Vì sao Kim Thành liên tiếp xảy ra sự cố đê điều?

12/06/2017 06:30

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Kim Thành liên tiếp xảy ra các sự cố đê điều. Nhiều trọng điểm đê kè đang ở mức báo động, đe dọa sự an toàn của hệ thống đê trong toàn huyện.




Hiện trường sạt lở đê tả sông Lai Vu, xã Lai Vu đầu tháng 4 năm nay


Đầu tháng 4 năm nay, đoạn bãi tuyến đê tả sông Lai Vu, thuộc xã Lai Vu (Kim Thành) bị sạt lở mạnh. Vị trí sạt lở dài 41 m, lấn sâu vào bãi từ 3-5 m. Khoảng cách gần nhất từ đỉnh cung sạt đến chân đê ngoài bãi sông là 27 m. Sau đó ít ngày, đoạn hạ lưu cống Bằng Lai thuộc xã Ngũ Phúc (Kim Thành) cũng bị xói lở mạnh có chiều dài khoảng 80 m, lấn sâu vào bờ từ 2-3 m. Ngay sau đó, địa phương đã dùng đá hộc để khắc phục nhưng đoạn kênh vẫn có dấu hiệu tiếp tục sạt lở.

Theo thống kê của cơ quan chức năng huyện Kim Thành, năm 2016, toàn huyện xảy ra 5 sự cố đê điều. Đáng chú ý như sự cố sạt lở bờ sông đoạn từ vị trí K12 + 150 đến  K12+220 đê hữu sông Kinh Môn thuộc xã Ngũ Phúc với chiều dài cung sạt 50 m, chiều rộng 3,4 m, chiều sâu so với mặt bãi là 1,3 m, đỉnh cung sạt cách chân đê phía sông chỗ gần nhất khoảng 18 m, đồng thời xuất hiện một số vết nứt dọc mặt bãi và có chiều hướng tiếp tục sạt lở. Hay như sự cố sạt lở bờ sông đoạn từ vị trí K9+500 đến K9+840 đê tả sông Rạng, thuộc xã Kim Xuyên. Từ năm 2015, đoạn đê này đã sạt lở với chiều dài 300 m, chiều sâu 1,5 m, đỉnh cung sạt cách chân đê phía sông chỗ gần nhất 40 m và hiện nay vẫn chưa được xử lý. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, mang cống Đầm Tôm, thuộc xã Đại Đức bị sạt lở có chiều dài 4m, lấn sâu vào mặt đê 0,4 m... Các sự cố đê điều trên đã gây thiệt hại về tài sản, công trình, cây cối hoa màu của người dân, đe dọa sự an toàn của hệ thống đê trên địa bàn huyện. Tổng thiệt hại do các sự cố và mưa, bão, dông lốc gây ra hơn 5 tỷ đồng.

Huyện Kim Thành hiện có 4 tuyến đê (thuộc đê cấp 2 và cấp 3) với tổng chiều dài 53,69 km. Theo ông Trương Đức Tốn, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê huyện Kim Thành, nguyên nhân chính xảy ra các sự cố đê điều trên do khu vực bãi sông có địa chất yếu, bùn cát xen kẽ và bị ảnh hưởng bởi nạn khai thác cát trái phép, bờ sông dốc đứng, dòng chảy áp sát bờ. Các tuyến đê trong huyện được hình thành từ rất lâu, tu bổ, mở rộng, tôn cao nhiều lần bằng nhiều hình thức, qua nhiều địa hình (đầm trũng, cát bãi bồi, khu dân cư...). Vì vậy, cấu tạo địa chất của thân đê, nền đê rất phức tạp. Một số đoạn mặt cắt ngang đê có vị trí chưa đủ bề dày, cơ đê nhiều đoạn thấp và nhỏ, chân đê phía trong đồng có nhiều đầm trũng, ao sâu, thân đê nhiều ẩn họa... Trong khi đó, kinh phí đầu tư xây dựng, tu bổ các công trình đê điều còn hạn chế. Tình trạng vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai diễn ra ở nhiều nơi nhưng chưa được xử lý kiên quyết...

Mùa mưa bão đang đến, huyện Kim Thành đã xác định 5 trọng điểm đê điều nguy hiểm ở mức báo động để có biện pháp khắc phục, xử lý. Đó là cống Tỉnh Thủy (xã Tam Kỳ); bờ lở (xã Kim Xuyên) thuộc đê tả sông Rạng, nứt mặt đê tả sông Rạng (xã Cộng Hòa) và 2 bờ lở đê hữu sông Lai Vu (xã Lai Vu). Ngoài những trọng điểm nguy hiểm đê điều dễ xảy ra sự cố, địa phương cũng xác định những vị trí xung yếu để lên phương án xử lý khi xảy ra sự cố, nhằm bảo đảm an toàn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Ngoài phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn chung, địa phương đã xây dựng phương án bảo vệ riêng cho từng trọng điểm đê có nguy cơ mất an toàn. Mỗi trọng điểm đê đều có đánh giá cụ thể hiện trạng, nguyên nhân và biện pháp xử lý cụ thể. Đồng thời, chuẩn bị kỹ nhân lực, phương tiện, vật tư ứng phó khi cần thiết.

TRƯƠNG HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao Kim Thành liên tiếp xảy ra sự cố đê điều?