Trong nhóm 5 nước tiêm chủng nhanh nhất thế giới, chỉ có Israel hiện không bị bùng dịch trở lại. Giới chuyên gia đang so sánh về hiệu quả loại vắc xin ở mỗi nước.
Quần đảo Seychelles vật lộn với ca nhiễm COVID tăng dù đã tiêm ngừa cho phần lớn dân số
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng trên thế giới, các chuyên gia lưu ý một xu hướng không kém phần nguy hiểm, đó là một số quốc gia dù đã tiêm ngừa cho tỉ lệ lớn dân số vẫn chứng kiến ca nhiễm tăng mỗi ngày, thậm chí cao hơn Ấn Độ nếu tính theo bình quân đầu người.
Theo tạp chí Forbes, trong nhóm 5 nước tiêm chủng nhanh nhất thế giới - gồm Seychelles (69% đã tiêm ít nhất 1 liều), Israel (60%), Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Chile (45%) và Bahrain (47%) - chỉ có Israel hiện không bị bùng dịch trở lại.
Trong khi đó, nếu điều chỉnh theo tỉ lệ dân số thì Seychelles và Bahrain, bên cạnh các nước tiêm chủng nhiều như Maldives và Uruguay, lại ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày thuộc hàng cao nhất thế giới.
Seychelles - một quần đảo nhỏ có tỉ lệ tiêm ngừa gấp đôi Mỹ - ghi nhận 328 ca COVID-19 trên 100.000 dân, cao hơn nhiều so với Ấn Độ (28/100.000).
Thực tế trên khiến nhiều người băn khoăn về tính hiệu quả của vaccine Trung Quốc (được dùng rộng rãi ở Seychelles, Chile...) so với vaccine do phương Tây sản xuất như Pfizer hoặc Moderna (được dùng nhiều ở Israel, Mỹ...).
Đã có nhiều thông tin đề cập vấn đề này, chẳng hạn Trung tâm Y khoa Sheba (Israel) công bố nghiên cứu cho thấy 1 liều vaccine Pfizer có hiệu quả bảo vệ lên đến 85%; trong khi dữ liệu trên 10,5 triệu dân của Chính phủ Chile ghi nhận 1 liều vaccine Trung Quốc chỉ hiệu quả chừng 16%.
Tất nhiên một số yếu tố chủ quan khác cũng được ghi nhận, ví như việc Seychelles và Maldives vẫn đón khách du lịch bất chấp dịch bệnh, trong khi Dubai và Chile thì "xả" giãn cách xã hội quá nhanh.
Nhưng dù sao đi nữa, khi ngày càng có nhiều nước đẩy mạnh chương trình tiêm chủng, câu hỏi về tính hiệu quả của từng loại vaccine chắc chắn sẽ được cân nhắc khi dữ liệu thực tế ở những nước đi tiên phong bắt đầu xuất hiện.
Theo Bloomberg, cũng liên quan đến vaccine Trung Quốc, Bộ Y tế Indonesia mới đây công bố vắc xin COVID-19 của Hãng Sinovac Biotech đã giúp kiểm soát được lây nhiễm trong giới nhân viên y tế nước này.
Indonesia theo dõi 25.374 nhân viên y tế ở thủ đô Jakarta trong 28 ngày kể từ lúc tiêm đủ 2 mũi vaccine và nhận thấy 100% không có ca tử vong và giảm được 96% ca nhập viện. Tuy nhiên dữ liệu không nói rõ tỉ lệ người nhiễm không triệu chứng là bao nhiêu.
Một yếu tố khác chưa rõ là vaccine Sinovac hiệu quả với biến thể nào của virus corona. Indonesia chưa báo cáo bất cứ ổ dịch lớn nào có liên quan đến các biến thể gây lo ngại hiện nay như biến thể tìm thấy tại Anh hoặc Ấn Độ.
Các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thường xuyên nhấn mạnh rằng trong đại dịch COVID-19 "không ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người an toàn".
Vấn đề này càng nổi bật hơn trong bối cảnh khả năng tiếp cận vaccine rất chênh lệch giữa các nước, trong khi virus liên tục đột biến có khả năng tránh né hệ miễn dịch và giảm hiệu quả vaccine.
Theo Tuổi trẻ