Vì sao công nhân may mặc, da giày hay đình công?

09/03/2016 08:01

Số lượng các cuộc đình công trong các doanh nghiệp may mặc, da giày còn nhiều, nguy cơ xảy ra nhiều vụ đình công khác còn cao, là điều các cơ quan chức năng cần quan tâm.

Sau cuộc đình công ngày 30-1-2016, lãnh đạo Công ty TNHH Nam Sinh (Cẩm Giàng) đã thay đổi nhiều chế độ đãi ngộ với công nhân

Khoảng 80% số vụ đình công trong tỉnh xảy ra ở các doanh nghiệp may mặc, da giày (MMDG). Quan hệ giữa chủ sử dụng lao động (CSDLĐ) và người lao động chưa được tốt đã khiến việc sản xuất, kinh doanh ở những ngành nghề này còn nhiều bất ổn.


Dễ phát sinh


Gần đây nhất, sáng 30-1-2016, hàng trăm công nhân Công ty TNHH Nam Sinh chuyên gia công giày da xuất khẩu ở xã Cẩm Hưng (Cẩm Giàng) đã đình công. Nhiều công nhân đề nghị CSDLĐ phải thưởng Tết Bính Thân, tăng lương theo quy định, không được hạ thấp tiền phụ cấp. Nhiều người còn thắc mắc tại sao đã vào làm việc được 2-6 tháng nhưng chưa được ký hợp đồng lao động. Một số lao động mới vào làm 3 - 6 tháng đề nghị được thanh toán tiền nghỉ phép năm đối với những ngày chưa nghỉ... Lúc đầu đại diện doanh nghiệp không hợp tác với cơ quan chức năng của huyện Cẩm Giàng, chậm giải đáp các kiến nghị của công nhân. Sau đó, doanh nghiệp đã cùng với các bên liên quan giải quyết sự việc. Đến tối cùng ngày, CSDLĐ đã cam kết thực hiện nhiều kiến nghị của công nhân như sẽ có thưởng Tết tính theo thời gian công tác; giữ nguyên mức phụ cấp như cũ (300.000 đồng/tháng); công nhân được nhận tạm ứng lương tháng 1 trước Tết; chi trả lương theo quy định... Nhiều thắc mắc, kiến nghị khác của công nhân cũng đã được giải thích thỏa đáng thông qua đối thoại. Công ty TNHH Nam Sinh mới đi vào hoạt động và chưa có tổ chức công đoàn. Hiện nay, doanh nghiệp này đang dự kiến thành lập công đoàn.

Cũng tại huyện Cẩm Giàng, ngày 27-1-2016, hàng trăm công nhân Công ty TNHH một thành viên KR Việt Nam (chuyên gia công hàng may mặc xuất khẩu ở thị trấn Lai Cách) đã đình công, đề nghị doanh nghiệp có tiền lương tháng thứ 13, trả lời rõ ràng về thời gian và mức tiền thưởng Tết Bính Thân, thanh toán đầy đủ tiền nghỉ phép năm đối với những ngày chưa nghỉ, thực hiện mức lương tối thiểu vùng theo quy định, sớm tổ chức Đại hội công đoàn... Sau nửa ngày thương thảo, chủ doanh nghiệp đã thống nhất sẽ đưa ra mức thưởng Tết Bính Thân phù hợp cho công nhân; người lao động được trả lương tháng 1 vào ngày 4-2-2016 khi cam kết đi làm đầy đủ sau nghỉ Tết; tiền lương những ngày đình công sẽ được chi trả 70% so với mức lương cơ bản của người lao động.

