Vết sẹo

30/04/2020 10:07

Nghĩ đến lúc được họp mặt đồng đội, những nếp nhăn trên trán ông Thật như giãn ra. Màu đỏ dịu hẳn đi nơi vết sẹo rúm ró. Ông tin là nước mình sẽ nhanh chóng chiến thắng dịch bệnh Covid-19.


Sau những ngày mưa phùn dầm dề, cái rét nàng Bân dùng dằng lướt qua, nắng đầu mùa hừng lên chiếu sáng cả khu vườn xanh mướt. Ông Thật dậy sớm hơn mọi ngày, vươn vai tập thể dục và ngắm bầu trời quang quẻ, hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành tinh khôi buổi sáng. Tiếng chim ríu rít gọi bầy trong những vòm lá khiến lòng ông cảm thấy khoan khoái, dễ chịu. Gần một tháng nay ông thực hiện nghiêm túc việc cách ly xã hội phòng chống dịch Covid-19 nên hầu như ông không ra khỏi cổng. Nhưng mai là ngày giỗ của ông Đoàn, ông Quân, họ là đồng hương, một thời là đồng đội, cùng đơn vị với ông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhất định ông phải ra nghĩa trang liệt sĩ để thắp mấy nén hương, mời họ chén rượu. Thấy ông cầm cái nạng gỗ ở góc nhà, chỉ khi ra đường ông mới dùng đến vì dạo này chân ông bị đau, bà Xoan ngạc nhiên hỏi chồng:

- Ông định đi đâu bây giờ? Ti vi và đài nói suốt mà ông không nghe à? Người già không nên ra ngoài đường lúc này, nguy hiểm lắm.

Ông bật cười, trấn an bà:

- Bà yên tâm! Ngày xưa bom rơi đạn nổ ngay trước mặt mà còn sống nhăn răng, giặc cũng chẳng quật được tôi nữa là…

Bà Xoan gắt lên:

- Ông đừng có chủ quan, chống dịch còn hơn chống giặc ấy chứ. Covid nó chẳng từ một ai đâu. Mình già rồi, có thân phải tự lo kẻo lại làm khổ con khổ cháu, khổ cả xã hội.

Nghe giọng bà có vẻ căng thẳng, ông xua tay:

- Thôi được rồi, tôi sẽ đeo hẳn hai cái khẩu trang cho bà yên tâm. Tôi chỉ ra nghĩa trang liệt sĩ của xã để thắp hương cho các ông ấy rồi tôi về ngay. Mai là ngày giỗ… - giọng ông bỗng chùng xuống - Năm nào anh em đồng ngũ cũng hẹn họp mặt vào dịp kỷ niệm ngày chiến thắng 30.4 rồi kéo nhau đến viếng mộ những người đã khuất nhưng năm nay dịch bệnh thế này thì không họp hành gì cả. Mình may mắn trở về thì phải nhớ đến người đã khuất chứ…

Bà Xoan thừ người ra rồi dặn với theo:

- Ông đi đứng cho cẩn thận, cầm thêm cái ô mà che đầu. Hôm nay trời nắng to đấy. Ông mà phơi cái mặt ra thì vết sẹo kia lại đỏ lựng lên, lại đau, lại ngứa, lại rát, lại khổ vợ khổ con - bà Xoan tuôn ra một tràng rồi tất tả chạy vào trong nhà lấy cái ô, xòe sẵn ra đưa cho ông Thật.

Nghe bà nhắc đến vết sẹo, ông đưa tay sờ lên má trái, cảm thấy má mình giật giật. Vết sẹo kéo dài từ gò má xuống đến cằm, như một con rết to nằm chình ình trên mặt, làm nửa khuôn mặt của ông biến dạng, rúm ró, nhìn khá dữ tợn. Bao nhiêu ông bố, bà mẹ ở xóm Đầu Cầu này đã từng lấy ông ra để dọa con, dọa cháu nếu nó lười ăn, quấy khóc hay nghịch ngợm. Ông không khác gì “ngáo ộp” trong suy nghĩ non nớt của đám trẻ con ở làng Thượng. Hễ ra đường là ông phải đội cái mũ lệch, che nửa khuôn mặt có vết sẹo, nếu để trẻ con nhìn thấy thì chúng sẽ hét rú lên rồi ù té chạy bán sống bán chết. Lúc đầu ông cũng chạnh lòng buồn, tủi thân nhưng dần dà quen dần với phản ứng của bọn trẻ. Sau này con trai ông trở thành bác sĩ, muốn đưa ông đi phẫu thuật thẩm mỹ để vết sẹo mờ đi hoặc có thể biến mất nhưng ông giãy nảy lên từ chối: “Thôi! Bố già rồi, cần gì đẹp mà phẫu thuật thẩm mỹ. Để nguyên vết sẹo này còn có cái mà dọa trẻ hư”. Trong thâm tâm, có lúc ông cũng cảm thấy tự hào về vết sẹo ấy. Nó là chứng tích của những năm tháng bi hùng, oanh liệt của đời người lính mà ông đã can dự, góp phần nhỏ bé của mình làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975.

