Vi phạm công trình thủy lợi ở Ninh Giang

16/06/2012 07:09

Tình trạng người dân lấn chiếm kênh mương để xây nhà diễn ra phổ biến làm cho khả năng tiêu úng của các công trình thủy lợi bị ảnh hưởng nghiêm trọng...



Gia đình anh Ngô Văn Thuật ở thôn Dâm Me, xã Đồng Tâm mở cửa hàng bán sắt thép trên cầu bắc qua kênh T6


Cách đây gần 3 năm, gia đình anh Ngô Văn Thuật ở thôn Dâm Me, xã Đồng Tâm (Ninh Giang) xây nhà tại  khu đất đã được UBND xã cho chuyển đổi mục đích sử dụng. Do đây là khu dân cư mới, muốn sang được đường chính thì gia đình anh phải đi qua một đoạn đường đất nhỏ hẹp dài gần 1 km. Để thuận tiện cho việc đi lại, anh Thuật đã làm cầu bắc qua kênh dẫn T6. Tôi hỏi, khi anh làm có cơ quan, đơn vị nào đến nhắc nhở không và có biết như thế là vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi hay không, anh Thuật cho biết: Trước khi làm cầu, tôi có xin phép UBND xã “bằng miệng” và đã được đồng ý. Có một số cơ quan, đơn vị đến nhắc nhở nhưng rồi cho qua.

Sau khi xây cầu, chị gái của anh Thuật đã xây dựng mái che trên cầu để mở cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng. Theo quan sát của chúng tôi, đây là cây cầu khá kiên cố, 2 phía đầu cầu lấn chỉ còn 1/3 dòng kênh. Không chỉ có gia đình anh Thuật mà gần đó còn có 2 chiếc cầu của gia đình khác. Theo thống kê, xã Đồng Tâm có 4 chiếc cầu tự phát như vậy. Ngoài ra, còn có 3 trường hợp trồng cây trên bờ kênh và 1 trường hợp thả đăng đó. Ông Trịnh Viết Thuần, Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết: Năm 2006, khi xã có nhu cầu giãn dân thôn Dâm Me đã tiến hành quy hoạch khu vực gần kênh dẫn T6 để bán đất. Đoạn đường dẫn đến cầu của UBND xã khó đi nên nhiều hộ dân đã tự ý xây cầu để đi thẳng ra đường lớn. UBND đã phối hợp với một số đơn vị nhắc nhở, lập biên bản, yêu cầu các hộ phá dỡ nhưng đến nay vẫn chưa có hộ nào thực hiện.

Xã Kiến Quốc có nhiều trường hợp vi phạm công trình thủy lợi nhất huyện Ninh Giang. Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch UBND xã cho biết, trên kênh Đại Phú Giang có 4 chiếc cầu do UBND xã làm phục vụ người dân đi lại. Xã có nghề mộc, tập trung ở 2 thôn Cúc Bồ và Cúc Thị. Nếu người dân vận chuyển gỗ, các sản phẩm từ gỗ đi qua cầu do UBND xã làm tốn nhiều công sức nên nhiều hộ đã tự ý xây dựng cầu, bắc cống qua kênh Đại Phú Giang. Theo thống kê, toàn xã có trên 100 trường hợp vi phạm, có những trường hợp vi phạm cách đây 20 năm. Để khắc phục tình trạng trên, hằng năm UBND xã đã ký cam kết với các hộ tổ chức dọn vệ sinh lòng sông khu vực xây dựng cầu của gia đình để dòng chảy không bị cản, khi có ngập úng nước sẽ tiêu thoát nhanh. Ngoài ra, với những hộ mới xây nhà cũng ký cam kết không được làm thêm cầu mới mà sử dụng chung với những nhà gần đó hoặc sử dụng cầu do xã xây dựng.


Nhiều hộ dân làm cầu bắc qua kênh dẫn trạm bơm Ứng Hòe


Bà Phạm Thị Liễu, Phó Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Ninh Giang cho biết: Huyện có hệ thống thủy lợi nội đồng dày đặc, thuận lợi cho việc tưới, tiêu cho diện tích trồng cây và cung cấp nước cho thủy sản. Hằng năm, huyện chú trọng công tác giải tỏa và phòng, chống các vi phạm công trình thủy lợi. Năm 2011, xí nghiệp đã giải tỏa dòng chảy sông Dầm, sông Hồng Đức và các kênh dẫn trục khác với khối lượng gần 1 triệu m3; đôn đốc các xã giải tỏa các tuyến kênh dẫn nội đồng với khối lượng trên 300 nghìn m3. Tuy nhiên, huyện mới chỉ chú trọng đến việc giải tỏa dòng chảy, còn những vi phạm khác về công trình thủy lợi thì chưa làm được. Trên địa bàn huyện hiện có 399 trường hợp vi phạm công trình thủy lợi. Trong đó, có 10 trường hợp làm nhà kiên cố, 229 trường hợp làm cầu, 97 trường hợp trồng cây, 17 trường hợp đào ao, 2 trường hợp thả đăng đó và 1 trường hợp làm bến bãi trái phép. Một số xã vi phạm nhiều là Kiến Quốc, Vạn Phúc, Ứng Hòe, Hồng Đức, An Đức. Huyện đã lập biên bản hoặc gửi thông báo đến người vi phạm, yêu cầu tháo dỡ, giải tỏa... Tuy nhiên, đến nay chưa có trường hợp nào tự giác thực hiện. Nguyên nhân của những vi phạm trên là do ý thức của người dân và lãnh đạo địa phương còn thấp. Khi người dân vi phạm công trình thủy lợi, địa phương không ngăn chặn kịp thời. Tại một số nơi, nhận thức về vi phạm còn hạn chế, họ cho rằng việc đó không ảnh hưởng nhiều đến dòng chảy của tuyến kênh hoặc có tâm lý người này làm được, không bị xử lý thì mình cũng làm được. Về phía huyện, để xử lý các trường hợp vi phạm công trình thủy lợi yêu cầu sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đơn vị và cũng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân nên chưa làm được.

Để hạn chế việc gia tăng các vi phạm công trình thủy lợi, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Ninh Giang đã phối hợp với UBND các xã ký cam kết không để phát sinh các vi phạm mới. Đối với những gia đình đã vi phạm, trước mắt không được mở rộng các công trình, thường xuyên thu gom rác thải, rong bèo dưới kênh dẫn để bảo đảm cho nguồn nước được lưu thông, không bị ách tắc; về lâu dài cần xử lý kiên quyết.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vi phạm công trình thủy lợi ở Ninh Giang