Theo Ban Chính sách - Pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh, những năm gần đây, số vụ đình công của các doanh nghiệp MMDG chiếm khoảng 80% tổng số vụ đình công trong tỉnh. Năm 2015, toàn tỉnh có 9 cuộc đình công, trong đó nhiều cuộc ở các doanh nghiệp MMDG như Công ty TNHH một thành viên TAE IL VINA (Kim Thành), Công ty TNHH Nguyễn Thị Thanh Bình chi nhánh xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ), Công ty CP May II Hải Dương (có xưởng may ở huyện Thanh Hà), Công ty TNHH Four Well Vina (Chí Linh). Riêng tại Công ty TNHH một thành viên TAE IL VINA xảy ra 2 vụ đình công vào các ngày 5-1 và 9-5. Trong năm 2014 cũng xảy ra nhiều vụ đình công của các doanh nghiệp MMDG khác như Chi nhánh Công ty TNHH Sao Vàng (Ninh Giang), Công ty TNHH Grandocean (Bình Giang), Công ty May xuất khẩu SSV (Gia Lộc). Một số doanh nghiệp để xảy ra đình công nhiều lần như Công ty TNHH một thành viên TAE IL VINA, Công ty TNHH Grandocean, Chi nhánh Công ty TNHH Sao Vàng. Công nhân đình công chủ yếu để yêu cầu CSDLĐ bảo đảm các quyền lợi như tiền lương, thưởng, phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thực hiện hợp đồng lao động, thời gian và tiền tăng ca, nâng cao chất lượng bữa ăn, chế độ nghỉ thai sản...

Thỏa ước lao động tập thể thiếu cụ thể


Do áp lực công việc và quan hệ không tốt giữa người lao động với chủ sử dụng lao động khiến công nhân ở các doanh nghiệp may hay đình công

Các vụ đình công tại doanh nghiệp MMDG có nhiều nguyên nhân. Những năm gần đây, ngành MMDG phát triển mạnh, nhiều doanh nghiệp mới được thành lập hoặc mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Để bảo đảm hợp đồng với khách hàng, nhiều doanh nghiệp phải thường xuyên cho công nhân tăng ca, làm việc với cường độ cao nên dễ phát sinh áp lực và những kiến nghị về chế độ đãi ngộ. Bà Nguyễn Thị Thu Chung, cán bộ Ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: "Ngành này có đặc thù sử dụng nhiều công nhân, trong đó đa số là nữ nên quan hệ lao động giữa CSDLĐ và người lao động cũng phức tạp hơn những ngành nghề ít sử dụng lao động. Sự cạnh tranh giành giật lao động giữa các doanh nghiệp cũng là nguyên nhân khiến các công nhân thường xuyên so sánh chế độ đãi ngộ, từ đó phát sinh đình công".

Mặt khác, nhiều CSDLĐ còn chưa quan tâm bảo đảm quyền, lợi ích cho công nhân, thậm chí nhiều nơi còn vi phạm pháp luật. Việc tiếp xúc, đối thoại, nắm bắt nguyện vọng của công nhân ở nhiều doanh nghiệp chưa được thực hiện tốt dễ dẫn tới những thắc mắc, phản ứng thái quá. Khi xảy ra sự việc phức tạp, một số CSDLĐ thiếu bình tĩnh, có lời lẽ lăng mạ nên càng khiến công nhân bức xúc. Bản thỏa ước lao động tập thể ở nhiều doanh nghiệp MMDG còn thiếu cụ thể, chưa bảo đảm quyền lợi chính đáng cho công nhân.

Từ phía công nhân, ngoài những kiến nghị hợp lý, chính đáng cũng có những kiến nghị chưa hợp lý, chưa phù hợp với pháp luật. Có trường hợp công nhân vi phạm thỏa ước lao động tập thể, vi phạm nội quy lao động bị đuổi việc nhưng vẫn cứ bức xúc. Có trường hợp công nhân ăn trộm tài sản của doanh nghiệp đã bị đuổi việc nên có thái độ cay cú và hành vi xấu. Nhận thức về trách nhiệm, quyền lợi, pháp luật lao động của một bộ phận công nhân còn hạn chế. Công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về lao động cho công nhân tuy được triển khai nhiều song tác dụng chưa cao.

