Áp lực giao thông ngày càng tăng khiến quốc lộ 5 qua địa phận Hải Dương bị quá tải. Điều đáng nói, dự án đường gom dọc quốc lộ này đến nay vẫn… tắc.
Đoạn đường gom trên quốc lộ 5 thuộc địa phận xã Tuấn Việt (Kim Thành) chưa hoàn thành vì thiếu vốn và vướng mặt bằng
Quá tải, tai nạn liên miên
Khu công nghiệp Lai Vu thuộc địa bàn xã Lai Vu, Kim Thành nằm sát quốc lộ (QL) 5 có gần 5.000 công nhân đang làm việc. Vào các giờ cao điểm, lượng người, phương tiện ùa ra tuyến quốc lộ như kiến vỡ tổ khiến đoạn đường từ cổng khu công nghiệp ra cầu Lai Vu hướng về TP Hải Dương và ngược lại thường xuyên trong cảnh ùn tắc.
Xe máy, ô tô, xe tải, xe container bám đuôi nhau nhích từng đoạn. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở nhiều điểm khác trên tuyến như đoạn qua thị trấn Phú Thái (Kim Thành), đoạn qua khu công nghiệp Tân Trường và Phúc Điền (Cẩm Giàng)…
Anh Phan Viết Anh, một lái xe ô tô tải thường xuyên chạy qua tuyến đường này cho biết: “Xe đông, nhiều điểm giao cắt, thiếu đường gom chính là lý do khiến QL 5 quá tải. Đi đường, hễ thấy trước mặt có đoàn xe dừng là xác định phải chờ cả tiếng đồng hồ mới đi được”.
34km QL5 qua tỉnh Hải Dương hầu như lúc nào cũng đông đúc. Chỉ cần xảy ra một vụ va chạm nhẹ cũng khiến tuyến đường ùn tắc cả chục cây số. Theo số liệu thống kê của đơn vị quản lý tuyến, hiện trung bình mỗi ngày đêm có khoảng 60.000 lượt ô tô các loại lưu thông, gấp 4 - 6 lần so với công suất thiết kế ban đầu. Cộng với việc thiếu đường gom dẫn đến các vụ va chạm, tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra.
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Hải Dương, năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 200 vụ tai nạn giao thông và 24 vụ va chạm giao thông, làm 210 người chết, 99 người bị thương; tăng 7 vụ tai nạn giao thông, tăng 16 người chết và tăng 4 người bị thương so với năm 2018. Riêng QL5 đã xảy ra 33 vụ tai nạn giao thông khiến 44 người chết và 25 người bị thương; trong đó có 2 vụ tai nạn giao thông thảm khốc làm 13 người chết, 10 người bị thương. Trong 3 tháng đầu năm 2020, trên QL5 tiếp tục xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông làm chết 5 người, bị thương 3 người.
Khó về vốn, vướng giải phóng mặt bằng
Nhờ có đường gom, người dân TP Hải Dương yên tâm tham gia giao thông
Trước sức ép về mật độ phương tiện và các xung đột giao thông ở các khu công nghiệp, khu dân cư 2 bên đường nên việc xây dựng hệ thống đường gom dọc tuyến càng trở nên cấp thiết. Đây cũng là giải pháp đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa ra nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến. Thế nhưng, dù được triển khai từ năm 2011, nhưng đến nay hệ thống này vẫn “tắc”, ngắt đoạn vì nhiều lý do.
Đơn cử như đường gom hướng Hà Nội - Hải Phòng đoạn từ khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương) được đưa vào sử dụng từ năm 2011 nhưng phải đến 6 năm sau, toàn tuyến mới chính thức thông suốt chỉ vì 280m vướng giải phóng mặt bằng.
Tương tự, đường gom phía nam QL5 hướng Hải Phòng - Hà Nội đoạn qua phường Nhị Châu (TP Hải Dương) chỉ dài vài km, nhưng phải thi công trong hơn 10 năm do có 2 đoạn (dài hơn 200m) vướng nhà ở và công trình.
Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải tỉnh Hải Dương, chưa tính đến vốn đầu tư, xây dựng đường gom luôn gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nhất là đoạn qua các khu dân cư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Chỉ các đoạn bố trí được quỹ đất “sạch” thì việc xây dựng đường gom mới thuận lợi nhưng các vị trí này rất ít.
Bên cạnh khó khăn về giải phóng mặt bằng, việc thiếu vốn cũng là trở ngại lớn. Vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị các địa phương ven QL5 rà soát, tổng hợp và đề xuất làm đường gom.
Theo tờ trình của Sở Giao thông vận tải tỉnh Hải Dương, từ nay đến năm 2030, các quốc lộ trên địa bàn tỉnh sẽ cần bố trí thêm 1.900 tỷ đồng (từ ngân sách tỉnh) để làm đường gom. Riêng nguồn vốn để làm đường gom dọc QL5 là hơn 1.300 tỷ đồng.
Ông Vũ Văn Tùng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Hải Dương cho rằng trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay, với nhu cầu vốn lớn như trên dự báo sẽ rất khó khăn để triển khai xây dựng các tuyến đường gom. "Hiện có nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp bám dọc hai bên quốc lộ này. Vì vậy tôi cho rằng, chủ doanh nghiệp, chủ đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũng phải có trách nhiệm cùng với chính quyền để giải bài toán khó khăn về vốn làm đường gom", ông Tùng nói.
Theo An toàn giao thông