Từ ngày 1.6.2021, Hải Dương sẽ dừng hỗ trợ tiền ăn với người phải cách ly y tế tập trung để phòng chống dịch Covid-19.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lưu Văn Bản kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TP Chí Linh
Để hiểu rõ hơn việc thực hiện chủ trương này, phóng viên Báo Hải Dương đã phỏng vấn đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác của tỉnh tăng cường chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch.
- Thưa đồng chí, vì sao tỉnh ta lại dừng việc hỗ trợ tiền ăn cho người cách ly tập trung từ ngày 1.6?
- Trước hết, theo Nghị quyết số 16 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng chống dịch Covid-19 thì từ ngày 8.2.2021, tất cả mọi người dân diện F1 khi cách ly y tế tập trung tại cơ sở cách ly do Nhà nước quản lý đều phải có trách nhiệm đóng góp tiền ăn cho các cơ sở cách ly với mức 80.000 đồng/người/ngày.
Tỉnh Hải Dương cũng như các tỉnh khác đều thực hiện các quy định về chi phí cách ly y tế theo Nghị quyết 16 của Chính phủ. Tuy nhiên, thời điểm tháng 2.2021, khi Nghị quyết được ban hành, tỉnh ta vừa bước vào đợt dịch thứ ba với diễn biến phức tạp, lại đúng vào thời điểm gần Tết Nguyên đán. Trong bối cảnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất tiếp tục hỗ trợ tiền ăn cho người thuộc diện F1 cách ly tập trung với mức 80.000 đồng/người/ngày.
Vừa qua, Sở Tài chính đã rà soát, nghiên cứu tình hình ngân sách của tỉnh qua đợt dịch thứ ba và bây giờ là đợt dịch thứ tư. Trên cơ sở nguồn lực của tỉnh hiện nay liên quan tới công tác phòng chống dịch và các nội dung khác, Sở Tài chính đã đề xuất với UBND tỉnh tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy tạm dừng việc hỗ trợ tiền ăn cho người phải cách ly tập trung từ ngày 1.6.
Việc dừng hỗ trợ tiền ăn từ ngày 1.6 có những lý do sau:
Thứ nhất, trong thời gian qua nguồn ngân sách, nguồn xã hội hóa của tỉnh chi cho công tác phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn.
Thứ hai, đợt dịch thứ tư đặt ra vấn đề ngân sách tỉnh vẫn đang phải tiếp tục chi trả cho các khoản xét nghiệm, chi phí phục vụ sinh hoạt, chi phí cho lực lượng làm công tác phòng chống dịch tại các khu cách ly... Đặc biệt, do năng lực xét nghiệm của tỉnh còn hạn chế, để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch, Sở Y tế đã tham mưu cho tỉnh đầu tư một khoản ngân sách lớn để mua bổ sung hệ thống máy móc nhằm nâng công suất xét nghiệm cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất, chúng ta đang huy động nguồn lực nữa, cùng với nguồn xã hội hóa để xây dựng "Quỹ vaccine phòng Covid-19" vì mục tiêu chống dịch lâu dài, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm sức khỏe nhân dân.
- Từ ngày 1.6, người cách ly tập trung còn được Nhà nước hỗ trợ những gì, thưa đồng chí?
- Từ ngày 1.6, người cách ly tập trung chỉ được Nhà nước hỗ trợ 3 khoản chi phí gồm đưa đón từ cơ sở, địa điểm phát hiện đối tượng phải thực hiện cách ly y tế đến cơ sở cách ly y tế tập trung; xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 ít nhất 3 lần, tương đương hơn 2,2 triệu đồng theo mức giá quy định của Nhà nước; chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế tập trung (nước uống, khăn mặt, khẩu trang, dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng và các vật dụng thiết yếu, chi phí khác) với mức 40.000 đồng/ngày, bằng 840.000 đồng cho 21 ngày. Như vậy, mỗi người đi cách ly tập trung 21 ngày được Nhà nước hỗ trợ hơn 3 triệu đồng tiền xét nghiệm và chi phí phục vụ sinh hoạt, trong khi chỉ phải tự chi trả 1.680.000 đồng tiền ăn.
Người cách ly thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ các khoản chi phí nói trên.
Ngoài ra, trên cơ sở thực tế đời sống của nhân dân trong tỉnh, với các trường hợp người yếu thế, người thực sự khó khăn mà không thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, các địa phương và tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, có chính sách hỗ trợ tiền ăn trong thời gian cách ly y tế tập trung.
- Xin cảm ơn đồng chí!
THANH MAI(thực hiện)