Người dân ở một số địa phương của tỉnh An Giang đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng nhiều loại cây khác, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Xã Bình Phước Xuân là một trong những nơi đi đầu trong việc chuyển đổi này, thậm chí đang phấn đấu “xóa bỏ 100% cây lúa”.
Đã có nhiều “cánh đồng chuyển đổi”
Dẫn chúng tôi đi thăm những “cánh đồng chuyển đổi”, ông Lê Quang Diễn- Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Phước Xuân (huyện Chợ Mới) hồ hởi: “Toàn xã giờ chỉ còn chưa tới 6ha đất trồng lúa. Chúng tôi quyết tâm chuyển hết sang trồng cây ăn trái và rau màu trong năm nay. Hiệu quả của việc chuyển đổi này là lợi nhuận trên cùng một diện tích đất tăng gấp 3-4 lần, nên nông dân rất mê”.
Ông Bảy Ghi bên vườn cam xoàn sum suê trái.
Là một trong những người đi đầu trong chuyển đổi, lão nông Nguyễn Phước Ghi ở ấp Bình Quới, xã Bình Phước Xuân cho biết: “Thật ra đất bãi bồi cù lao trồng lúa không bằng cây ăn trái đâu, nhưng vì thói quen và một phần cũng theo phong trào, nên nông dân mình cứ chăm chăm vào cây lúa. Chứ đất này trồng cây ăn trái rất ngon, dân cù lao miệt dưới như Chợ Lách (Bến Tre) cũng phải công nhận”. Giờ đây, ruộng lúa của nhà ông Ghi đã được thay bằng những vườn cây ăn quả sum suê trái. Cây gì cũng tốt tươi, trái trĩu cành quanh năm, từ cam sành, cam xoàn, bưởi da xanh cho đến xoài, mít, sơ ri…
Rau màu cũng cho hiệu quả không kém, theo ông Huỳnh Văn Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phước Xuân, tại thời điểm giữa năm 2012, nông dân của xã trồng 1 công (1.000m2) ngô thu trái non lợi nhuận trên 2,9 triệu đồng; khoai cao sản (3 vụ) thu bình quân trên 21,7 triệu đồng; ớt trên 35 triệu đồng, xoài cũng cho thu nhập cao. Theo tính toán của ông Cương, với diện tích rau màu hàng năm của xã trên 3.335ha, kể từ khi chuyển đổi không trồng lúa nữa, mỗi ha đạt thu nhập từ 120-150 triệu đồng. Riêng các loại trái cây như mít siêu sớm, xoài 3 màu, bưởi da xanh, mận… mỗi ha cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng.
Có một vấn đề đối với người dân ở những vùng chuyển đổi đất lúa hiện nay là để trồng được rau màu và các cây ăn trái, cần phải đầu tư nhiều hơn vào hạ tầng sản xuất. Được biết, đầu tư cơ sở hạ tầng lập vườn trồng xoài phải mất 17 triệu đồng/công, đó là chưa kể vốn mua cây giống và công chăm sóc chờ thu hoạch.
Tuy nhiên, theo ông Thái Văn Nhẩn (ấp Bình Trung), xoài đã có được thị trường ổn định, mấy năm nay giá bán trung bình được trên 25.000 đồng/kg, thời điểm cao nhất là trên 50.000 đồng/kg. Vì thế, cứ mạnh dạn bỏ trồng lúa, chuyển sang trồng xoài là có thu nhập cao hơn Phong trào chuyển đổi cây trồng ở Bình Phước Xuân đã và đang phát triển mạnh, những cơ sở bán giống và các vựa thu mua trái cây cũng hình thành tại chỗ, đáp ứng nhu cầu cung cấp cây trồng và tiêu thụ sản phẩm khi vào vụ thu hoạch. Chỉ tính riêng khâu tiêu thụ, 3 vựa lớn có khả năng mua 250 tấn/vựa, ngoài ra còn có hàng chục vựa loại vừa và nhỏ.
"Sau khi chuyển đổi đất lúa sang trồng rau màu và lập vườn cây ăn trái, giá trị sử dụng vòng quay của đất đã tăng lên 4,13 lần/năm, đảm bảo thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt trên 45 triệu đồng/người/năm”. Ông Huỳnh Văn Cường |
Ông Lê Quang Diễn cho biết, toàn xã hiện có 857ha rau màu các loại, 372ha vườn cây ăn trái và chỉ còn 6ha lúa. “Coi như diện tích lúa của xã hiện còn không đáng kể, khả năng vụ 3 tới đây cũng sẽ chuyển hết sang trồng rau màu và lên vườn cây ăn trái. Trong vòng năm 2013 này, Bình Phước Xuân có thể bỏ hết diện tích trồng lúa?trong chặng đường chuyển đổi cây trồng, tổ chức lại sản xuất ở địa phương”.
Từ những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả trên đất lúa ở địa phương, trong năm 2012, nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của T.Ư đã chi hơn 700 triệu đồng cho nông dân trong xã vay (lãi suất 9,6%/năm) để tiếp tục đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong năm 2013, hàng trăm nông dân trong các tổ hợp tác của xã tiếp tục được vay tín chấp theo Nghị định 41, mỗi hộ từ 30 - 50 triệu đồng để đầu tư cho mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Trọng Bình (Dân Việt)