Vì sao Châu Tấn là nỗi ám ảnh của sinh viên Điện ảnh Bắc Kinh?

21/02/2022 08:51

Với khả năng diễn xuất tài tình cùng những vai diễn để đời trong sự nghiệp, Châu Tấn trở thành hình mẫu mà các thế hệ sinh viên Điện ảnh đều muốn hướng tới.

Trong dàn diễn viên đình đám hiện nay của làng giải trí Hoa ngữ, Châu Tấn là cái tên hiếm hoi được công nhận bởi năng lực thiên tài trong diễn xuất.

Không phải ngẫu nhiên, cô được khán giả ưu ái gọi bằng danh xưng “quốc bảo diễn xuất” của Trung Quốc. Hơn 30 năm theo nghiệp diễn, Châu Tấn đã có nhiều tác phẩm để đời. Thậm chí, nữ diễn viên còn được coi là “nỗi ám ảnh” của sinh viên Điện ảnh Bắc Kinh.

Vì sao Châu Tấn là 'nỗi ám ảnh' của sinh viên Điện ảnh Bắc Kinh?  - 1

Cảnh khóc, cười của Châu Tấn là bài thi của sinh viên 

Học viện Điện ảnh Bắc Kinh (Bắc Ảnh) là “cái nôi” đã đào tạo ra nhiều tên tuổi lớn trong làng giải trí Hoa ngữ hiện nay như bộ ba đạo diễn nổi tiếng nhất của thế hệ đạo diễn thứ năm của điện ảnh Trung Quốc là Điền Tráng Tráng, Trần Khải và Trương Nghệ Mưu; hai diễn viên được xếp vào danh sách "Tứ đại hoa đán" của Trung Quốc là Triệu Vy và Từ Tịnh Lôi,… Để có được những thế hệ cựu sinh viên chất lượng như vậy, Học viện Điện ảnh Bắc Kinh cực kỳ chú trọng vào chất lượng giảng dạy và đặc biệt luôn có những bài tập thử thách với độ khó cao để trau dồi khả năng diễn xuất cho lứa diễn viên tương lai.

Khi bộ phim Hậu cung Như Ý truyện có sự tham gia của Châu Tấn được phát sóng vào năm 2018, sau đó đoạn chia sẻ của một sinh viên Bắc Ảnh xuất hiện đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.

Theo đó, người này có “than vãn” trên mạng xã hội rằng Châu Tấn luôn xuất hiện trong mỗi kỳ thi của họ: “Kỳ nghỉ của tôi là xem Hậu cung Như Ý Truyện và điểm mấu chốt là xem cảnh khóc của Nhàn Phi (Châu Tấn) sau khi bôi thuốc cho thái giám Lý Ngọc (Hoàng Hựu Minh thủ vai). Kỳ thi cảnh khóc lúc đi học lại chính là yêu cầu làm ra được kiểu rơi nước mắt đầy vẻ ẩn nhẫn đó như Châu Tấn. Áp lực lớn như núi…”

Vì sao Châu Tấn là 'nỗi ám ảnh' của sinh viên Điện ảnh Bắc Kinh?  - 2
Giọt nước mắt làm dậy sóng giới truyền thông và công chúng của Châu Tấn trong "Hậu cung Như Ý truyện". Theo tiết lộ từ hậu trường phim, đây là phân cảnh không hề có trong kịch bản mà hoàn toàn là cảm xúc thật của Châu Tấn. Dù đã được hô cắt nhưng nữ diễn viên vẫn đắm chìm trong nỗi niềm thương cảm đến rơi lệ, và may mắn rằng máy quay đã ghi lại khoảnh khắc hoàn hảo này

Không chỉ vậy, một phân cảnh huyền thoại khác của Châu Tấn trong bộ phim Cao lương đỏ hay Hoạ bì cũng là một bài thử thách khó nhằn đối với sinh viên Học viện Điện ảnh Bắc Kinh. “Cảnh cười sau khi hành sự xong trong "Cao lương đỏ", chúng tôi cười suốt mấy ngày cũng không thể bắt chước được cảm xúc cười từ trong ra ngoài như vậy. Diễn xuất của Châu Tấn thành thần rồi. 

Trong "Hoạ bì" sau khi cãi nhau với thằn lằn, đoạn xoay vòng đầy vẻ bất an đó, thực sự quá uyển chuyển. "Nếu như yêu", "Họa bì", "Suy đoán của Lý Mễ" đều được dùng làm tài liệu giảng dạy cho chúng tôi nhiều nhất. Nếu như tôi có thể có được sự thông minh tài trí đó của Châu Tấn, dù nằm mơ thì khi tỉnh dậy cũng thật vui vẻ”, người này chia sẻ thêm.

