Vì sao du khách vẫn lướt qua Hải Dương?

10/09/2017 05:47

Mặc dù đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhưng hiệu quả của việc liên kết phát triển du lịch giữa Hải Dương với các tỉnh lân cận chưa thực sự rõ nét.



Du lịch Hải Dương vẫn thiếu sự đầu tư nhằm tạo ra điểm nhấn. Ảnh: Thành Chung


Nỗ lực quảng bá, liên kết

Có nhiều danh lam thắng cảnh, lễ hội, làng nghề truyền thống nổi tiếng, giao thông thuận lợi, lại nằm giữa các tỉnh, thành phố phát triển năng động là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh nên từ lâu Hải Dương đã có chủ trương sẽ từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thực hiện mục tiêu này, cách đây 4 năm, Hải Dương đã ký kết chương trình hợp tác du lịch với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng và lân cận như Thái Bình, Quảng Ninh, Bắc Giang... Hằng năm, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan và các công ty lữ hành trên địa bàn đều tham dự các hội nghị, hội thảo bàn giải pháp phát triển du lịch cho cả vùng và cho từng địa phương do các tỉnh, thành phố trong khu vực luân phiên tổ chức.

Du khách đến với các địa điểm du lịch ở xứ Đông chủ yếu lướt qua cho biết chứ không nhiều người ở lại.


Tại các cuộc trưng bày triển lãm, hội chợ du lịch, Hải Dương đều có gian hàng tuyên truyền, giới thiệu về danh lam thắng cảnh, ẩm thực của địa phương. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tham gia các gian hàng quảng bá du lịch Hải Dương tại Lễ hội hoa ban tổ chức ở Điện Biên, Hội chợ du lịch quốc tế VITM tổ chức ở Hà Nội, Hội chợ du lịch ẩm thực, làng nghề thủ công thương mại tổ chức ở Thái Nguyên; tham gia các cuộc xúc tiến du lịch tại Lạng Sơn, Hà Nam, Bắc Giang, Thái Bình. Trong hai ngày 6 và 7.9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức chương trình khảo sát và hội thảo sản phẩm du lịch tại huyện Kinh Môn với sự tham gia của đại diện các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Tỉnh cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo chí, Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch các tỉnh, thành phố để giới thiệu, quảng bá về mảnh đất, con người Hải Dương cũng như các sự kiện văn hóa, du lịch của tỉnh. Hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành tìm hiểu thông tin và kêu gọi họ nghiên cứu mở một số tuyến du lịch liên kết trải nghiệm sinh thái kết hợp với du lịch văn hóa tâm linh tại Hải Dương.

Việc tích cực tham gia vào các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch đã giúp tỉnh ta tăng cường mối quan hệ, xây dựng được những tour, tuyến kết nối phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Hiện nay đã có một số tuyến du lịch giữa Hải Dương và các tỉnh, thành phố lân cận được hình thành như: Hà Nội - đảo Cò (Thanh Miện) - múa rối nước Hồng Phong (Ninh Giang) - sông Hương (Thanh Hà) - vịnh Hạ Long (Quảng Ninh); Hà Nội - khu di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc (Hải Dương) - Yên Tử - Hạ Long (Quảng Ninh) - Hải Phòng…

Chưa có đột phá



Từ đầu năm đến nay, tỉnh ta đón 980.000 lượt khách quốc tế nhưng chỉ có 20,4% số người lưu trú


Ước tính từ đầu năm đến nay, tỉnh ta đón khoảng 2,6 triệu lượt khách du lịch, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2016; doanh thu ước đạt 1.252 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ.

Nhìn vào số liệu trên có thể thấy du lịch Hải Dương vẫn đang trên đà phát triển... chậm. Nếu bóc tách từng số liệu liên quan lại thấy du lịch Hải Dương chưa thực sự hấp dẫn du khách. Nói cách khác, du lịch tỉnh ta mới chỉ đạt về số lượng chứ chất lượng chưa ổn. Trong tổng số 2,6triệu du khách đến với Hải Dương từ đầu năm đến nay chỉ có khoảng 36% du khách lưu trú, còn lại đa số đi về trong ngày.  Khách quốc tế đến tỉnh ta có khoảng 980.000 người nhưng chỉ có 20,4% lưu trú. Và họ ở lại cũng chủ yếu là để thăm người thân, giải quyết công việc cá nhân, nghiên cứu thị trường kinh doanh... chứ không nhiều người ở lại để thụ hưởng các sản phẩm du lịch.

Tỷ lệ du khách lưu trú thấp đồng nghĩa với việc lợi ích kinh tế thu được từ du lịch hạn chế. Ông Nguyễn Đức Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đồng tình với quan điểm du lịch tỉnh ta có rất nhiều tiềm năng nhưng chưa có địa điểm nào thực sự tạo được điểm nhấn đậm nét, có thể giữ chân được đông đảo khách du lịch. Du khách đến với các địa điểm du lịch ở xứ Đông chủ yếu lướt qua cho biết chứ không nhiều người ở lại. Tại các khu du lịch chưa hình thành được các trung tâm vui chơi, mua sắm, giải trí, nghỉ ngơi hiện đại, các sản phẩm du lịch, đặc biệt là quà lưu niệm chưa phong phú.

Tỉnh ta đã quan tâm đầu tư cho lĩnh vực du lịch nhưng kinh phí còn hạn chế. Việc đầu tư chưa có trọng điểm mà vẫn dàn trải, chủ đạo là nâng cấp, gìn giữ, bảo tồn, ít xây mới, mở rộng để tạo điểm nhấn và thu hút du khách. Chưa mời gọi được các nhà đầu tư chiến lược, có tầm cỡ để đưa du lịch Hải Dương vươn lên một tầm cao mới.

Nhìn sang tỉnh bạn sẽ thấy những kinh nghiệm quý. Những năm trước, hồ nước nhân tạo Đại Lải ở tỉnh Vĩnh Phúc ít người biết đến vì khá hoang vắng và không có gì hấp dẫn. Cách đây 3 năm, tỉnh này huy động được doanh nghiệp lớn đầu tư vào du lịch. Họ đã quy hoạch, cải tạo, xây dựng hồ Đại Lải thành địa điểm du lịch hấp dẫn với điểm nhấn là phong cảnh đẹp kết hợp với hình thành các khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí hiện đại. Cuối tuần du khách tới đây chật cứng, không còn phòng trống. Du lịch Ninh Bình cũng rất thành công từ việc mời gọi được các doanh nghiệp lớn đầu tư vào 1 - 2 địa điểm để tạo điểm nhấn. "So sánh là khập khiễng nhưng đây có thể là những bài học kinh nghiệm hay để chúng ta nghiên cứu phát triển du lịch cho phù hợp, đúng hướng trong thời gian tới”, ông Việt chia sẻ.

Đa số các doanh nghiệp lữ hành khi được hỏi cũng đều cho rằng các sản phẩm du lịch ở tỉnh ta còn nghèo nàn, thiếu điểm nhấn, chưa được hình thành theo chuỗi nên rất khó hấp dẫn du khách. Năm ngoái, một đơn vị lữ hành ở Lào cũng có ý định hợp tác để xây dựng tour, tuyến du lịch giữa tỉnh Viêng Chăn với Hải Dương nhưng chưa có doanh nghiệp lữ hành nào ở tỉnh ta đứng ra phối hợp vì lý do trên.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao du khách vẫn lướt qua Hải Dương?