Vì sao các nước sẵn sàng “bước ra khỏi vùng an toàn” cùng Mỹ chống Trung Quốc?

12/05/2021 17:00

Hàng loạt quốc gia đang sẵn sàng “bước ra khỏi vùng an toàn” để đứng về phía Mỹ và lên tiếng trước những hành động của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.

“Chúng tôi coi Trung Quốc là một thách thức và một đối thủ cạnh tranh”

Trong hơn 800 năm, từ cảng Portsmouth, các tàu của Hải quân Anh đã vươn ra các đại dương trên thế giới. Tuần trước, Hải quân Hoàng gia Anh mở ra một kỷ nguyên mới trong hành trình này với một tàu sân bay mới HMS Queen Elizabeth, bắt đầu cuộc hành trình dài 7 tháng tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cùng một nhóm tàu tác chiến.

Mọi người đang theo dõi tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh rời Căn cứ Hải quân Portsmouth ở tây nam England ngày 1/5. Ảnh: AFP
Mọi người đang theo dõi tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh rời Căn cứ Hải quân Portsmouth ở tây nam England ngày 1.5

Từ đây, lực lượng tác chiến của Hải quân Hoàng gia sẽ tham gia vào các chiến dịch được tiến hành nhằm đảm bảo tự do hàng hải và các vùng biển mở. Lý do cho động thái này được Đô đốc Tony Radakin đưa ra trong cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ, Đô đốc Mike Gilday là: "Chúng tôi coi Trung Quốc là một thách thức và một đối thủ cạnh tranh".

Một số người thắc mắc tại sao Anh quyết định can thiệp vào những vùng biển bất ổn xa xôi ở châu Á hay tại sao London đột nhiên nhấn mạnh cam kết duy trì "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do" - một khẩu hiệu được cả chính quyền cựu Tổng thống Trump và chính quyền Tổng thống Biden hưởng ứng. Hoặc, điều đáng nói hơn là ngoài Anh, tại sao ngày càng nhiều nước công khai chỉ trích các hành động của Trung Quốc?

Đối đầu Mỹ - Trung được coi là một mối đe dọa lớn của hòa bình thế giới, đặc biệt khi Mỹ ngày càng có lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Xu hướng này là kết quả của việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nỗ lực đảo ngược 4 thập kỷ Mỹ duy trì chính sách hợp tác với Trung Quốc để tiến hành các biện pháp trừng phạt thuế quan, cấm các tập đoàn công nghệ, thách thức các chiến dịch gây ảnh hưởng của Bắc Kinh và tăng cường các đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông.

Washington không chỉ coi Bắc Kinh là đối thủ mà còn là kẻ thù chiến lược. Mối quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới được giới quan sát đánh giá là ở mức thấp nhất trong hàng thập kỷ và ngày càng tiến gần đến xung đột.

Thực tế là chính quyền Tổng thống Biden không chỉ tiếp tục các chính sách cứng rắn của cựu Tổng thống Trump mà còn khẳng định hướng tiếp cận đối đầu không thay đổi với Trung Quốc.

Giữa lúc căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, liệu các quốc gia khác có tự tách mình khỏi cuộc đối đầu này? Trên thực tế, ngày càng nhiều quốc gia đang sẵn sàng từ bỏ thái độ ngần ngại để đứng về phía Mỹ và công khai chỉ trích các hành vi bị coi là hung hăng, những đe dọa kinh tế và động thái quân sự của Trung Quốc.

Cõ lẽ những căng thẳng sâu sắc nhất hiện tập trung vào mối quan hệ Australia và Trung Quốc. Australia đang đối mặt với một cuộc chiến kinh tế từ đối tác thương mại lớn nhất của mình kể từ khi thông qua đạo luật năm 2018 chặn nguồn tiền từ Trung Quốc đầu tư vào hệ thống chính trị ở nước này, cấm Huawei khỏi mạng lưới 5G và kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc đại dịch Covid-19.

Kể từ đó, Bắc Kinh đã chấm dứt đối thoại kinh tế với Canberra, cũng như cấm hoặc áp thuế với hàng tỷ USD hàng hóa Australia, trong đó có thịt bò, rượu vang, gỗ và tôm hùm. Đáp lại, Ngoại trưởng Marise Payne đã hủy bỏ thỏa thuận Sáng kiến Vành đai và Con đường giữa bang Victoria với Trung Quốc. Một vị tướng của Australia thậm chí cảnh báo nguy cơ cao về một cuộc xung đột vũ trang giữa 2 nước.

Trong khi đó, ở Biển Đông, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr đã yêu cầu các tàu của Trung Quốc "cút khỏi" đây. Căng thẳng ngoại giao giữa 2 nước leo thang sau khi Trung Quốc đưa hàng trăm tàu cá tới bãi Ba Đầu (thuộc cụm đảo Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam - ND). Trung Quốc đã phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế ở Hague năm 2016 bác bỏ các yêu sách của nước này ở Biển Đông, tiếp tục đưa tàu cá và lực lượng hàng hải tới vùng biển này.

Ấn Độ cũng gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh. Hồi tháng 6.2020, cuộc đụng độ đẫm máu giữa 2 nước đã khiến ít nhất 20 binh lính Ấn Độ thiệt mạng trong khi không rõ con số thương vong của Trung Quốc là bao nhiêu. Các chỉ huy Ấn Độ cho rằng Trung Quốc đã có hành động hung hăng nhất kể từ cuộc chiến tranh biên giới năm 1962 giữa hai bên.

