Vì sao không khí trong nhà khiến bạn dễ ốm?

23/06/2023 08:42

Bạn có thể đổ lỗi cho nhà trẻ, đồng nghiệp hoặc những đứa trẻ không rửa tay khiến gia đình mình ốm, nhưng có một thủ phạm nhiều khả năng hơn.

Chúng ta thường nghĩ ô nhiễm không khí là khí thải ô tô, khói nhà máy và khói bụi, nhưng không khí mà gia đình bạn hít thở khi ngủ, ăn và thư giãn trước TV lại không hề trong sạch.

Không khí trong nhà chứa đầy hóa chất độc hại và chất gây dị ứng có thể làm cay mắt, kích hoạt các cơn hen suyễn và gây đau đầu. Theo thời gian, chất độc trong không khí có thể phá vỡ nội tiết tố, làm hỏng các cơ quan quan trọng và thậm chí có thể dẫn đến ung thư.

Nhưng ô nhiễm không phải là vấn đề duy nhất ẩn nấp trong không khí. Những ngôi nhà quá khô cũng là một mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với sức khỏe. Cùng với việc khiến da nứt nẻ, chảy máu cam và tăng nguy cơ mất nước, không khí quá khô khiến bệnh cúm dễ bùng phát, khiến chúng ta dễ bị nhiễm bệnh hơn.

Ngược lại, không khí quá ẩm sẽ khuyến khích nấm mốc phát triển và thu hút mạt bụi, tạo ra một loạt vấn đề sức khỏe mới.

Dù ô nhiễm, quá khô hay quá ẩm, không khí trong nhà không hoàn hảo đều có khả năng khiến gia đình bạn bị bệnh.

Dưới đây là một số giải pháp thiết thực để giữ cho gia đình bạn an toàn khỏi bệnh tật cả hiện tại và tương lai.

Hít thở không khí trong nhà cũng có thể gây nên các bệnh về đường hô hấp. Ảnh:Freepik

Hít thở không khí trong nhà cũng có thể gây nên các bệnh về đường hô hấp. Ảnh:Freepik

Ô nhiễm và chất gây dị ứng trong nhà

Josh Jacobs, giám đốc bộ luật và tiêu chuẩn môi trường, thuộc tổ chức UL (Mỹ) cho biết, không khí trong nhà ô nhiễm hơn không khí ngoài trời. Chúng ta đóng kín các tòa nhà, kiểm soát tốc độ thông gió nên bất cứ thứ gì ta thêm vào bên trong nhà như vách thạch cao, sàn, nội thất, sơn, đồ điện tử đều có thể thải ra VOC (hợp chất hữu cơ dễ bay hơi), vốn không tiêu tan trong môi trường trong nhà.

VOC gồm khoảng 13.000 hóa chất độc hại, chẳng hạn như formaldehyde, aldehyde, benzen và toluene, có trong các sản phẩm gia dụng và vật liệu xây dựng nhân tạo. Trên thực tế, Jacobs nói rằng chỉ những vật dụng làm hoàn toàn bằng thép, thủy tinh, bê tông hoặc đá mới không thải ra VOC, khí chúng ta hít vào.

Cùng với việc gây kích ứng mắt, mũi và cổ họng, những hóa chất độc hại này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen suyễn và gây chóng mặt, buồn nôn, nhức đầu, phát ban da và mệt mỏi. Phơi nhiễm kéo dài có thể gây hại cho thận, gan hoặc hệ thần kinh trung ương và có khả năng gây ung thư.

VOC thải ra ngoài trời rất nhiều, nhưng có thể thoát ra ngoài, trong khi nếu thải ra trong nhà, chúng sẽ bị mắc kẹt. "Hãy tưởng tượng nó giống thuốc nhuộm đỏ. Nếu bạn thả một giọt vào đại dương, nó sẽ tan biến nhanh, nhưng nếu nhỏ một giọt vào bể cả, nước sẽ chuyển sang hồng, thậm chí đỏ tươi", Jacobs nói.

Bên cạnh ô nhiễm VOC, không khí trong nhà cũng có thể bị ô nhiễm bởi các chất gây dị ứng như vẩy da thú cưng, mạt bụi, nấm mốc hoặc thậm chí là phấn hoa. Cùng với việc lơ lửng trong không khí, những chất ô nhiễm này tích tụ trong bụi nhà. Hơn nữa, các hoạt động hàng ngày như nấu ăn trên bếp ga và cọ rửa sàn nhà bếp giải phóng khí có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khi hít phải.

Cách khắc phục

Bạn sẽ không bao giờ loại bỏ hoàn toàn lượng khí thải VOC, nhưng có thể làm nhiều việc để giảm bớt sự tiếp xúc của gia đình mình, bắt đầu với các loại sản phẩm mang vào nhà.

Khi mua sơn, đồ nội thất, mặt bàn, vách thạch cao, đệm, giường ngủ, xử lý cửa sổ và nhiều nhu cầu cải thiện nhà cửa khác, hãy tìm kiếm chứng nhận có lượng khí thải VOC thấp.

Tương tự, hãy tìm các sản phẩm thảm trải sàn, sàn nhà, tẩy rửa, cũng như các sản phẩm giấy, đồ điện tử, thiết bị văn phòng... ít chứa VOC.

Để giảm bớt mối đe dọa VOC từ các vật dụng gia đình mà bạn sở hữu, hãy mở các cửa sổ càng nhiều càng tốt để lưu thông không khí ngoài trời vào nhà.

Nếu bạn có hệ thống làm mát và sưởi ấm, hãy sử dụng các bộ lọc được thiết kế để loại bỏ các hạt nhỏ và thay đổi nó thường xuyên; điều này cũng sẽ giúp giảm thiểu các chất gây dị ứng trong không khí.

Nên mua một máy lọc không khí độc lập, sẽ không làm được gì nhiều đối với VOC nhưng có thể thu giữ các chất gây dị ứng, bụi và các hạt khác, nên thay đổi bộ lọc thường xuyên.

Ngoài ra, hãy hút bụi, quét và phủi bụi toàn bộ ngôi nhà thường xuyên để làm sạch tất cả các chất gây dị ứng và những thứ khó chịu khác bám trên sàn nhà, đồ nội thất và đồ điện tử.

Nếu bạn có một chiếc bếp gas có máy hút mùi, hãy sử dụng nó bất cứ khi nào nấu ăn và để nó hoạt động trong vài phút sau khi bạn nấu xong. Nghiên cứu cho thấy chúng hạn chế đáng kể các chất ô nhiễm được đẩy vào không khí.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao không khí trong nhà khiến bạn dễ ốm?