Năng lực nhân sự chưa đủ, không có kế hoạch rõ ràng hoặc gặp khó khăn trong xác nhận cách thức chuyển đổi… đều có thể là những lý do khiến doanh nghiệp thất bại trong chuyển đổi số.
Khó khăn trong xác định mục tiêu và cách thức chuyển đổi
Mục tiêu là một trong những yếu tố đầu tiên mà doanh nghiệp (DN) cần xác định trước khi vào hành trình chuyển đổi số (CĐS) toàn diện. Gặp khó khăn ngay khi xác định mục tiêu sẽ khiến DN lúng túng, dễ bỏ cuộc.
Tiếp đến là cách thức chuyển đổi. Với một mục tiêu cụ thể xuyên suốt quá trình CĐS, DN sẽ có nhiều cách để đạt đến mục tiêu ấy.DN phải phân tích và lựa chọn một cách kỹ lưỡng. Xác định được cách thức phù hợp là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công của quá trình CĐS.
Chưa có sự đồng thuận trong toàn doanh nghiệp
Rất nhiều chuyên gia có kinh nghiệm luôn khuyến khích việc CĐS cần được sự đồng lòng của cấp quản lý cũng như toàn bộ nhân viên. Cần có những buổi làm việc, trao đổi để nhân viên hiểu được tầm quan trọng, nắm được các mục tiêu mà DN đề ra, cũng như cách thức để DN đạt được mục tiêu đó.
Chưa chuẩn bị cho sự thay đổi
CĐS không chỉ mang lại những tác động sâu rộng mà còn đem đến những thay đổi lớn trong cách thức vận hành hoạt động. Bởi vậy, thích ứng nhanh với sự thay đổi lớn là điều cần chuẩn bị, đặc biệt với nhân viên trong DN. Họ sẽ phải quen với sự thay đổi trong cách làm việc, kết quả đạt được. Điều này có thể gây không ít trở ngại. Tuy nhiên, không thích nghi được với những thay đổi sẽ làm nhân viên bối rối, muốn quay về cách làm việc cũ.
Để khắc phục điều này, cấp lãnh đạo, quản lý có thể đồng hành cùng nhân viên. Chuẩn bị cho nhân viên thích nghi, chia sẻ với nhân viên những cách để làm quen nhanh với môi trường làm việc mới.
Chưa có giải pháp phù hợp nhất
Với mỗi khía cạnh cần thực hiện CĐS, DN cần chọn cho mình những giải pháp công nghệ phù hợp nhất. Các giải pháp đó không những bắt kịp xu thế mà cần có những tính năng thực sự phù hợp với DN.
Sau khi lựa chọn được giải pháp, DN cũng cần tìm ra cách áp dụng sao cho có hiệu quả nhất với mục tiêu đã đề ra. Thêm vào đó, tiết kiệm chi phí, nguồn nhân lực cũng là những yếu tố nên được quan tâm.
Thiếu tính liên tục
Hoạt động nào trong DN cũng cần được triển khai liên tục, lặp đi lặp lại nhiều lần mới có thể thực hiện một cách trơn tru và hiệu quả. Thế nhưng, với CĐS, chiến lược, quy trình làm việc cũng như nguồn nhân lực có thể thay đổi hoàn toàn. Những điều này có thể làm toàn bộ DN bỡ ngỡ khiến quá trình CĐS bị ngưng trệ.
CĐS cũng cần bắt đầu từ góc nhìn của khách hàng. Ban lãnh đạo DN cần triển khai những phương thức khảo sát khách hàng khác nhau. Từ đó tạo cơ sở hình thành những ý tưởng cải tiến năng lực DN.
CĐS là quá trình mới và lâu dài. Mỗi DN với một đặc điểm khác nhau sẽ cần thực hiện với những cách thức khác nhau. Nắm được những vấn đề có thể gặp phải, chuẩn bị kỹ càng thì DN có thể sớm đạt được thành công.
LÊ TRẦN(tổng hợp)