để hoàn thiện hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng khi được nhân viên tư vấn học nghề thì chị Phạm Thị Hằng ở xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng) từ chối ngay và đề nghị cán bộ hoàn thiện nhanh thủ tục để sớm nhận được tiền trợ cấp. Chị Hằng làm ở bộ phận lắp ráp của một doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện điện tử tại khu công nghiệp Tân Trường (Cẩm Giàng). Thời gian trước do công ty thiếu nguồn cung nguyên liệu, đơn hàng bị cắt giảm, tay nghề, hiệu suất làm việc lại không cao nên chị bị cho nghỉ việc. Chị Hằng cho rằng mình đã gần 40 tuổi học nghề khác chưa chắc đã tìm được việc tốt hơn, thậm chí còn không có thời gian đi tìm việc mới. “Xem danh sách nghề thì chỉ thấy có làm đẹp, cơ khí, điện dân dụng, vận hành trạm trộn bê tông… Những nghề này không phù hợp với lứa tuổi của tôi”, chị Hằng bày tỏ.

Anh Nguyễn Văn Tú ở xã Liên Hồng (TP Hải Dương) nhận trợ cấp thất nghiệp được hơn 1 tháng song vẫn chưa tìm được việc làm mới. Anh đến Trung tâm Dịch vụ việc làm để tìm việc chứ nhất định không đăng ký học nghề. Anh cho biết dù chỉ mất một khoản chi phí rất nhỏ, thậm chí miễn phí nhưng thời gian học quá ngắn lại chỉ cấp bằng sơ cấp thì không giúp được gì nhiều cho NLĐ. Thay vì mất từ 3-6 tháng học nghề, anh cố gắng tìm việc mới, may ra có thu nhập sớm hơn.   

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, đến hết tháng 7, số lao động thất nghiệp có độ tuổi từ 18-24 chỉ chiếm khoảng 6% số lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, còn lại là lao động có độ tuổi 25-40 và ngoài 40. Theo bà Nguyễn Thị Hoa, số lao động trẻ thất nghiệp có nhu cầu học nghề chiếm tỷ lệ rất ít. Đa phần những người thất nghiệp là lao động phổ thông, tuổi đời đã khá cao nên họ ngại học nghề mới.

Trong tổng số hơn 7.000 lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ có 108 người đăng ký học lái xe


Cần đổi mới

Nguyên nhân chính khiến NLĐ thất nghiệp là do nghề nghiệp hiện tại không phù hợp với nhu cầu của thị trường hoặc trình độ tay nghề không đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp. Vì vậy, để thoát khỏi tình trạng thất nghiệp thì việc học nghề để chuyển đổi công việc hoặc nâng cao trình độ tay nghề đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp là giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định.

Để tránh tâm lý ngại học nghề cần có sự đổi mới và linh hoạt trong khâu đào tạo. Theo anh Nguyễn Văn Dũng, lao động thất nghiệp ở xã Thanh Thủy (Thanh Hà), Nhà nước nên định hướng cho NLĐ học những nghề có nhu cầu tuyển dụng lớn, nghề mà có thể giúp lao động thất nghiệp tìm được công việc sớm với mức thu nhập tốt hơn. Các đơn vị dạy nghề có thể liên kết với một số doanh nghiệp để đào tạo nghề mà doanh nghiệp cần. Khi học xong, NLĐ được sắp xếp việc làm ngay mà không phải bỏ xó bằng cấp hay loay hoay kiếm việc làm. Thời gian học nghề cũng nên cân nhắc kéo dài hơn so với hiện nay “Bởi nếu chỉ học từ 3-6 tháng, lao động cũng chỉ mới biết đến nghề chứ chưa thạo việc. Khi học xong nếu NLĐ có nhu cầu mở cửa hàng hay làm nghề riêng cũng khó”, anh Dũng nói.

Cùng với đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi sát sao quá trình đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp; mở nhiều phiên giao dịch việc làm trực tuyến, giúp lao động thất nghiệp có thêm thông tin về thị trường lao động sau khi học nghề…  NLĐ cũng không nên vì lợi ích trước mắt, quá quan tâm đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp mà bỏ qua cơ hội học nghề, nâng cao trình độ tay nghề, tăng khả năng cạnh tranh khi tìm kiếm cơ hội việc làm.

HẢI MINH

Theo Quyết định 17/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 15.5.2021, lao động mất việc sẽ được tăng chi phí hỗ trợ học nghề từ 1 triệu đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng. Với người học dưới 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tiền học phí trường nghề và thời gian học thực tế, tối đa không quá 4,5 triệu đồng mỗi khóa. Với người học từ 3-6 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao lao động thất nghiệp ngại học nghề?