20 năm xây dựng và phát triển, Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương đã có nhiều nỗ lực, từng bước khẳng định vai trò trên lĩnh vực thông tin, truyền thông và gần đây là dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số với quyết tâm vì một Hải Dương số.
Thông tin đi trước một bước
Ngày 1/10/2004, Sở Bưu chính – Viễn thông tỉnh Hải Dương được thành lập, tiền thân của Sở Thông tin và Truyền thông ngày nay. Sau khi thành lập, Sở Thông tin và Truyền thông đã nhiều lần được bổ sung chức năng, nhiệm vụ mới.
Nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành thông tin và truyền thông “việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó bảo đảm thắng lợi”, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương qua các thời kỳ luôn nỗ lực ở mức cao nhất để hiện đại hóa bưu chính - viễn thông và hạ tầng công nghệ thông tin đủ sức bảo đảm nhu cầu phát triển trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
20 năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông luôn thực hiện tốt vai trò tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo hoạt động quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả thiết thực. Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong công tác quản lý nhà nước. Hằng năm, sở đều thực hiện ít nhất 1 đề tài nhằm ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, cấp phép, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, báo chí - xuất bản…
Công tác thanh tra, kiểm tra đi vào nền nếp, có chất lượng. Qua gần 300 cuộc thanh tra, kiểm tra ở các lĩnh vực, Sở Thông tin và Truyền thông đã phát hiện, chấn chỉnh, xử lý một số doanh nghiệp hoạt động sai quy định của pháp luật. Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo có hiệu quả.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức hội nghị giao ban báo chí nhằm giúp các cơ quan thông tin, báo chí thực hiện đúng chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn của cấp trên trong công tác thông tin, tuyên truyền. Sở tham mưu tổ chức Giải báo chí "Hải Dương khát vọng phát triển" thu hút nhiều phóng viên, nhà báo, cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh tham gia.
Góp phần hoàn thiện "bức tranh Hải Dương số"
Công tác đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin từng bước hoàn thiện, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh và hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh. Hiện hệ thống quản lý văn bản và điều hành được triển khai đồng bộ, bảo đảm kết nối gửi, nhận liên thông giữa các đơn vị từ Trung ương đến địa phương. Đến nay, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đã được đầu tư, thường xuyên nâng cấp, bảo đảm hoạt động 24/7, đang cung cấp 913 dịch vụ công trực tuyến một phần và 424 dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Đặc biệt, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh như hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã; tổ chức họp không giấy tờ cho HĐND tỉnh, Cổng thông tin điện tử liên thông 3 cấp từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Năm 2023, Hải Dương xếp thứ 22 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố về chỉ số xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, tăng 33 bậc so với năm 2022. Năm 2022, theo đánh giá xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT index), Hải Dương xếp thứ 14 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố, tăng 12 bậc so với năm 2018. Năm 2022, đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI), Hải Dương xếp thứ 13 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố, tăng 1 bậc so với năm trước đó.
Là một trong những địa phương sớm ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số và cũng là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước có Ngày Chuyển đổi số riêng, Hải Dương đã thể hiện quyết tâm cao trên lộ trình số nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển tỉnh.
Smart Hải Dương là một ví dụ. Ứng dụng này mang đến cho người dùng những thông tin thời sự đáng quan tâm diễn ra trong tỉnh. Có thể chưa đầy đủ, song đây là những thông tin hữu ích. Ngoài ra, sau khi cập nhật phiên bản mới, ứng dụng cho phép người dùng đăng tin mua-bán sản phẩm. Đây có thể là kênh thương mại điện tử đầy tiềm năng.
Đến nay, có thể nói gần như tất cả các thiết bị điện tử của người dân đều được kết nối internet. Từ dịch vụ truyền hình internet cho đến điện thoại sử dụng wifi. Dịch vụ viễn thông có chất lượng ổn định, sự cố được tập trung xử lý nhanh giúp người dân có trải nghiệm ngày càng tốt hơn với môi trường số.
Ở các vùng nông thôn, cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, những mô hình thôn thông minh xuất hiện ngày càng nhiều.
Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều minh chứng cụ thể, rõ nét về sự lan tỏa công nghệ số tới mọi mặt của đời sống. Chuyển đổi số, nói một cách dễ hiểu hơn là những nền tảng, công nghệ thông tin đã và đang làm đổi thay cuộc sống của người dân theo hướng tích cực.
Với quan điểm nâng cao chất lượng phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, thời gian qua Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành xây dựng thể chế, chính sách, cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh xây dựng chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số.
Hải Dương đã tập trung nguồn lực để triển khai Đề án xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Tập trung phát triển hạ tầng bưu chính, viễn thông, chuyển dịch sang hạ tầng công nghệ thông tin-truyền thông (Information and Communication Technology – ICT). Toàn tỉnh hiện có hơn 3.000 trạm thu phát sóng di động (BTS), góp phần phủ sóng thông tin di động 3G, 4G đến 100% số dân; hơn 2,1 triệu thuê bao di động, hơn 1,5 triệu thuê bao internet băng rộng; đường truyền internet cáp quang băng rộng được triển khai đến gần 340.000 gia đình. Đặc biệt, 4 trạm phát sóng 5G đã được phát sóng thử nghiệm phạm vi hẹp trên địa bàn một địa phương trong tỉnh, tiến tới lắp đặt, phát sóng thêm nhiều trạm 5G khác, dần đưa công nghệ 5G tới gần hơn với người dân.
Hạ tầng công nghệ thông tin, một trong những điểm mấu chốt của chuyển đổi số tại Hải Dương ngày càng đồng bộ, vấn đề bảo mật, an toàn thông tin trên không gian mạng luôn được bảo đảm đã và đang góp phần nâng cao chất lượng phương thức quản lý, giúp người dân, doanh nghiệp cải thiện đáng kể hiệu quả sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng hàm lượng công nghệ.
Hàng loạt thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số được ký kết giữa Hải Dương với nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn; cơ quan nhà nước sử dụng nền tảng chia sẻ dữ liệu tích hợp; doanh nghiệp ứng dụng phần mềm trong quản lý, điều hành; người dân, hộ nông dân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Thanh toán không dùng tiền mặt được thúc đẩy từ các ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin; thành viên các tổ công nghệ số cộng đồng được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng. Những mảnh ghép đó đang dần tạo nên bức tranh chuyển đổi số đậm nét của Hải Dương thời gian qua.
Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện Đề án xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh. Hoàn thiện nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu của tỉnh; triển khai kho dữ liệu dùng chung; phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở. Nâng cao vai trò đi đầu của các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin trong tỉnh, từ đó lan tỏa công nghệ tới người dân, doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư, phát triển thương mại điện tử. Tiếp tục nâng cao tính năng trong ứng dụng Smart Hải Dương. Chuyển đổi số là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, hành động từ chính quyền đến người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là quan điểm xuyên suốt để Sở Thông tin và Truyền thông nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác tham mưu, với mục tiêu để Hải Dương không bỏ lỡ nhịp cầu số.