Chính trị

Vị lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản

ĐẶNG ĐÌNH CHIẾN 28/11/2023 12:55

Ph. Ăngghen (Friedrich Engels), là nhà lý luận chính trị, một triết gia và nhà khoa học người Đức, lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản.

fred_engels.jpg
Ph. Ăngghen (1820 - 1895)

Ph. Ăngghen đã cùng C. Mác xây dựng nên lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học và đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động, vì chủ nghĩa cộng sản. Ông là người có đức khiêm tốn và lòng tận tụy, thủy chung trong tình bạn, tình đồng chí cao cả. Họ đã sát cánh bên nhau viết nên những công trình khoa học và lãnh đạo phong trào công nhân đấu tranh nhằm xoá bỏ chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa cộng sản.

Ph. Ăngghen đã cùng với C. Mác dày công nghiên cứu, kế thừa những tinh hoa tư tưởng của nền văn hóa nhân loại, xây dựng thành một học thuyết, một hệ thống lý luận khoa học - chủ nghĩa xã hội khoa học, đồng thời thông qua hoạt động trực tiếp trong phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân, đưa lý luận đó thâm nhập vào quần chúng cách mạng, biến lý luận thành lực lượng vật chất thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Trong đó phải kể đến những tác phẩm tiêu biểu như: “Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêgen”, viết vào tháng 2/1844 có “khẳng định rằng giai cấp có thể thực hiện việc giải phóng toàn thể nhân loại phải là giai cấp vô sản”; Ăngghen cùng với Mác hợp sức viết Hệ tư tưởng Đức (1845 – 1846) tiếp tục phê phán chủ nghĩa duy tâm của Hêghen và phái Hêghen trẻ, đồng thời phê phán chủ nghĩa duy vật không nhất quán của Lútvích Phoiơbắc; cuốn sách “Gia đình thần thánh” của Mác và Ăngghen ra đời tháng 2/1845 đã phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa duy tâm chủ quan của phái Hêghen trẻ, thực chất là phê phán toàn bộ chủ nghĩa duy tâm, đồng thời nêu ra vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử.

Năm 1848, được sự uỷ nhiệm của Đại hội II Liên đoàn những người cộng sản, Ăngghen cùng với C. Mác viết Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Đây là một văn kiện mang tính chất cương lĩnh của chủ nghĩa Mác và Đảng vô sản, đã soi sáng cho giai cấp công nhân toàn thế giới con đường đấu tranh để thoát khỏi chế độ nô lệ tư bản chủ nghĩa, đưa cách mạng vô sản đến thắng lợi. Trong đó, Mác và Ăngghen đã phân tích một cách sâu sắc vai trò của đấu tranh giai cấp trong lịch sử xã hội loài người. Cuộc đấu tranh của những người bị áp bức với những kẻ áp bức là động lực chủ yếu của sự phát triển lịch sử. Vạch rõ những quy luật chủ yếu của cuộc cách mạng vô sản, hai ông đã chỉ ra rằng: bước đầu tiên của cuộc cách mạng đó là “biến giai cấp vô sản thành giai cấp thống trị, là giành lấy dân chủ”. Đó là tư tưởng xác lập “chuyên chính của giai cấp vô sản” mặc dù trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản chưa có thuật ngữ này và khái niệm chuyên chính vô sản và nhà nước vô sản được thể hiện rất rõ trong đó. Đồng thời trong tuyên ngôn cũng khẳng định rõ đấu tranh giai cấp là động lực thúc đẩy xã hội phát triển và quy luật bạo lực cách mạng trong việc giành lấy chính quyền về tay giai cấp vô sản.

Trong quá trình nghiên cứu và hoạt động, để Mác có thời gian viết bộ Tư bản, Ăngghen đã đảm nhận cuộc đấu tranh chống những trào lưu thù địch với chủ nghĩa Mác. Trong đó phải nói đến cuộc luận chiến chống Đuyrinh, trong các bài viết, Ăngghen đã phân tích những vấn đề quan trọng nhất của triết học, của khoa học tự nhiên và xã hội. Với nội dung khoa học sâu sắc, lý lẽ sắc bén, Ăngghen đã đập tan sự xuyên tạc của Đuyrinh, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác.

Nhưng khi C.Mác từ trần năm 1883, bộ Tư bản - công trình khoa học đồ sộ nhất của Mác cống hiến cho loài người mới xuất bản được cuốn I, còn cuốn II và cuốn III đang ở dưới dạng bản thảo. Mỗi bản thảo ấy có hàng ngàn trang với chi chít những dòng chữ rất khó đọc và rất nhiều những chú thích, ký hiệu cần trích dẫn nhưng chưa ghi rõ nguồn gốc. Ăngghen đã dừng những công trình khoa học của mình để dành thời gian hiệu đính hai bản thảo bộ Tư bản cho Mác. Sau 10 năm lao động miệt mài trong hoàn cảnh tuổi già và bệnh tật của Ăng ghen, bộ Tư bản của Mác đã được xuất bản trọn vẹn. Trong công trình đồ sộ ấy, Ăng ghen không chỉ hiệu đính, sửa chữa mà một số chương sau cùng là do ông viết.

Đánh giá công lao của Ph.Ăngghen đối với phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân thế giới, V.I. Lênin viết: "Sau bạn ông là Các Mác, Ăngghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh. Từ ngày mà vận mệnh đã gắn liền Các Mác với Ph. Ăngghen thì sự nghiệp suốt đời của hai người bạn ấy trở thành sự nghiệp chung của họ. Cho nên muốn hiểu Ph. Ăngghen đã làm gì cho giai cấp vô sản thì phải nhận rõ ý nghĩa của học thuyết và hoạt động của Mác đối với sự phát triển của phong trào công nhân hiện đại". Lênin khẳng định rằng: "Không thể nào hiểu được chủ nghĩa Mác và trình bày đầy đủ được chủ nghĩa Mác, nếu không chú ý đến toàn bộ những tác phẩm của Ăngghen

Chính Mác đã đánh giá Ph. Ăngghen là một trong những đại biểu xuất sắc nhất của chủ nghĩa xã hội hiện đại. Tên tuổi của Các Mác cùng với Ph. Ăngghen mãi mãi đi vào lịch sử nhân loại như những người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học, do đó có tác động to lớn và sâu rộng đối với nhân loại tiến bộ.

ĐẶNG ĐÌNH CHIẾN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vị lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản