Vì sao có gần 100 Ủy viên Trung ương Đảng ứng cử đại biểu Quốc hội?

03/03/2021 13:47

Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ có khoảng 95 đại biểu Quốc hội là Ủy viên Trung ương Đảng.

Vì sao có gần 100 ủy viên Trung ương Đảng ứng cử đại biểu Quốc hội? - Ảnh 1.

Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là một trong những đơn vị đầu tiên tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XV với các đồng chí Trần Thanh Mẫn (Chủ tịch MTTQ Việt Nam) và Hầu A Lềnh (Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký MTTQ Việt Nam) - Ảnh: LÊ KIÊN

Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 về "dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV" được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ký cho thấy sẽ có gần 100 Ủy viên trung ương tham gia ứng cử, trong đó có 12-14 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng.

"Đại biểu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoảng 95 đồng chí (14%), trong đó có 12-14 đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng", nghị quyết nêu rõ. Cũng tại nghị quyết này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội định hướng cơ cấu Quốc hội khóa XV có sự tham gia của 25 - 50 đại biểu là người ngoài đảng (tương đương 5 - 10% ĐBQH).

Số lượng 95 Ủy viên Trung ương làm ĐBQH như vậy nhiều hay ít?

Ngay tại nghị quyết nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích rõ số Ủy viên Trung ương tham gia ứng cử ĐBQH khóa XV thuộc về cơ cấu kết hợp, tức một ĐBQH có thể có nhiều hơn một cơ cấu (ví dụ, một đại biểu vừa là Ủy viên Trung ương, thuộc khối Chính phủ, đồng thời là cơ cấu lực lượng vũ trang).

Quốc hội khóa XIV (đương nhiệm) cũng có sự tham gia của gần 100 Ủy viên Trung ương Đảng, với tất cả các Ủy viên Bộ Chính trị (đầu nhiệm kỳ) đều được bầu làm ĐBQH.

Với cơ cấu kết hợp như vậy, tất cả các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các thành viên Chính phủ ứng cử làm ĐBQH, lãnh đạo Đảng và lãnh đạo các ban Đảng, cơ quan Chủ tịch nước, lãnh đạo MTTQ Việt Nam và một số đoàn thể chính trị xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh), lãnh đạo Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương và phần lớn lãnh đạo các quân khu ứng cử làm ĐBQH đều là những Ủy viên Trung ương Đảng.

Trở lại với cơ cấu định hướng của Quốc hội khóa XV, với chủ trương tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách, giảm tỷ lệ ĐBQH khối hành pháp, khối cơ quan Đảng, kỳ này nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định số lượng đại biểu ở các cơ quan Trung ương là 207 đại biểu (41,4%).

Trong đó, các cơ quan Đảng 10 đại biểu (2,0%), cơ quan Chủ tịch nước 3 đại biểu (0,6%), các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội (ĐBQH chuyên trách ở Trung ương) 133 đại biểu (26,6%).

Khối Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ (bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Công an) 15 đại biểu (3%); lực lượng vũ trang, quân đội (cơ quan bộ, các quân khu, quân chủng và lĩnh vực trọng yếu) 12 đại biểu (2,4%); công an 2 đại biểu (0,4%); Tòa án Nhân dân tối cao 1 đại biểu (0,2%); Viện Kiểm sát nhân dân tối cao 1 đại biểu (0,2%); Kiểm toán Nhà nước 1 đại biểu (0,2%); MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên 29 đại biểu (5,8%).

Số lượng ĐBQH ở địa phương 293 đại biểu (58,6%), trong đó cơ cấu định hướng lãnh đạo chủ chốt ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiêm Trưởng Đoàn ĐBQH (Bí thư hoặc Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND) 63 đại biểu (12,6%).

Vì sao có gần 100 ủy viên Trung ương Đảng ứng cử đại biểu Quốc hội? - Ảnh 2.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Vì sao có gần 100 Ủy viên Trung ương Đảng ứng cử đại biểu Quốc hội?