Ngày ấy, cách đây gần nửa thế kỷ, ông Thật xung phong vào chiến trường miền Nam khi bà Xoan mới mang thai đứa con đầu lòng được năm tháng. Đêm trước ngày lên đường, ông dặn vợ: “Mình không được khóc, khóc là động thai, phải giữ gìn vì con mình ạ!”. Cả đêm hai người thao thức, tính chuyện đặt tên cho con. “Mình là Thật, đặt tên con là Thà, trai hay gái đều đặt như thế”. Vợ ông quyết định chắc nịch, ông cười khà khà: “Hay! Ý nghĩa lắm!”. Thế rồi hai vợ chồng chỉ biết nằm im, người này tưởng người kia ngủ nhưng kỳ thực thì cả hai đều giả vờ. Sáng hôm sau ông phát hiện một mảng gối của vợ ướt nước mắt. Những giọt nước mắt thầm lặng của đàn bà, của mẹ ông, của vợ ông cứ ám ảnh ông mãi. Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa, ranh giới sự sống và cái chết rất mong manh.

Cả xã có tám người cùng lên đường với ông Thật dịp ấy thì chỉ có ông và ông Đoàn, ông Quân là cùng đơn vị. Ba người trở thành chiến sĩ trong đại đoàn quân trùng điệp tiến về giải phóng miền Nam. Ông Thật nhớ nhất trận đánh ở cửa ô thành phố Sài Gòn. Địch chi viện rất nhiều hỏa lực. Trận đánh diễn ra ác liệt, kết thúc chiến thắng về phía ta nhưng thương vong quá lớn. Đơn vị ông có hơn ba chục tay súng thì hy sinh và bị thương gần hết. “Đoàn ơi! Quốc ơi! Anh em ơi” - tiếng gào của ông tắc nghẹn trong cổ họng. Đồng đội ngã xuống trước mắt ông mà ông chẳng thể có cách nào cứu được họ. Khói bom mù trời, ông Thật bị hất văng ngã sấp mặt xuống đất, má đập vào đá nhọn rách toạc, máu me be bét, chảy tràn cả vào mắt. Lúc ấy ông tưởng mắt mình vĩnh viễn không nhìn thấy ánh sáng. Ông được khiêng về lán dã chiến, được băng bó và khâu vết thương tại chỗ. Ông thoát được lưỡi hái tử thần nhưng cái cảm giác “khâu sống”, không thuốc tê đến giờ vẫn nhói lên trong lồng ngực của ông như hàng nghìn mũi kim châm vào người mỗi khi ông nhớ lại kỷ niệm đó. Mặc dù trước khi bước vào cuộc chiến ông và đồng đội đều xác định tinh thần không sợ chết, không sợ khổ, nhưng khi nhìn thấy đồng đội hy sinh, thân thể nát tan, ai cũng choáng váng, đau lòng. Những người sống sót cắn răng dặn lòng không được lung lay ý chí. Đến lúc nghe đài thông báo chúng ta giành được chính quyền, lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc dinh Độc Lập thì anh em ai nấy ôm nhau khóc, nhảy múa, reo hò. Tiếng cười hòa chung những giọt nước mắt vui sướng, mừng rỡ tột độ. Giây phút ấy qua đi, ông Thật lặng người nghĩ đến đồng đội hy sinh. Ngày trở về quê hương, ông chỉ mang theo được hai dúm đất. Ngôi mộ của ông Đoàn, ông Quốc trong nghĩa trang liệt sĩ, dưới dòng chữ Tổ quốc ghi công đỏ chói chỉ là hai ngôi mộ gió. Họ hy sinh khi mới ngoài hai mươi tuổi, để lại mẹ già, vợ trẻ, con thơ.

Bảy người trở về làng thì năm người mang thương tật, hai người bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam, người con nào sinh ra cũng bị dị tật. Ông Thật thấy mình vẫn còn may mắn khi sinh được mụn con gái lành lặn, khỏe mạnh sau ngày đất nước thống nhất. Ông đặt tên con là Thêm. Lúc nhỏ, cả Thà và Thêm đều không sợ hãi khi nhìn vết sẹo trên gương mặt ông. Thà tuyên bố: “Mai kia con sẽ làm bác sĩ để chỉnh lại vết khâu cho đẹp, khâu thế này xấu quá”. Ông gật gù: “Ừ! Cố lên con. Hồi ấy có người khâu cho là tốt rồi, xấu đẹp gì”. Thêm thì thỉnh thoảng lại sờ bàn tay bé xíu, mềm mại, mát rượi lên vết sẹo của ông và thì thầm: “Con thấy sẹo của bố giật giật, bố ạ!”. Ông xoa đầu con gái: “Sẹo đang xúc động vì được con quan tâm đấy”. Cô bé tròn mắt: “Thật thế hả bố?”. 

