Việc ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Duy Tân là hai đại diện của Việt Nam lần đầu tiên có tên trong top 500 của bảng xếp hạng ĐH thế giới THE (Times Higher Education) năm 2022 gây nhiều tranh cãi trong giới học thuật.
Trong khuôn viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng
Đáng chú ý, theo bảng xếp hạng này, ĐH Việt Nam đã có tiêu chí đứng đầu thế giới là tiêu chí trích dẫn (chiếm 30% trọng số) của ĐH Duy Tân (100 điểm) xếp số 1 thế giới; của ĐH Tôn Đức Thắng (99,3 điểm) xếp thứ 18 thế giới, cao hơn cả ĐH Harvard (99,2), ĐH Oxford (98), ĐH Caltech (97,8) và ĐH Cambridge (96,2).
Làm gì để có điểm trích dẫn cao?
Theo TS Dương Tú (ĐH Purdue, Mỹ), muốn trả lời câu hỏi vì sao điểm trích dẫn của Trường ĐH Duy Tân và ĐH Tôn Đức Thắng cao hơn cả các ĐH hàng đầu thế giới, cần biết điểm trích dẫn trong bảng xếp hạng ĐH thế giới của THE được tính thế nào.
"Theo giải thích của THE về phương pháp xếp hạng, có thể suy đoán điểm trích dẫn gồm hai phần: phần hiệu chỉnh không theo quốc gia và phần hiệu chỉnh theo quốc gia, mỗi phần chiếm tối đa 50 điểm.
Đối với phần điểm số hiệu chỉnh không theo quốc gia, nhiều khả năng cả ĐH Duy Tân và ĐH Tôn Đức Thắng nằm trong nhóm trường có số lượt trích dẫn cao nên đều đạt điểm tối đa giống như Harvard, Oxford, Caltech, Cambridge" - ông Tú giải thích.
Cũng theo ông Tú, với phần điểm số hiệu chỉnh theo quốc gia, mặc dù số lượt trích dẫn tuyệt đối của hai trường trong nước thấp hơn các trường ĐH hàng đầu của Anh và Mỹ, nhưng khi hiệu chỉnh theo quốc gia, do ĐH Duy Tân và ĐH Tôn Đức Thắng có lượt trích dẫn vượt trội trong số các trường ở Việt Nam nên được chấm lần lượt 50 và 49,3 điểm.
Trong khi đó, tại Mỹ, Harvard và Caltech là các trường có số lượt trích dẫn cao nhưng chưa phải cao nhất (vẫn còn xếp sau Stanford, MIT và một số trường khác) tại quốc gia này nên được cho điểm thấp hơn chút ít, tương ứng là 49,2 và 47,8 điểm.
Tương tự, tại Anh, ĐH Oxford và ĐH Cambridge được chấm lần lượt 48 và 46,2 điểm.
Đăng nhiều trên tạp chí trả tiền
Trong khi đó, GS.TSKH Ngô Việt Trung - nguyên viện trưởng Viện Toán học Việt Nam - cho biết thống kê về công bố của hai trường ĐH Duy Tân và ĐH Tôn Đức Thắng trên các tạp chí của Nhà xuất bản MDPI (Multidisciplinary Digital Publishing Institute - một trong những nhà xuất bản thuộc loại tác giả phải trả tiền đăng bài báo, chất lượng nhiều công trình đáng ngờ) cho thấy tạp chí Mathematics (tạp chí chuyên về toán học của MDPI) đã đăng 6.241 bài báo.
Trong đó ĐH Duy Tân 15 bài (13 bài chỉ gồm các tác giả nước ngoài), ĐH Tôn Đức Thắng 61 bài (55 bài chỉ gồm các tác giả nước ngoài).
Bài báo của các tác giả nước ngoài trên tạp chí này chiếm tỉ lệ khoảng 90%. Đại đa số tác giả các bài báo này ở các nước: Algeria, Ấn Độ, Chile, Ai Cập, Iraq, Iran, Jordan, Malaysia, Pakistan, Saudi Arabia, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia, Trung Quốc, Yemen.
