Dù có tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp phong phú nhưng lĩnh vực này ở Hải Dương còn khá mới mẻ, rất cần sự quan tâm về cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư nhằm khai thác tốt thế mạnh này.
Du khách tham quan Đồng Mẩn, xã Thanh Khê (Thanh Hà) mùa vải chín
Du lịch nông nghiệp đang là mô hình được nhiều nước thực hiện và cũng đang có xu hướng phát triển ở nước ta. Tại Hải Dương, du lịch nông nghiệp đã được định hướng phát triển nhưng còn gặp nhiều khó khăn.
Xu thế
Ngày Du lịch thế giới 27.9 năm nay, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã chọn chủ đề “Du lịch và phát triển nông thôn” nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của du lịch trong việc kiến tạo cơ hội, bảo tồn giá trị văn hóa, tự nhiên tại các khu vực nông thôn trên toàn thế giới. Từ chủ đề này, vấn đề làm thế nào để phát triển du lịch nông nghiệp cũng được đặt ra.
Các chuyên gia kinh tế đã từng chỉ ra cần có 4 thành tố để được gọi là du lịch nông nghiệp. Đó là kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp; thu hút du khách đến tham quan các hoạt động liên quan đến nông nghiệp; tăng thu nhập cho nông dân; tạo cho du khách cơ hội giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực, tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông. Để đạt được 4 yếu tố này mới được coi là thành công trong du lịch nông nghiệp.
Ở nhiều nước trên thế giới, từ cuối những năm 80 của thập kỷ trước đã có nhiều nước thực hiện mô hình du lịch nông nghiệp khá thành công. Mô hình này giúp nông dân chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp kết hợp các hoạt động vui chơi, giải trí mang lại hiệu quả cho cả hai ngành du lịch và nông nghiệp. Có thể kể đến những mô hình du lịch nông nghiệp đã sớm tạo dấu ấn như “Rural-tourism” - du lịch nông thôn của Anh; “Homestead” - du lịch trang trại của Mỹ; “Green-tourism” - du lịch xanh của Nhật Bản…
Tại Việt Nam, một số địa phương đã triển khai du lịch gắn với phát triển nông nghiệp như tham quan trang trại bò sữa ở nông trường Mộc Châu (Sơn La), thưởng ngoạn ruộng bậc thang mùa lúa chín Sa Pa (Lào Cai), du lịch sinh thái dọc sông Sài Gòn, thăm nhà vườn tại Bình Dương… góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp ở Hải Dương rất phong phú vì vốn đã có nhiều loại hình như du lịch văn hóa tâm linh với khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh), An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (Kinh Môn), Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng); du lịch làng nghề như làng gốm Chu Đậu (Nam Sách), làng chạm khắc gỗ Đông Giao (Cẩm Giàng), phường rối nước Thanh Hải (Thanh Hà); du lịch sinh thái ở đảo Cò Chi Lăng Nam (Thanh Miện), vùng dọc sông Hương (Thanh Hà)… Tỉnh ta cũng có những vùng sinh thái nông nghiệp với nhiều nông sản đặc trưng nổi tiếng cả nước. Dù vậy, hiệu quả từ khai thác du lịch nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Du khách thăm cánh đồng lúa xã An Thanh (Tứ Kỳ)
Cần cơ chế mở
Hai điểm được coi là tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp ở Hải Dương hiện nay là khu du lịch sinh thái Đảo Cò Chi Lăng Nam và khu vực dọc vùng sông Hương. Đây là hai nơi hội tụ nhiều yếu tố để phát triển điểm du lịch nông nghiệp. Trong kế hoạch định hướng phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh, kế hoạch thu hút khách du lịch đến hai địa điểm này cũng đã được đặt ra. Trong đó có viễn cảnh để du khách được tham quan thưởng ngoạn phong cảnh yên bình của làng quê, lưu trú tại địa phương cùng trải nghiệm cuộc sống thường ngày của người dân, thưởng thức nghệ thuật ẩm thực của địa phương... Tuy nhiên, để thực hiện thật tốt định hướng này là cả quá trình rất dài. Hiện vấn đề lớn nhất của kế hoạch này là thiếu kinh phí, thiếu chính sách ưu đãi nên chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn.
Là một trong số ít người trẻ dám nghĩ đến việc thực hiện mô hình du lịch nông nghiệp vốn còn khá mới mẻ ở Hải Dương, anh Nguyễn Văn Tuân, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp thế hệ mới (Tứ Kỳ) cho biết để thực hiện được mô hình là khá khó. Huyện Tứ Kỳ không chỉ có bãi rươi, bãi cáy mà còn có hệ thống di tích, làng nghề, sản phẩm gạo hữu cơ... Đây là những yếu tố thu hút được khách du lịch. "Chúng tôi đã triển khai để du khách thử trải nghiệm thì thấy họ khá thích thú. Nhưng để đi vào thực hiện vẫn cần phải chờ. Cái khó nhất hiện tại là cơ sở hạ tầng và chúng tôi cũng đang chờ định hướng chính sách phát triển của địa phương”, anh Tuân nói.
Khó khăn trong phát triển du lịch nông nghiệp không chỉ riêng ở Hải Dương mà phần lớn các địa phương trên cả nước cũng gặp phải như hoạt động mang tính tự phát, nhỏ lẻ, sản phẩm chưa thực sự hấp dẫn du khách cũng như chưa được chú trọng về thương hiệu. Vậy nên, khi du lịch nông nghiệp đang là xu thế thì chính quyền các cấp cần có sự quan tâm hơn nữa đối với lĩnh vực này thông qua các cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng… để khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh.
HUYỀN ANH