Vì sao bỏ kỳ thi THPT quốc gia?

14/05/2020 06:49

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ kỳ thi THPT quốc gia khiến nhiều học sinh lo lắng vì phải tham gia 2 kỳ thi tốt nghiệp và đại học.

Học sinh lớp 12A, Trường THPT Bến Tắm (Chí Linh) ôn tập môn hóa học

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như những năm trước mà chỉ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đặt ra nhiều thắc mắc trong dư luận. 

Thay đổi theo Luật Giáo dục

Phó Giám đốc Sở GDĐT Đỗ Duy Hưng đã bác bỏ thông tin cho rằng năm nay Bộ GDĐT chỉ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT mà không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như các năm trước là do ảnh hưởng của dịch Covid-19. "Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 1.7.2020 quy định tên gọi kỳ thi này là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay dự kiến diễn ra từ ngày 8-11.8 nên tên của kỳ thi phải thay đổi theo luật", ông Hưng nói.

Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT mọi năm rất cao. Năm 2019, tỷ lệ tốt nghiệp trên cả nước là 94,06%, Hải Dương là 96,37%. Không ít ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi mà chuyển sang xét tốt nghiệp THPT. Về vấn đề này, ông Hưng cho biết việc thi tốt nghiệp THPT là bắt buộc vì đã được quy định trong luật. 

Luật Giáo dục 2005 đã bỏ thi tốt nghiệp tiểu học và THCS, chỉ còn một kỳ thi THPT. Đây là kỳ thi quan trọng đánh giá cả quá trình học phổ thông. Một số ý kiến cho rằng nếu không tổ chức thi thì động lực học tập của học sinh sẽ giảm sút. Do đó, việc tổ chức kỳ thi này là cần thiết. Mục đích của kỳ thi THPT năm nay là lấy kết quả công nhận tốt nghiệp. Bộ GDĐT ra đề chung, các tỉnh, thành phố chỉ chịu trách nhiệm về công tác tổ chức thi. Việc ra đề chung sẽ đánh giá được chất lượng đào tạo trong toàn quốc, so sánh được chất lượng giữa các tỉnh, thành phố, vùng miền. Nếu để các tỉnh, thành phố tự tổ chức thi hoặc bỏ thi chỉ xét tốt nghiệp thì rất khó có thể đánh giá được chất lượng đào tạo.

Những năm gần đây, cơ bản các trường đại học, cao đẳng có xu thế lấy kết quả tốt nghiệp THPT làm căn cứ xét tuyển. Năm 2018, những lùm xùm xung quanh vụ gian lận thi cử xảy ra ở các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La phần nào làm dư luận nghi ngại về sự nghiêm túc của kỳ thi này, nhưng đó chỉ là "con sâu bỏ rầu nồi canh". 

Nên tập trung ôn thi

Khi Bộ GDĐT công bố năm nay tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ để xét tốt nghiệp và đánh giá chất lượng giáo dục của các địa phương khiến đa số học sinh lo lắng. Vì nếu chỉ tổ chức thi để xét tốt nghiệp THPT thì đồng nghĩa các em phải tham gia thêm ít nhất một kỳ thi nữa vào trường đại học, cao đẳng. Học sinh phải vất vả ôn tập, gia đình phải lo đưa con cái đi thi như trước đây. 

Năm nay, em Nguyễn Thị Minh Anh, học sinh lớp 12A, Trường THPT Thanh Miện dự kiến đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào Đại học Ngoại thương. Mới đây, trường này đã đưa ra 5phương án tuyển sinh, trong đó có phương án xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi riêng do trường phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức. Ngoài ra, trường cũng đề ra phương án xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng chỉ tuyển 20% chỉ tiêu theo phương án này. "Khối em theo không nằm trong diện được xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Như vậy ngoài thi tốt nghiệp THPT, em phải tham gia thêm một kỳ thi nữa. Tới đây, trường này sẽ có đề thi minh họa nhưng em vẫn không khỏi lo lắng", Minh Anh nói. 

Bộ GDĐT đã chính thức ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020. Theo đó, các trường đại học, cao đẳng có thể sử dụng kết quả tốt nghiệp THPT làm căn cứ xét tuyển đầu vào. Thời gian xét tuyển có thể kéo dài đến hết tháng 2.2021 nên các trường có đủ thời gian để cân nhắc, điều chỉnh phương án xét tuyển hoặc thi tuyển cho phù hợp. "Tôi nghĩ đa số các trường đại học, cao đẳng vẫn sẽ sử dụng phương án xét tuyển. Bởi vì tổ chức ra một kỳ thi rất vất vả và áp lực. Vậy học sinh cũng không nên quá lo lắng về việc sẽ phải tham gia thêm một kỳ thi đại học nữa. Trước mắt cần tập trung ôn tập để đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp", Phó Giám đốc Sở GDĐT Đỗ Duy Hưng nói.

Ngày 7.5, Bộ GDĐT đã công bố đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT năm 2020. Đa số giáo viên, học sinh cho rằng đề thi năm nay dễ hơn năm ngoái. Đề thi môn lịch sử có trên 90% nội dung kiến thức nằm ở kỳ 1 lớp12. Môn hóa học không có sự phân hóa cao, học sinh khá nếu làm bài cẩn thận vẫn có thể đạt điểm 9-10. Môn toán học, đại trà học sinh vẫn có thể làm được 7-8 điểm. Tỷ lệ câu hỏi phân hóa ở môn vật lý rất ít. Môn sinh học mức độ khó giảm, học sinh khá dễ đạt điểm 7-8...

Thầy giáo Ngô Doãn Hùng, giáo viên Trường THPT Bến Tắm nêu quan điểm: "Nếu đề dễ quá sẽ gây khó khăn cho công tác tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng. Nhưng tôi tin cũng như năm ngoái, đề thi mô phỏng thường dễ hơn đề thi chính thức. Vì thế học sinh không được chủ quan".

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Vì sao bỏ kỳ thi THPT quốc gia?