Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm nay với chủ đề "Hãy hành động vì một môi trường đô thị xanh, bền vững".
Giải quyết tình trạng ngập úng sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân TP Hải Dương
Hơn 20 năm kể từ khi Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn được phát động, đây là năm đầu tiên vấn đề môi trường đô thị được đề cập với một nội dung và mục tiêu hết sức cụ thể: hướng tới một đô thị xanh, bền vững.
Theo số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, chất thải rắn phát sinh từ các đô thị chiếm khoảng 46% tổng lượng chất thải rắn của cả nước, tốc độ tăng trung bình từ 10 - 15%/năm. Việc xử lý chất thải rắn chưa hợp lý, không hợp vệ sinh vừa ảnh hưởng tới môi trường, vừa tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, hầu hết các đô thị đều chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Khí thải, bụi, tiếng ồn phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, phương tiện giao thông chưa được kiểm soát cũng khiến môi trường ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Những vấn đề này nếu không được giải quyết triệt để sẽ là tác nhân cản trở phát triển kinh tế, kéo giảm chất lượng cuộc sống của người dân.
Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch vùng tỉnh Hải Dương đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, dựa vào xu hướng dịch chuyển dân số từ khu vực nông thôn tới khu vực thành thị, từ nội ô ra ngoại ô, dựa trên các chỉ số tăng trưởng dân số đô thị qua nhiều năm, Hải Dương có tỷ lệ đô thị hóa nhanh. Hệ thống đô thị phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Không thể phủ nhận vai trò của phát triển đô thị với tăng trưởng kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Ông Tạ Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết mặt trái của phát triển đô thị trên địa bàn Hải Dương là môi trường và tài nguyên thiên nhiên bị tác động đáng kể. Tại các đô thị lớn của Hải Dương như TP Hải Dương, thị xã Chí Linh, tài nguyên đất bị khai thác triệt để phục vụ xây dựng đô thị; diện tích cây xanh, mặt nước bị suy giảm. Đây là nguyên nhân khiến tình trạng ngập úng cục bộ diễn ra thường xuyên, nhất là trên nhiều tuyến đường nội thành. Tại TP Hải Dương, nước thải sinh hoạt mới được xử lý một phần, phần còn lại chưa qua xử lý được xả thẳng ra hệ thống kênh mương, ao hồ khiến chất lượng nguồn nước mặt bị suy giảm nghiêm trọng. Theo quy hoạch, nhiều khu đô thị mới phải có trạm xử lý nước thải (XLNT) tập trung. Tuy nhiên, hầu hết các khu đô thị này vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí này. Bên cạnh đó, việc chưa xây dựng các công trình XLNT cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng khiến người dân lo ngại về chất lượng nguồn nước. Tại TP Hải Dương, do chưa có chủ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp (CCN) phía tây Ngô Quyền, Cẩm Thượng, Việt Hòa nên các trạm XLNT vẫn chưa được xây dựng. Nguồn nước thải sản xuất chỉ mới được xử lý sơ bộ, chưa bảo đảm chất lượng trước khi xả ra môi trường là nguyên nhân khiến hệ thống kênh mương của thành phố bị ô nhiễm trầm trọng.
Ông Trần Trọng Khôi, Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương cho biết mỗi ngày người dân TP Hải Dương xả khoảng 200 tấn rác thải sinh hoạt. Lượng rác tăng trung bình hằng năm khoảng 20%. Hiện tại, tỷ lệ chất thải rắn khu vực nội thị được xử lý (chôn lấp hợp vệ sinh, tái chế, đốt) mới đạt 65%, chưa bảo đảm tiêu chí của đô thị loại I (phải đạt 80-90%). Với lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hằng năm lớn, nếu không có chính sách dài hơi, môi trường của TP Hải Dương sẽ gặp rất nhiều vấn đề không dễ giải quyết. Tiêu chí đô thị xanh, bền vững không thể đạt được nếu chỉ tiêu cây xanh trên đầu người không bảo đảm. TP Hải Dương hiện mới đạt 6,3 m2 đất cây xanh đô thị/người, chưa đáp ứng tiêu chí đô thị loại 1 (từ 10 - 15m2/người). Cùng với TP Hải Dương, vấn đề môi trường của thị xã Chí Linh cũng đặt ra cấp thiết. Hệ thống công trình bảo vệ môi trường của thị xã còn thiếu và yếu. Thị xã mới có 1 bãi rác tập trung nhưng mang tính tạm thời vì gần khu dân cư và nằm trong phần đất của khu công nghiệp Cộng Hòa. Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung vẫn chưa được xây dựng. Toàn bộ nước thải sinh hoạt của các hộ dân xả thẳng ra hệ thống hồ, ao gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Vấn đề môi trường ở các đô thị trên địa bàn Hải Dương ngày càng căng thẳng, phải có những giải pháp cụ thể, thiết thực. Để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường trong các khu đô thị, ông Tạ Hồng Minh cho rằng cần tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ khi bắt đầu khởi công các công trình hạ tầng đô thị bảo đảm đạt yêu cầu về chất lượng và kỹ thuật môi trường theo thiết kế. Tăng cường quản lý, vận hành hệ thống thoát nước và xử lý nước thải của các khu đô thị nhằm nâng cao hiệu suất xử lý, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường ao hồ, kênh mương, hào thành như hiện nay. Tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường, ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải rắn, rác thải...
VỊ THỦY