Vì sao bạn giảm trí nhớ dù chưa già?

05/08/2023 14:45

Trí nhớ giảm dần theo tuổi, song mắc bệnh thần kinh, uống nhiều rượu bia, mất ngủ cũng khiến khả năng ghi nhớ kém.

ThS.BS.CKII Thân Thị Minh Trung, Phó khoa Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bộ não người trưởng thành có khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh (nơron thần kinh), có nhiệm vụ ghi nhớ, xử lý thông tin. Tế bào thần kinh trong não mất đi dẫn đến suy giảm trí nhớ.

Tình trạng này phổ biến ở người lớn tuổi nhưng đang có xu hướng trẻ hóa do nhiều nguyên nhân. Theo bác sĩ Minh Trung, suy giảm trí nhớ có thể đến từ các yếu tố khách quan (không thể thay đổi) hoặc chủ quan (có thể cải thiện).

Bệnh lý thần kinh: Chứng suy giảm trí nhớ là hệ lụy của bệnh lý và tổn thương thần kinh như thiếu máu não, viêm não, chấn thương sọ não, đột quỵ, u não, phình mạch não.

Tiền sử gia đình, yếu tố di truyền: Yếu tố di truyền học (cấu trúc gene) góp phần gây giảm trí nhớ. Người có người thân mắc chứng sa sút trí tuệ, bệnh Alzheimer thường có nguy cơ suy giảm trí nhớ cao hơn người khác. Nguy cơ gia tăng khi có nhiều hơn một thành viên trong gia đình mắc bệnh.

Hút thuốc lá, uống bia rượu quá nhiều: Bác sĩ Minh Trung cho biết người thường xuyên hút thuốc có vỏ não mỏng hơn người không hút thuốc. Lạm dụng rượu bia ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ của não. Những người này dễ mắc hội chứng korsakoff - dạng rối loạn não làm giảm trí nhớ, liên quan trực tiếp đến uống nhiều bia rượu.

Ăn nhiều chất béo xấu: Thực phẩm chứa chất béo không lành mạnh như thức ăn nhanh ảnh hưởng đến trí nhớ. Ước tính khoảng 2/3 thành phần tạo nên bộ não của con người là chất béo. Dung nạp không đủ chất béo tốt tác động tiêu cực đến khả năng ghi nhớ. Nên bổ sung lượng chất béo tốt vừa đủ vào chế độ ăn hàng ngày để bảo vệ sức khỏe, hỗ trợ cải thiện trí nhớ.

Chất lượng giấc ngủ kém: Chất lượng giấc ngủ có ý nghĩa quan trọng đối với chức năng của não bộ. Thiếu ngủ có thể khiến não không thể lưu trữ thông tin, xử lý ký ức dài hạn.

Lười vận động: Ít tập thể dục ảnh hưởng đến khả năng nhớ của não, gia tăng nguy cơ mất trí nhớ tuổi già.

Ít giao tiếp xã hội: Người sống cô đơn, ít giao tiếp xã hội có nguy cơ mất trí nhớ cao gấp hai lần người khác. Giao tiếp, trò chuyện cải thiện sức khỏe tinh thần, kích thích hoạt động nhận thức như suy nghĩ, trực giác, suy luận.

Lệ thuộc thiết bị điện tử: Sự hỗ trợ của thiết bị điện tử có thể khiến con người ngại suy nghĩ, lười tư duy, não bộ mất dần khả năng tiếp nhận, xử lý thông tin. Ví dụ phụ thuộc vào bản đồ điện tử và bỏ quên thói quen ghi nhớ đường.


Lệ thuộc thiết bị điện tử có thể làm giảm khả năng ghi nhớ

Theo bác sĩ Trung, người gặp tình trạng này kéo dài có nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ. Giảm trí nhớ là tiến trình lão hóa tự nhiên nhưng cũng có thể cảnh báo bệnh lý tiềm ẩn hoặc do thói quen chưa khoa học. Mỗi người cần chủ động tầm soát giảm trí nhớ, sớm phát hiện, can thiệp kịp thời. Tầm soát giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ có nhiều mức độ khác nhau, từ cơ bản đến nâng cao, chuyên sâu. Mỗi mức độ hợp với nhu cầu, tình trạng sức khỏe riêng.

Nên tránh thói quen xấu, gây hại cho não, duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, ăn nhiều rau củ quả, cá béo, đạm. Một số dưỡng chất có công dụng tăng tuần hoàn máu lên não như blueberry (việt quất) và ginkgo biloba (bạch quả) có thể cải thiện suy giảm trí nhớ, đau đầu, mất ngủ.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao bạn giảm trí nhớ dù chưa già?