Vi phạm 3 điều này, công chức sẽ bị kỷ luật

23/12/2019 15:09

Từ 1.7.2020, sẽ dựa vào mức độ vi phạm, hình thức kỷ luật để xử lý công chức bị kỷ luật mà không xử lý chung như hiện nay

Luật Cán bộ, công chức (CC) sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7.2020 có rất nhiều điểm mới nổi bật, trong đó có quy định về việc xử lý CC bị kỷ luật.

Những vi phạm công chức nên tránh

Hiện nay, theo quy định tại điều 79 Luật Cán bộ, CC hiện hành, CC bị áp dụng 1 trong 6 hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc. Trong đó, việc giáng chức hoặc cách chức chỉ áp dụng với CC giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Ngoài ra, nếu CC bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực.

Vi phạm 3 điều này, công chức sẽ bị kỷ luật - Ảnh 1.
Khi có quyết định kỷ luật khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương có hiệu lực, công chức không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn. Ảnh chỉ mang tính minh họa

Đồng thời, việc kỷ luật CC cũng được Chính phủ quy định cụ thể tại điều 3 Nghị định 34 năm 2011 với các hành vi: Vi phạm pháp luật bị tòa án kết án bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật; Vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn mại dâm… mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Vi phạm những nghĩa vụ, đạo đức và văn hóa giao tiếp của CC trong thi hành công vụ, những việc CC không được làm như: Trốn tránh trách nhiệm, gây bè phái, tự ý bỏ việc, phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ; Lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn…

Như vậy, có thể thấy, nếu CC vi phạm một trong ba điều nêu trên sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong những hình thức kỷ luật tại điều 79 Luật Cán bộ, CC nêu trên.

Bị kỷ luật, không được bổ nhiệm cao hơn

Theo điều 82 Luật Cán bộ, CC hiện nay, CC bị xử lý kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không được nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực. Như vậy, hiện nay, CC chỉ có cơ hội được bổ nhiệm lại nếu sau 12 tháng không có vi phạm nào đến mức phải bị xử lý kỷ luật.

Trong khi đó, về việc xử lý CC đang bị kỷ luật, Luật Cán bộ, CC sửa đổi có hiệu lực từ đầu tháng 7.2020 có quy định cụ thể theo các hình thức xử lý kỷ luật. Cụ thể, khi bị kỷ luật bằng khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương: Không bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; Khi bị kỷ luật bằng giáng chức hoặc cách chức: Không bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực. Đặc biệt, khi hết các khoảng thời hạn nêu trên mà CC không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục được bổ nhiệm theo quy định.

Như vậy, từ 1.7.2020, khi có quyết định kỷ luật khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương có hiệu lực, CC không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn nhưng vẫn có thể được bổ nhiệm lại hoặc vào chức vụ thấp hơn.

Như vậy, sắp tới đây, Luật sẽ dựa vào mức độ vi phạm, hình thức kỷ luật để xử lý CC bị kỷ luật mà không xử lý chung như hiện nay. Qua đó thể hiện sự công bằng của pháp luật.

Theo Người lao động

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vi phạm 3 điều này, công chức sẽ bị kỷ luật