Để đăng mỗi bài trên tạp chí này, tác giả phải trả 1.600 france Thụy Sĩ (khoảng 1.750 USD) cho Nhà xuất bản MDPI. Tổng số công bố trên tất cả tạp chí của MDPI từ 2010 đến nay: ĐH Duy Tân 585 bài, ĐH Tôn Đức Thắng 857 bài.
"Tờ Mathematics của MDPI thậm chí còn không nằm trong danh mục tạp chí được đánh chỉ mục của Hội Toán học Mỹ. Theo thống kê của Hội Toán học Mỹ, tổng số công bố toán học được bình duyệt của hai ĐH này từ 2010 đến nay là ĐH Duy Tân 424 bài, ĐH Tôn Đức Thắng 1.325 bài.
Nhiều tạp chí toán đăng bài của các tác giả ghi địa chỉ ở hai ĐH này không thuộc SCIE, danh mục các tạp chí khoa học được xét chọn theo một số tiêu chuẩn về chất lượng xuất bản. Xét cụ thể tên các tác giả có thể thấy hầu hết họ không phải là giảng viên cơ hữu của hai trường này" - ông Trung cho biết thêm.
Có thể gây ngộ nhận về chất lượng
THE xếp hạng ĐH dựa trên 13 chỉ số hoạt động đã được hiệu chỉnh để đo lường hiệu quả hoạt động của một tổ chức trên bốn tiêu chí: giảng dạy (môi trường học tập) 30%; nghiên cứu (khối lượng, thu nhập và danh tiếng) với trọng số tính điểm xếp hạng 30%; trích dẫn khoa học (tầm ảnh hưởng của nghiên cứu) 30%; triển vọng quốc tế (của nhân viên, sinh viên và nghiên cứu) 7,5%; thu nhập ngành (chuyển giao kiến thức) 2,5%.
Theo TS Lê Trường Tùng - chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH FPT, trong các bảng xếp hạng ĐH thế giới được nhiều người biết đến hiện nay như THE, QS (Quacquarelli Symonds) và ARWU (Academic Ranking of World Universities), điểm xếp hạng các trường được tính trên nhiều tiêu chí, trong đó tiêu chí về công bố quốc tế có tỉ trọng cao.
Những năm qua ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Duy Tân "đầu tư" rất lớn để có rất nhiều công bố quốc tế.
"Tôi cho rằng tiêu chí xếp hạng của nhiều tổ chức xếp hạng ĐH thế giới hiện nay không chuẩn mực nên kết quả xếp hạng có thể gây ngộ nhận chất lượng các trường. Với ARWU, để một trường ĐH sớm có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng này chỉ cần tập trung vào tiêu chí số bài công bố quốc tế và tiêu chí hiệu suất nghiên cứu trên đầu người, không cần phải quan tâm nhiều đến đào tạo hay người học.
Trong bảng xếp hạng THE 2022, với điểm tuyệt đối 100 của ĐH Duy Tân và 99,3 của ĐH Tôn Đức Thắng về trích dẫn khoa học, chỉ cần tiêu chí này là đủ để vào top ĐH thế giới" - ông Tùng nhấn mạnh.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh - cho rằng các bảng xếp hạng ĐH phần lớn không phù hợp với các nước đang phát triển vì họ chủ yếu đánh giá thành tích nghiên cứu khoa học, thể hiện qua số bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế.
Rất nhiều tạp chí mà muốn được đăng bài báo tác giả phải nộp tiền. Thực tế những năm gần đây, một số trường ĐH ở Việt Nam chi tiền rất lớn để thuê người ở trường khác viết bài báo khoa học rồi đứng tên trường mình, để nâng cao điểm tiêu chí công bố quốc tế.
11 trường điểm tuyệt đối không nằm top 200 trường tốt nhất Theo TS Dương Tú, trong số 11 trường (gồm ĐH Duy Tân) đạt điểm số tuyệt đối 100 về trích dẫn, không có bất kỳ trường nào thuộc nhóm 200 trường tốt nhất. Tuyệt đại đa số các trường này xếp hạng từ 301 - 500, và đều không phải ở các quốc gia có nền giáo dục và khoa học tiên tiến như Ghana, Việt Nam, Palestine, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Sri Lanka. Đây chính là hệ quả của việc hiệu chỉnh điểm số trích dẫn theo quốc gia. |
Theo Tuổi trẻ