Quan hệ Nhật Bản và Trung Quốc cũng lao dốc liên quan đến những tranh chấp ở Quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Năm 2020, các tàu Trung Quốc đã tiến vào vùng biển này 333 lần, buộc lực lượng tuần tra bờ biển và hải quân Nhật Bản phải phản ứng.

Thậm chí New Zealand, vốn bị một số nước phương Tây chỉ trích là vẫn quá ngần ngại trong việc lên tiếng về vấn đề Tân Cương hay Hong Kong, cũng đã bắt đầu thay đổi thái độ. Thủ tướng Jacinda Ardern gần đây đã khẳng định, New Zeland ngày càng cảm thấy khó khăn hơn trong việc hóa giải những khác biệt với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

Phản ứng tất yếu

Dù tán thành hay bất đồng với chính sách Trung Quốc của chính quyền cựu Tổng thống Trump hay Tổng thống Biden thì một điều không thể phủ nhận là nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay lo ngại về mối đe dọa từ Trung Quốc với sự ổn định khu vực liên quan đến hàng loạt vấn đề như: tự do hàng hải, kinh tế, quyền sở hữu trí tuệ... Tóm lại, dù có quan điểm như thế nào về chính sách của Mỹ thì vấn đề không đơn giản nằm ở việc Washington thay đổi lập trường và đối phó với một kẻ thù mới. Thay vào đó, các quốc gia này tin rằng, dựa trên các đánh giá, ở một mức độ nào đó, Trung Quốc cũng là mối đe dọa với họ.

Giữa bối cảnh đó, việc Anh muốn tham gia sâu hơn vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là điều dễ hiểu. Chính quyền Thủ tướng Boris Johnson hiện tuyên bố rằng Anh phải đàm phán với những gì Trung Quốc có chứ không phải những gì Trung Quốc muốn.

Do đó, các chính sách ngày càng quyết đoán của chính quyền ông Trump hay ông Biden với Trung Quốc đã có tác động nhất định đến các quốc gia khác. Đặc biệt, nhóm Bộ tứ kim cương - Quad gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đã tập hợp với một sự nhất trí chung về an ninh. Quad sẽ không thay thế liên minh quốc phòng của Mỹ nhưng nó sẽ đóng vai trò nhất định trong việc thúc đẩy sự hợp tác và các quy chuẩn chung.

Cuộc họp của lãnh đạo các nước thành viên Quad vào mùa xuân vừa qua là một dấu mốc quan trọng. Các bên đã bắt đầu thảo luận về những mục tiêu rộng hơn và những câu hỏi nhạy cảm liên quan đến các hành động chung mà các quốc gia sẵn sàng thực hiện, tập trung vào an ninh và sự ổn định. Giữa lúc từng quốc gia đều có căng thẳng với Bắc Kinh, nhóm này được coi là một liên minh chống Trung Quốc.

Chỉ huy mới của Bộ Chỉ huy Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc John Aquilino sẽ có cơ hội hỗ trợ định hình giai đoạn tiếp theo của Quad và hợp tác với người điều phối của Nhà Trắng về các vấn đề Ấn Độ - Thái Bình Dương, ông Kurt Campbell.

Ngoài ra, Washington và các đối tác châu Á sẽ cân nhắc đến vai trò của các quốc gia ngoài khu vực nhưng quan tâm đến sự ổn định của khu vực này. Pháp và Anh và những ứng viên khả thi nhất. Ngoài việc 2 nước này đều phụ thuộc vào các tuyền thương mại mở thì Anh và Pháp có hàng triệu công dân ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại các vùng lãnh thổ của họ. Cả 2 nước đều xác định Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là mối quan tâm chiến lược. Pháp đã tiết lộ một số chiến lược ở châu Á trong khi Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực này trong một bản đánh giá gần đây.

Không ai có thể phủ nhận vai trò của Anh và Pháp cũng như những lợi ích của 2 nước này trong khu vực. Với một sự nhập cuộc sâu hơn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Anh đang điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới đây và Pháp đã tham gia các cuộc tập trận chung với các nước thành viên của Quad hồi tháng 4.

Các quốc gia ở trong và ngoài châu Á đang dần mất kiên nhẫn với Trung Quốc, mặc dù mỗi quốc gia đều nhận thức được mối quan hệ kinh tế của họ với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, cũng như ảnh hưởng của nước này. Rõ ràng, các chính sách và hành động của Trung Quốc đang tạo ra những phản ứng từ quốc tế.

Nhiều quốc gia đã không còn dùng những tuyên bố thiện chí để đổi lấy quan hệ kinh tế với Trung Quốc nữa và điều này được thể hiện qua những thỏa thuận đang bị phá vỡ, trong đó có thỏa thuận đầu tư EU - Trung Quốc. Một liên minh với những mục tiêu và lợi ích chung được thành lập, không chỉ là sự hưởng ứng trước lời kêu gọi của Mỹ mà còn là sự phản ứng tất yếu trước các hành động của Trung Quốc.

Theo VOV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao các nước sẵn sàng “bước ra khỏi vùng an toàn” cùng Mỹ chống Trung Quốc?