Hiện nay, Việt Nam chưa công nhận "hộ chiếu vaccine" nên chưa có thay đổi trong biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
"Hộ chiếu vaccine" là một khái niệm mới, để chỉ chứng nhận cho những người tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19.
Hiện một số quốc gia đã chấp nhận sử dụng loại hộ chiếu đặc biệt này, nhiều quốc gia khác tại châu Âu, Trung Quốc, Thái Lan cũng ủng hộ dùng chứng nhận này như một giải pháp để mở cửa lại nền kinh tế.
Tại Việt Nam, người đầu tiên có "hộ chiếu vaccine" tại Mỹ về nước là bác sĩ Calvin Q Trịnh. Trên hộ chiếu của anh Trịnh có đính kèm thẻ tiêm chủng của CDC Mỹ, chứng nhận đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19.
Hộ chiếu kèm chứng nhận tiêm vaccine của bác sĩ Calvin Q Trịnh. Ảnh: NVCC
Anh Trịnh đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất ngày 10.3, tuy nhiên Việt Nam chưa công nhận "hộ chiếu vaccine" nên anh vẫn phải cách ly tập trung đủ 14 ngày theo quy định như những trường hợp nhập cảnh khác.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế cho biết trước đây các nước cũng đã áp dụng chứng nhận tiêm vaccine khi đi lại với một số dịch bệnh truyền nhiễm như dịch tả, dịch hạch, bệnh sốt vàng…
Song với "hộ chiếu vaccine" ngừa Covid-19, đến nay Việt Nam vẫn chưa công nhận với 3 lý do chính:
Thứ nhất, các vaccine khác nghiên cứu trung bình mất 4-5 năm, thậm chí hơn 10 năm, trong khi các vaccine Covid-19 được nghiên cứu, cấp phép khẩn cấp trong vòng 1 năm. Vì vậy có thể có những vấn đề chưa hiểu biết được hết về hiệu lực bảo vệ, thời gian bảo vệ, thời gian tồn tại kháng thể trong cơ thể của mỗi loại vaccine.
“Hiện nay mỗi loại vaccine có hiệu lực bảo vệ khác nhau và không có loại nào bảo vệ tuyệt đối 100%. Có vaccine chưa rõ giảm lây nhiễm thế nào, chỉ biết làm giảm mức độ nặng của bệnh, giảm triệu chứng”, PGS Trần Đắc Phu nói.
PGS.TS Trần Đắc Phu
Ngoài ra vaccine mới tiêm cũng chưa sinh miễn dịch bảo vệ ngay. Trong số đã tiêm nhưng chưa có miễn dịch hoặc đã tiêm nhưng không được bảo vệ, chỉ cần lọt 1-2 ca ra cộng đồng, dịch cũng có thể bùng lại.
Thứ hai, virus biến đổi liên tục nên vaccine có thể không hiệu quả hoặc ít hiệu quả với các biến chủng mới.
Thứ ba, không loại trừ trường hợp có hộ chiếu vaccine giả.
Vì vậy mỗi quốc gia sẽ dựa vào đánh giá rủi ro, lợi ích, hợp tác giữa các bên… để quyết định hình thức phù hợp, có thể lựa chọn kết hợp "hộ chiếu vaccine" với xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính, xét nghiệm kháng thể… để giảm thời gian cách ly hoặc cho cách ly tại nhà…
Tại hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine Covid-19 mới đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, Việt Nam sẽ triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 trên hệ thống hồ sơ sức khoẻ cá nhân, tiến tới cấp "hộ chiếu vaccine", liên thông với quốc tế, quản lý toàn bộ bằng QR code.
Tính đến hết ngày 10.3, Việt Nam đã tiêm chủng vaccine Covid-19 cho 955 người tại các cơ sở y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Theo Vietnamnet