Người dân xôn xao khi mẫu giấy xác nhận đã tiêm vắc xin mà Bộ Y tế mới ban hành ngày 7.1 chừa chỗ cho 7 mũi tiêm. Có phải mỗi người dân dự trù sẽ tiêm 7 mũi?
Tiêm vắc xin cho người dân. Ảnh minh họa
Trao đổi với phóng viên về việc mỗi người sẽ phải tiêm mấy mũi vắc xin ngừa COVID-19, khi mẫu giấy xác nhận mới có chỗ cho 7 mũi tiêm, tiến sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc cho rằng mẫu giấy mới còn có tính chất "dự phòng", do đây là vắc xin mới và dịch vẫn còn diễn biến phức tạp.
Theo ông Thái, lịch tiêm đến thời điểm hiện tại là mỗi người bình thường sẽ tiêm 3 mũi, gồm 2 mũi cơ bản và 1 mũi nhắc lại. Người có miễn dịch kém hoặc tiêm vắc xin loại 3 mũi (vắc xin Abdala) sẽ tiêm thêm 1 mũi thành 4 mũi.
Bên cạnh đó, hiện có 14.000 tình nguyện viên đã tiêm vắc xin Nano Covax của Việt Nam, nhưng do vắc xin chưa được cấp phép lưu hành nên chưa được hiển thị trên Sổ sức khỏe điện tử hoặc các app có chức năng hiển thị thẻ xanh, thẻ vàng, thời gian tiêm chủng thử nghiệm cho đến nay cũng đã từ 6 tháng - 1 năm, đến thời hạn khuyến cáo tiêm nhắc lại, các tình nguyện viên cũng đã đi tiêm vắc xin đã được cấp phép.
Số mũi tiêm ở những người này cũng sẽ nhiều hơn. Vì vậy, số mũi tiêm còn chỗ trong giấy xác nhận không phải là định trước lịch tiêm 7 mũi cho mỗi người.
Đã có "thẻ xanh", có cần cấp thêm giấy xác nhận đã tiêm?
Theo thống kê của nhóm quản trị Sổ sức khỏe điện tử, hiện có khoảng 32 triệu người cài đặt ứng dụng này, những người đã tiêm đủ mũi cũng dễ dàng tìm kiếm lịch sử tiêm chủng trên ứng dụng do cơ sở tiêm chủng đã gần hoàn tất nhập dữ liệu mũi tiêm, chỉ còn sót lại một số lượng nhỏ do tiêm nhanh hơn nhập liệu, nhưng số còn sót này cũng sẽ sớm hoàn tất.
Nếu như vậy thì có cần phải cấp giấy xác nhận đã tiêm? Theo chuyên gia của Bộ Y tế, hiện có khoảng 65 triệu người dùng điện thoại thông minh, tra cứu thông tin "thẻ xanh" dễ dàng, nhưng khi đi công tác, đi du lịch nước ngoài thì vẫn cần giấy xác nhận.
"Nếu không có nhu cầu đi nước ngoài thì người dân chỉ cần tra cứu thông tin tiêm chủng trên app, ngoài Sổ sức khỏe điện tử còn có PC-COVID. Nếu sử dụng mẫu giấy mới, người có nhu cầu dùng giấy xác nhận đã tiêm có thể quay lại cơ sở tiêm chủng để xác nhận các mũi tiêm trước và giấy xác nhận mới thay thế các giấy cũ", chuyên gia này giải thích.
Trường hợp app cập nhật thiếu số mũi tiêm, Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 có chức năng phản ánh, người dùng có thể gửi phản ánh và nhóm quản trị sẽ chuyển lại cơ sở tiêm chủng để cập nhật.
Tuy app đã cập nhật mũi 3 nhưng phần “phản ánh” trên app đang không có phần đề nghị cập nhật mũi 3. Nhóm quản trị cho biết đang chờ sửa chức năng này.
Hiện nay việc cập nhật thông tin tiêm chủng, theo nhóm quản trị, là dễ dàng hơn, không phải nhập liệu như trước đây mà chỉ cần tra cứu họ tên + số điện thoại hoặc họ tên + chứng minh thư/căn cước/mã định danh là tìm thấy lịch sử tiêm chủng của người đó và từ đó cập nhật mũi bổ sung, mũi nhắc lại nhanh và dễ dàng.
Theo Tuổi trẻ