Nguồn cầu thủ dồi dào, chất lượng cao, có đội ngũ cổ động viên đông đảo, cuồng nhiệt... nhưng Hải Dương hiện chưa có một câu lạc bộ (CLB) bóng đá chuyên nghiệp.
Cầu thủ HADUWACO Hải Dương (trang phục trắng) trong trận chung kết Giải bóng đá thiếu niên toàn quốc Yamaha Cup 2020 với Sông Lam Nghệ An
Đây vừa là thắc mắc vừa là niềm khắc khoải của rất nhiều người dân trong tỉnh.
Lớp lớp tài năng
Hiếm địa phương nào có nguồn cầu thủ bóng đá đang chơi tại các giải trong nước nhiều và chất lượng như Hải Dương. Văn Toàn, Đức Huy, Văn Thanh, Trọng Đại, Xuân Nam, Hoàng Đức, Tiến Linh, Triệu Việt Hưng, Đức Chiến, Văn Sơn, Văn Anh, Xuân Tạo, Việt Anh, Tiến Anh... nhiều năm qua đã trở thành nòng cốt ở các cấp độ đội tuyển của Việt Nam từ U22, U23 cho đến đội tuyển quốc gia.
Những cầu thủ Hải Dương này còn góp mặt ở hầu hết các giải quốc tế và góp công lớn mang vinh quang về cho bóng đá nước nhà. Họ đang là nhà á quân U23 châu Á, đương kim vô địch AFF Cup, SEA Games... Ở giải đấu quốc tế cao nhất mà tuyển Việt Nam đang thi đấu là vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á, đã có lúc ông Park Hang-seo, Huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam triệu tập tới 7 cầu thủ người Hải Dương, gồm: Đức Huy, Văn Thanh, Văn Toàn, Tiến Linh, Hoàng Đức, Trọng Đại và Xuân Nam.
Tại giải bóng đá cao nhất của Việt Nam (V-League) hiện nay, các cầu thủ Hải Dương đều thi đấu trong màu áo các CLB mạnh như Hà Nội, Hoàng Anh Gia Lai, Viettel, Topenland Bình Định... Nhiều cầu thủ của Hải Dương như Văn Toàn, Hoàng Đức được các CLB nước ngoài mời thi đấu.
Trong lịch sử, Hải Dương từng có đội bóng A1 thi đấu ở giải bóng đá cao nhất của Việt Nam. Các cựu danh thủ Lê Thế Thọ (biệt danh Thọ "lắc", từng đoạt danh hiệu Cầu thủ vàng Việt Nam nửa thế kỷ qua trong một cuộc bình chọn của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam), Hồ Thu cũng đều là người Hải Dương.
Nguyên nhân Hải Dương trở thành cái nôi đào tạo cầu thủ trẻ bậc nhất cả nước hiện nay là do có hệ thống đào tạo trẻ nền nếp ngay từ bóng đá học đường. Hằng năm, các giải bóng đá của học sinh đều được các huyện, thị xã, thành phố tổ chức bài bản. Qua đây, các tài năng được phát hiện và đưa về đào tạo theo giáo trình chuyên nghiệp tại Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hải Dương từ U9 đến U13. Các em được ăn ở tập trung, học văn hóa miễn phí và các huấn luyện viên chuyên nghiệp dẫn dắt.
Ở cấp độ U9, U11, các cầu thủ Hải Dương đang được huấn luyện viên Hữu Hùng đào tạo. Huấn luyện viên trẻ này từng đưa U11 Gia Bảo Hải Dương 8lần vào chung kết và 5 lần vô địch quốc gia. Ở tuyến U13, huấn luyện viên Phan Yên đã đưa đội tuyển HADUWACO Hải Dương 2lần giành ngôi á quân toàn quốc. Gần đây nhất, U13 Hải Dương từng vượt qua các đối thủ có tiềm lực tài chính và hệ thống đào tạo cực mạnh như Hà Nội, Học viện Hoàng Anh Gia Lai JMG, Học viện Juventus Academy Vietnam... và chỉ chịu thua Sông Lam Nghệ An trong trận chung kết trên sân nhà của họ.
Các cầu thủ thuộc lứa U15 của Hải Dương đang luyện tập tại Câu lạc bộ Viettel
Vấn đề "đầu tiên"
Để có một đội bóng đá chuyên nghiệp, theo điều 15 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam VFF), CLB phải đăng ký tham gia các giải thuộc hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp do VFF tổ chức nếu đội bóng thuộc thành phần phải tham gia và chỉ được quyền tham gia một đội ở mỗi giải. Ngoài ra, CLB phải có đội bóng tham dự giải trẻ U21 và U19 hằng năm. Theo điều 13, mỗi CLB phải đăng ký một sân thi đấu theo quy định của VFF trước mỗi giải bóng đá chuyên nghiệp và có tối thiểu một sân tập...
Như vậy, nhiều điều khoản ràng buộc tại quy chế này mà Hải Dương chưa đáp ứng được để có thể thành lập CLB. Tỉnh mới chỉ đào tạo được đến U13, không có sân tập quy chuẩn và đặc biệt không có nguồn tài chính bảo đảm.
Anh Lê Tân, phóng viên Báo Thanh Niên tại Hải Phòng - người có nhiều năm theo dõi bóng đá Hải Dương cho biết vấn đề tài chính là rào cản lớn nhất khiến Hải Dương hiện khó có CLB. Hải Phòng là CLB tầm trung của Việt Nam nhưng năm 2020 ngân sách chi đến 40 tỷ đồng, năm 2021 là 50 tỷ đồng, chưa kể doanh nghiệp đầu tư, mua, chuyển nhượng, lương, thưởng của cầu thủ, ban huấn luyện, y tế, sân bãi, phương tiện, vé đi lại thi đấu... "Hải Dương chưa có hệ thống đào tạo các lứa cầu thủ bắt buộc theo quy chế mà chỉ dừng lại ở U13. Sau U13, các em đều phải tìm các bến đỗ mới như Hoàng Anh Gia Lai, PVF, Viettel... Nếu có đội bóng chuyên nghiệp, ngoài điều này còn phải có nguồn lực tài chính đủ mạnh và ổn định", anh Lê Tân nói.
Theo huấn luyện viên trưởng của Topenland Bình Định Nguyễn Đức Thắng, để có CLB chuyên nghiệp, lãnh đạo địa phương phải kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. CLB Bình Định nhiều năm thi đấu ở giải hạng nhất quốc gia, nhưng từ khi Hưng Thịnh Land và Topenland đầu tư, đội đã thăng hạng và trở thành CLB thi đấu ổn định ở V.League.
Ông Minh Dũng, huấn luyện viên U15 Viettel là người Hải Dương cho biết đang đào tạo hơn 10 cầu thủ quê Hải Dương. Qua các khóa, cầu thủ Hải Dương luôn chiếm số đông và có chất lượng tốt. Sau này các em đủ khả năng thi đấu ổn định tại giải hạng nhất hoặc chuyên nghiệp. Nhiều cầu thủ người Hải Dương chia sẻ sẵn lòng trở về cống hiến nếu quê hương có CLB ở các giải quốc gia.
TIẾN HUY