Tình trạng mùi hôi nặng, mùi cháy khét từ khu vực chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt ở xã Việt Hồng ảnh hưởng sức khỏe người dân...
San ủ rác ngoài sân không mái che ở Công ty CP Môi trường APT - Seraphin Hải Dương
Thời gian qua, người dân các xã Cổ Dũng, Tuấn Hưng (Kim Thành) đã kiến nghị tới HĐND các cấp tình trạng “bốc mùi” khó chịu trong bán kính 500 - 700 m xung quanh khu vực chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt tại xã Việt Hồng (Thanh Hà)... Cuối tháng 11-2011, UBND xã Cổ Dũng đã có công văn tổng hợp kiến nghị của người dân gửi UBND huyện Kim Thành, trong đó khẳng định tình trạng mùi hôi nặng, mùi cháy khét của cao su, nhựa, xốp... thường xuất hiện tầm chiều tối, có thể ảnh hưởng sức khỏe người dân.
Theo thông tin trên, chúng tôi đã làm việc với ông Vương Quý Nha, Giám đốc Công ty CP Môi trường APT-Seraphin Hải Dương, một trong 2 dự án chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt tại khu vực Việt Hồng (đơn vị này đã ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hải Dương vào ngày 12-11-2010 về việc tiếp nhận rác thải rắn vô cơ để xử lý theo công nghệ seraphin). Theo ông Nha, dự án này triển khai từ tháng 3-2009 và dự kiến cuối quý IV- 2011 mới tiếp nhận rác. Nhưng do khó khăn tài chính, tiến độ xây dựng nhà máy còn chậm, hiện đang triển khai ở giai đoạn đầu trong kế hoạch 3 giai đoạn, với vốn đầu tư khoảng 26 tỷ đồng (tổng đầu tư của dự án là 137 tỷ đồng). Tuy vậy, do yêu cầu thực tế và nhất là do chỉ đạo của tỉnh nên công ty này phải tiếp nhận rác từ cuối tháng 6-2011, đến nay đã được khoảng 8.000 tấn rác thải rắn. Số rác thải này đều được phân loại, xử lý bằng cách ủ trong 2 nhà ủ (diện tích khoảng 3.000 m2) và trên 4.000 m2 sân; rác thải là cao su, nhựa, xốp, quần áo, giầy dép... được chế biến thành dầu FO và hạt nhựa. Qua quan sát thực tế, chúng tôi nhận thấy trên diện tích 20,9 ha của dự án này hầu như chưa có công trình kỹ thuật nào hoàn thiện, quy trình vận chuyển và xử lý chưa chặt chẽ, rác ủ không được che phủ kín... Có lẽ đây là những nguyên nhân chủ yếu phát sinh ô nhiễm môi trường không khí xung quanh. Lò chính xử lý rác của dự án đang hoàn thiện, dự kiến đến ngày 15-1-2012 sẽ đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, chất lượng lò thế nào cũng khó biết, bởi việc xây dựng được thực hiện theo kinh nghiệm và "vừa làm, vừa hoàn thiện".
Cũng trong khu vực này, hơn 5 tháng trước, Nhà máy Chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt Hải Dương tại xã Việt Hồng (Thanh Hà) đã cơ bản hoàn thành, với tổng mức đầu tư khoảng 170 tỷ đồng, công suất xử lý theo thiết kế là 175 tấn rác sinh hoạt/ngày, hiện do Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hải Dương quản lý, vận hành. Từ tháng 10-2011, nhà máy đã hoạt động liên tục, đạt công suất phân loại và xử lý khoảng 150 tấn rác hữu cơ/ ngày. Các công đoạn ủ hiếu khí (ủ lên men trong 21 ngày) đã được vận hành, đang hoàn thiện các khâu nghiền tinh, ủ chín (28 ngày), đồng thời thực hiện nghiệm thu kỹ thuật từng khâu và từng bộ phận máy móc, thiết bị. Lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hải Dương (đơn vị đang quản lý và vận hành nhà máy) lý giải việc tập kết và xử lý rác hằng ngày có thể gây ra mùi khó chịu cho xung quanh. Công ty tăng cường việc xử lý rác và nước rác bằng BIO- MIX, một loại chế phẩm mới của Công ty CP Sinh học Hà Nội.
Vấn đề là lượng rác thải liên tục tăng tới 30% mỗi năm. Theo thống kê năm 2004, lượng rác thải trên địa bàn tỉnh chỉ trên 155 tấn/ngày thì đến nay đã trên 500 tấn/ngày. Riêng TP Hải Dương chiếm 55-60% lượng rác của toàn tỉnh. Kết quả phân tích cho thấy, thành phần của rác thải sinh hoạt đô thị rất đa dạng, có tới 49,2 % là chất hữu cơ; 20,4% là chất thải xây dựng; còn lại là xen- lu-lô, chất nhựa, thủy tinh, kim loại... và những chất thải nguy hại như ắc quy, pin, bóng đèn hỏng, vỏ hộp sơn... tất cả đều được thu gom hỗn tạp. Lượng rác thải rắn, vô cơ đều được chuyển sang Công ty CP Môi trường APT-Seraphin Hải Dương.
Thực tế ở một số địa phương khu vực phía bắc cho thấy, xử lý mỗi tấn rác sinh hoạt đô thị ít nhất cần trên 200 nghìn đồng. Tuy nhiên, tỉnh chỉ hỗ trợ 177 nghìn đồng cho việc xử lý 1 tấn rác thải sinh hoạt, theo Công ty CP Môi trường APT-Seraphin Hải Dương, trong đó đơn vị mới được tạm ứng 100 nghìn đồng/tấn, 77 nghìn đồng được Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hải Dương giữ lại để phân loại ban đầu và vận chuyển rác. Chi phí thấp có thể nảy sinh bất cập trong việc phân loại, xử lý rác thải.
Để khu vực chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt ở xã Việt Hồng hoạt động hiệu quả thực sự rất cần các cấp, ngành, đơn vị liên quan góp sức, tránh chuyển ô nhiễm từ nơi này tới nơi khác.
THÀNH LONG