Ông Hoàng Quang Sơn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Cẩm Giàng cho biết: "Ngoài một số nguyên nhân trên, qua các vụ đình công cũng cần thấy vai trò của công đoàn trong doanh nghiệp chưa đủ mạnh. Người làm công tác công đoàn thường không làm chuyên trách, lại hưởng lương của CSDLĐ là nguyên nhân gây ra hạn chế này".

Điều đáng ghi nhận là khi xảy ra đình công, cơ quan quản lý lao động, công đoàn, chính quyền địa phương đã tích cực vào cuộc, yêu cầu CSDLĐ giải quyết những kiến nghị chính đáng của công nhân. Những kiến nghị chưa hợp lý cũng được giải thích cụ thể, cặn kẽ để công nhân hiểu rõ. Vì vậy, sau đình công, nhiều chế độ chính sách đối với công nhân đã thay đổi tích cực, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích cho họ và giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng các cuộc đình công trong các doanh nghiệp MMDG còn nhiều, nguy cơ xảy ra nhiều vụ đình công khác còn cao, là điều các cơ quan chức năng cần quan tâm.

NINH TUÂN


Thực hiện tốt Quy chế dân chủ tại nơi làm việc

Để hạn chế các cuộc đình công trong các doanh nghiệp may mặc, da giày thì chủ sử dụng lao động (CSDLĐ) cần thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo Nghị định số 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, 3 tháng một lần, CSDLĐ tổ chức đối thoại cho người lao động. Việc này rất quan trọng vì qua đối thoại thì các bên sẽ tìm được tiếng nói chung, giúp CSDLĐ kịp thời nắm bắt, giải quyết tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của công nhân. Nếu làm tốt việc này sẽ có lợi cho cả doanh nghiệp và công nhân.

Ngoài ra, công đoàn trong các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng của bản thỏa ước lao động tập thể vì văn bản này thể hiện sự quan tâm của CSDLĐ với người lao động. Cơ quan chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền về quyền, lợi ích, chính sách pháp luật về lao động cho cả chủ doanh nghiệp và công nhân lao động. Nếu CSDLĐ nắm vững những vấn đề trên mà công nhân không nắm vững cũng dễ dẫn tới đình công.

TRẦN ĐẠI DUYỆT
Chủ tịch Công đoàn ngành công thương


Tuyên truyền cho công nhân có ý thức chấp hành pháp luật tốt

Nếu xảy ra quá nhiều cuộc đình công trong lĩnh vực may mặc, da giày có thể gây ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư. Thực tế cho thấy trong các cuộc đình công, ngoài những kiến nghị hợp lý của công nhân thì một số trường hợp cố tình kích động, xúi giục đình công, đưa ra những yêu sách không hợp lý, hoặc do công nhân thiếu hiểu biết mà làm những việc trên. Vì vậy, khi phát sinh khúc mắc, công nhân cần bình tĩnh, trật tự, trước hết cần đối thoại thẳng thắn để giải quyết sự việc, tránh bị đối tượng xấu xúi giục. Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền cho công nhân có ý thức chấp hành pháp luật tốt, hiểu quyền lợi cũng như nghĩa vụ trong các cuộc đình công. Trong trường hợp xảy ra đình công, doanh nghiệp mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc để kịp thời phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ.

ĐẶNG MINH KIÊN
Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Huy Phong (Bình Giang)


Bảo đảm chế độ đãi ngộ cho công nhân


Hiện nay, nhiều cuộc đình công xảy ra do chủ doanh nghiệp trả lương cho công nhân còn quá thấp, chưa bảo đảm được đời sống cho họ. Lương thấp khiến mọi người thắc mắc, dễ dẫn tới nghỉ việc, đình công. Vì vậy, chủ doanh nghiệp cần có chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho họ, trước hết là quan tâm đến tiền lương, tiền thưởng...

PHẠM VĂN KHIÊN
(Xã Nghĩa An, Ninh Giang)


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao công nhân may mặc, da giày hay đình công?