Phần lớn các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra ở khung giờ nửa đêm về sáng (0-6h). Đặc điểm khung giờ này là đường vắng, lái xe chạy tốc độ cao và thường chủ quan, hơn nữa về đêm lái xe hay mệt mỏi.
Tại Dự thảo Luật Đường bộ, Bộ GTVT đề xuất thời gian lái xe liên tục không quá 3 giờ vào ban đêm khung từ 22 giờ hôm trước tới 6 giờ hôm sau; không lái xe quá 8 giờ trong một ngày.
Đề xuất này vấp phải phản ứng từ cánh tài xế. Mới đây Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng có văn bản cho rằng, khung giờ này đường vắng, xe chạy thông suốt, giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm nguy cơ tai nạn giao thông, giảm độ hao mòn lốp...
Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng thường xảy ra trong khung giờ nửa đêm về sáng
Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, báo cáo 6 tháng đầu năm 2023 của Cục CSGT (Bộ Công an) cho thấy, cả nước xảy ra 4.970 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.865 người, bị thương 3.471 người.
Trong đó, 80% số vụ tai nạn giao thông là do người điều khiển vi phạm các hành vi như: sử dụng rượu bia, vi phạm tốc độ, đi không đúng làn đường, phần đường, không chú ý quan sát gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
“Các vụ tai nạn giao thông cũng xảy ra chủ yếu trên tuyến đường tỉnh, quốc lộ, thời gian là từ 18h hôm trước đến 6h hôm sau và vào các ngày cuối tuần.
Một điểm rất đáng chú ý khác là phần lớn các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng lại xảy ra ở khung giờ nửa đêm về sáng (0-6h). Đặc điểm của khung giờ này là đường vắng, lái xe chạy tốc độ cao và thường chủ quan, hơn nữa về đêm khuya lái xe hay mệt mỏi, điều khiển xe trong một trạng thái sinh học rất dễ buồn ngủ.
Vì vậy, việc nghiên cứu để giảm thời gian lái xe liên tục, tăng nghỉ ngơi của lái xe trong khung giờ này là hết sức cần thiết”, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam giải thích.
Mặt khác, số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải có tỷ lệ thấp hơn so với mô tô, xe máy nhưng khi xảy ra lại là nguồn nguy hiểm cao độ do có kích thước lớn, có nhiều điểm mù, khuất tầm nhìn, chở nhiều người.
“Như vậy, việc kiểm soát chặt chẽ, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để tài xế có sức khỏe, tỉnh táo trong quá trình chạy xe là vấn đề rất quan trọng, góp phần giảm tai nạn giao thông”, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho hay.
Được biết, trước khi đưa ra đề xuất này, Cục Đường bộ Việt Nam cũng tham khảo quy định tại một số nước.
Tại Trung Quốc quy định, thời gian lái xe liên tục vào ban ngày không quá 4 giờ, ban đêm không quá 2 giờ và thời gian nghỉ ngơi cho mỗi lần dừng không dưới 20 phút. Xe khách không được chạy vào ban đêm trên một số tuyến đường có tiêu chuẩn di chuyển an toàn thấp.
Tại Malaysia cũng quy định tài xế xe vận tải thương mại, xe dịch vụ công cộng, xe chở hàng, xe du lịch không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Tài xế phải được nghỉ 30 phút sau mỗi 4 giờ, nghỉ 1 ngày sau mỗi 6 ngày làm việc và nghỉ tối thiểu 12 giờ trước khi bắt đầu hành trình đầu tiên.
Tương tự ở Mỹ cũng quy định tài xế xe tải được lái xe không quá 11 giờ sau 10 giờ nghỉ liên tiếp. Cứ mỗi 8 giờ lái xe liên tiếp, tài xế phải có khoảng nghỉ tối thiểu 30 phút.
Cách giám sát thời gian lái xe liên tục của tài xế
Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, giám sát thời gian lái xe được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.
Thời gian qua, các Sở GTVT đã tăng cường khai thác, sử dụng dữ liệu để thực hiện chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm, trong đó có thời gian lái xe.
“Kết quả, 6 tháng đầu năm 2023, các Sở GTVT đã xử lý thu hồi gần 11.700 phù hiệu, chấn chỉnh, nhắc nhở đối vơíhơn 135.000 xe có vi phạm, trong đó có việc quá thời gian lái xe...
Ngoài ra, Khoản 1 Điều 65 của Luật Giao thông đường bộ cũng quy định phạt tiền từ 3-5 triệu đồng với người điều khiển ô tô quá thời gian quy định”, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho hay.
Theo Vietnamnet