Số lượng xe đạp điện, xe máy điện, mô tô điện tăng mạnh kéo theo tình trạng vi phạm pháp luật giao thông của người sử dụng phương tiện này ngày càng tăng...
Hầu hết học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật giao thông khi điều khiển xe đạp điện,
xe máy điện chỉ bị nhắc nhở nên nhiều em "nhờn" luật
Khó xử lý vì phải "lựa"Theo quy định của pháp luật hiện hành, người điều khiển xe máy điện, mô tô điện (gọi chung là xe máy điện) và xe đạp điện (XĐĐ) không đội mũ bảo hiểm, đi xe máy điện (XMĐ) không có biển kiểm soát sẽ bị xử phạt khá nặng. Cụ thể: điều khiển các phương tiện trên không đội mũ bảo hiểm bị phạt 150.000 đồng; XMĐ không có biển kiểm soát bị phạt từ 300.000 - 400.000 đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày. Tuy nhiên, theo đại diện lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh, rất khó áp các quy định xử phạt này đối với các trường hợp vi phạm. Bởi hầu hết người đi XMĐ, XĐĐ là học sinh, sinh viên. Do đó khi vi phạm đa phần các em chỉ bị CSGT nhắc nhở hoặc lập biên bản gửi thông báo về nhà trường nên tính răn đe chưa cao, nhiều học sinh có biểu hiện coi thường cơ quan chức năng.
Thiếu tá Trần Quang Tuấn, Đội trưởng Đội CSGT Công an thị xã Chí Linh cho rằng: Nếu đúng quy định của pháp luật, người điều khiển XMĐ, XĐĐ dưới 16 tuổi vi phạm sẽ bị nhắc nhở, từ 16 - 18 tuổi sẽ phải chịu 50% số tiền xử phạt hoặc tạm giữ phương tiện, từ 18 tuổi trở lên phải chịu 100% mức tiền phạt. Để xử phạt nghiêm khắc thì không khó khăn gì, tuy nhiên cơ quan chức năng mong muốn tuyên truyền, nhắc nhở để các em chuyển biến về nhận thức. Hơn nữa vào đầu giờ sáng, chiều, nếu tạm giữ phương tiện sẽ ảnh hưởng đến việc học của các em. Đặc biệt, do điều kiện kho bãi hạn hẹp, nếu tạm giữ phương tiện sẽ không có chỗ chứa, để ngoài trời thì chỉ 1 tuần XMĐ, XĐĐ sẽ hỏng. Ngoài ra, nếu xử lý hành chính thì hầu hết học sinh không có tiền nộp phạt, để các em gọi người nhà ra nộp phạt cũng rất phiền hà. XMĐ, XĐĐ luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông nếu người điều khiển không chấp hành các quy định của pháp luật như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ... Năm 2015, tại ngã ba Sao Đỏ đã xảy ra một vụ tai nạn liên quan đến XĐĐ khiến 1 học sinh tử vong.
Tương tự như vậy, đại diện các Đội CSGT Công an TP Hải Dương, huyện Ninh Giang và Gia Lộc cũng cho rằng khi xử lý vi phạm đối với người điều khiển XMĐ, XĐĐ phải linh hoạt, hợp tình, hợp lý, xử lý để người vi phạm hiểu được quy định của pháp luật và không tái phạm mới là điều quan trọng. Thiếu tá Phạm Quý Gia, Đội phó Đội CSGT Công an huyện Gia Lộc cho biết trên địa bàn huyện còn có tình trạng chỉ học sinh cuối cấp khi điều khiển XMĐ, XĐĐ mới chấp hành nghiêm quy định về pháp luật giao thông do sợ thông báo về trường sẽ ảnh hưởng tới việc thi tốt nghiệp. Còn học sinh các khối khác thường đối phó với công an như có mũ bảo hiểm nhưng không đội, đi dàn hàng ngang, bao biện khi bị xử phạt...
Theo trung tá Nguyễn Văn Chí, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông và xử lý vi phạm (Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an tỉnh), một khó khăn nữa trong xử lý vi phạm này do xác định độ tuổi của người điều khiển phương tiện rất mất thời gian. Nhiều trường hợp không mang theo giấy tờ tùy thân nên CSGT không có căn cứ để áp dụng khung hình phạt phù hợp...
Tuyên truyền là chínhTP Hải Dương hiện có số lượng XMĐ, XĐĐ nhiều nhất tỉnh, khoảng 1.600 chiếc. Mặc dù thường xuyên xử lý song tình trạng người điều khiển các loại phương tiện trên vi phạm pháp luật giao thông như vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, xe không đăng ký... vẫn diễn ra khá phổ biến. Thiếu tá Nguyễn Đức Long, Đội phó Đội CSGT Công an thành phố cho rằng để xử lý vi phạm này thì chỉ lực lượng CSGT là chưa đủ, mà cần có sự quyết liệt của các nhà trường. Từ tháng 8 đến nay, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức cho học sinh, sinh viên các Trường THCS Bình Minh, THPT Hồng Quang, Đại học Hải Dương về việc điều khiển XMĐ, XĐĐ đúng pháp luật. Sắp tới, đơn vị sẽ tổ chức tuyên truyền ở các Trường: Đại học Thành Đông, THCS An Châu và Trung cấp Văn hóa, nghệ thuật và Du lịch Hải Dương. Từ đầu năm học 2016 - 2017 đến nay, đơn vị đã xử lý 156 trường hợp dưới 16 tuổi điều khiển XMĐ, XĐĐ không đội mũ bảo hiểm, tạm giữ 156 phương tiện... Tuy nhiên, vi phạm của người điều khiển các phương tiện trên chưa có dấu hiệu giảm.
Từ đầu năm đến nay, CSGT Công an tỉnh cũng xử lý khoảng 1.000 trường hợp người điều khiển XMĐ, XĐĐ vi phạm không đội mũ bảo hiểm, đội mũ không đúng quy cách, vượt đèn đỏ... Theo đại diện Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh, để hạn chế những vi phạm của người điều khiển XMĐ, XĐĐ, trong đó chủ yếu là học sinh, sinh viên, thời gian tới ngoài nhắc nhở lực lượng CSGT sẽ kiên quyết xử lý nghiêm tất cả các trường hợp. Đề nghị các nhà trường nâng cao trách nhiệm trong tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Các trường cần công khai, xử lý nghiêm học sinh, sinh viên vi phạm khi nhận được thông báo của lực lượng CSGT để tạo tính răn đe, nâng cao ý thức, nhận thức của các em khi tham gia giao thông trong bảo vệ an toàn cho bản thân và người cùng tham gia giao thông. Đồng thời, các phụ huynh cần gương mẫu khi tham gia giao thông, nhắc nhở con em khi điều khiển XMĐ, XĐĐ chấp hành pháp luật giao thông.
TIẾN HUY