Sau này Thêm trở thành cô giáo dạy văn cấp hai, mỗi khi giảng truyện “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng là giọng cô lại lạc đi. Cô nghẹn ngào bật khóc trước cảnh đoàn tụ của hai cha con ông Sáu. Những giọt nước mắt không thể kìm được cứ tự nhiên tràn ra khiến học trò cũng khóc theo. Khi ông Thật được nhà trường mời đến nói chuyện trong buổi ngoại khóa giáo dục truyền thống thì học sinh mới biết lý do vì sao cô giáo
Thêm lại khóc nhiều thế khi dạy truyện “Chiếc lược ngà”. Có bạn học sinh thốt lên với ông Thật: “Ông ơi! Ông giống nhân vật ông Sáu quá”. Có bạn chạy theo ông thắc mắc: “Ông ơi! Ông có phải là một anh hùng không?”. Ông cười, vết sẹo giật giật, đỏ lên vì ông đang xúc động: “Không! Ông chỉ là một người lính bình thường thôi. Ông là thương binh các cháu ạ!”. Nhưng trong mắt các con ông, ông luôn là anh hùng…

Đang miên man suy nghĩ thì cổng nghĩa trang liệt sĩ của xã đã hiện ra trước mắt ông Thật. Hình như từ nhà đến đây ông không gặp ai. Đường làng vắng hoe bởi dịch bệnh khiến hầu hết mọi người ở yên trong nhà. Cây đại ở góc nghĩa trang nở hoa trắng muốt, thơm ngát. Trước mỗi bia mộ đều có một khóm hoa mười giờ hoặc hoa cúc, hoa huệ. Ông Thật run run bật lửa châm bó nhang, vái ba vái rồi cắm mỗi nén nhang lên từng ngôi mộ. Ông ngồi thật lâu bên mộ đồng đội, thì thầm: “Đoàn ơi! Quốc ơi! Về uống chén rượu nhân ngày lễ chiến thắng. Năm nay chỉ có mình tớ đến thăm các cậu được thôi. Năm sau nhất định sẽ họp mặt đông đủ”. Ông kể chuyện nhà, chuyện xóm, chuyện anh em đồng đội ngày xưa bây giờ ra sao. Ông không biết mình đã ngồi nói chuyện với người đã khuất bao lâu rồi cho đến khi vết sẹo bên má phải của ông bỗng giật giật khiến ông bừng tỉnh. Mặt trời đã lên cao, ánh nắng rực rỡ xuyên qua tán cây đại xanh thẫm. Ông bùi ngùi đứng dậy xòe ô che nắng rồi chống nạng ra về.

Thêm từ trong nhà chạy ra, sốt sắng:

- Con về chơi mà bố đi lâu thế? Mặt bố đỏ bừng lên rồi. Bố vào trong nhà để con quạt mát vết sẹo cho kẻo bố lại ngứa ngáy, khó chịu.

Ông Thật vịn vào cánh tay con gái, bước ba bậc thềm lên nhà, chép miệng:

- Chà! Cả năm mới có một ngày! Tiếc là lại hoãn vì dịch bệnh phức tạp.

Thêm hồ hởi:

- Con có cách rồi nhé. Con sẽ giúp bố và đồng đội của bố tổ chức cuộc họp trực tuyến. Bây giờ công nghệ hiện đại lắm bố ạ! Vừa trò chuyện, vừa nhìn thấy mặt nhau, dù ở cách xa nhau.
Ông Thật ngạc nhiên:

- Con nói thật không con? Đến tuổi bố như này chẳng cần cỗ bàn ăn nhậu, chỉ cần được nhìn thấy nhau, hỏi han nhau, biết nhau khỏe mạnh, bình an là mừng lắm rồi. Mọi việc bố giao hết cho con nhé.
Bà Xoan từ ngoài hiên nói vọng vào:

- Tiện hôm nay có con gái sang giúp, tôi sẽ dỡ mấy khóm sắn dây ngoài vườn. Sau này hết dịch, các ông họp mặt được thì biếu mỗi người một ít.

Nghĩ đến lúc được họp mặt đồng đội, những nếp nhăn trên trán ông Thật như giãn ra. Màu đỏ dịu hẳn đi nơi vết sẹo rúm ró. Ông tin là nước mình sẽ nhanh chóng chiến thắng dịch bệnh Covid-19. Những khi nhẹ lòng, thanh thản như lúc này, ông bỗng quên hết thương tật trên người. Vết sẹo kia chỉ còn là ký ức…

Truyện ngắn của ​TRẦN THỊ LÀNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vết sẹo