Điều này cũng dễ hiểu khi nàng Cửu Nhi thông minh, lương thiện trong Cao lương đỏ hay cô gái Lý Mễ giàu cảm xúc trong Suy đoán của Lý Mễ đều là những nhân vật được giới chuyên môn đánh giá cao của Châu Tấn.

Vì sao Châu Tấn là 'nỗi ám ảnh' của sinh viên Điện ảnh Bắc Kinh?  - 3
Phân đoạn thể hiện cảm xúc giằng xéo của Lý Mễ, vừa vui mừng khi tìm được vị hôn phu mất tích, vừa đau khổ vì phát hiện sự thật đằng sau mọi chuyện của Châu Tấn trong "Suy đoán của Lý Mễ" (2008)

Châu Tấn và đôi mắt đắt giá 

Mặc dù không sở hữu một nhan sắc của đại mỹ nhân nhưng Châu Tấn luôn biết cách gây thương nhớ cho khán giả trong mỗi dự án phim mà cô tham gia, bất kể đó là khi cô 17 tuổi hay hiện tại đã bước sang tuổi 47.

Trong sự nghiệp diễn xuất của mình, Châu Tấn không chấp nhận “đóng khung” bản thân. Nữ diễn viên luôn chịu khó tìm hiểu và chấp nhận thử thách mình trong nhiều kiểu nhân vật khác nhau. Có thể kể đến hình ảnh quyến rũ khó cưỡng của Châu Tấn khi hoá thân thành nàng hồ ly trong Hoạ bì dù khi ấy cô đã 34 tuổi. Hay Châu Tấn ở tuổi 44 vẫn rất xuất thần khi vào vai Ô Lạt Na Lạp Như Ý từ khi còn là cô thiếu nữ hồn nhiên đến một Kế Hoàng hậu đáng thương, bất hạnh. Chính sự linh hoạt và tài tình trong diễn xuất của Châu Tấn đã giúp cô luôn duy trì được sức nóng tên tuổi trong giới điện ảnh Trung Quốc trong nhiều năm qua. 

Vì sao Châu Tấn là 'nỗi ám ảnh' của sinh viên Điện ảnh Bắc Kinh?  - 4
Châu Tấn đầy quyến rũ trong phim Hoạ bì (2008). Cô tiếp tục góp mặt trong phần 2 của phim được công chiếu năm 2012

Vì sao Châu Tấn là 'nỗi ám ảnh' của sinh viên Điện ảnh Bắc Kinh?  - 5
Tạo hình trẻ trung của Châu Tấn trong "Cao lương đỏ" (2014)

Thế mạnh của Châu Tấn chính là những phân cảnh nội tâm, đòi hỏi phải thể hiện cảm xúc rõ nét. Châu Tấn có thể cùng lúc bộc lộ được cảm xúc vừa vui mừng, vừa hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hay vừa đau khổ, giận dữ lại vừa bàng hoàng khi chứng kiến bản thân bị phản bội... Một yếu tố khiến nữ diễn viên sinh năm 1973 được gọi là "Châu Tấn diễn xuất" hay "Nàng thơ của điện ảnh Trung Hoa"... chính là khả năng diễn xuất bằng mắt. Đôi mắt trong veo, long lanh của Châu Tấn luôn cuốn khán giả hoà mình vào những cảm xúc của nhân vật trong phim. Kể cả khi đó là những cảnh buồn, nữ diễn viên cũng khiến khán giả phải rơi nước mắt theo từng ánh nhìn của mình. 

Để hoá thân vào mỗi nhân vật một cách xuất sắc, không chỉ nhờ tài năng thiên bẩm mà đó còn là sự nghiêm túc và tập trung cao độ đối với vai diễn của Châu Tấn. Khi đảm nhận vai diễn nào, nữ diễn viên đều sống cùng nhân vật đó và dường như chính mình đang trải qua câu chuyện của nhân vật trong phim. Chính vì vậy, Châu Tấn luôn dễ dàng khiến khán giả đồng điệu với mọi diễn biến tâm lý mà nhân vật bộc lộ.

Có lẽ đây cũng là một trong những lý do khiến Châu Tấn được xem là số ít diễn viên điện ảnh hiếm hoi thành công ở cả mảng phim điện ảnh lẫn phim truyền hình, đồng thời đạt vô số giải thưởng diễn xuất danh giá. Cô được mệnh danh là "Tam Kim Ảnh Hậu" sau khi trở thành diễn viên điện ảnh Trung Quốc đầu tiên trong lịch sử đạt giải Ảnh Hậu (Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất) tại cả 3 giải thưởng danh giá nhất nền điện ảnh Hoa ngữ đó là giải Kim Mã (Đài Loan), giải Kim Kê (Trung Quốc) và giải Kim Tượng (Hồng Kông).

Theo VTC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao Châu Tấn là nỗi ám ảnh của sinh viên Điện ảnh Bắc Kinh?