Về quy trình kỹ thuật quan trắc khí thải

30/10/2015 21:04

Thời gian quan trắc: Mẫu được lấy vào thời điểm hoạt động sản xuất của cơ sở đạt tối thiểu 50% công suất thiết kế.


Cơ sở phải vận hành hoạt động ổn định trong suốt thời gian lấy mẫu. Tần suất quan trắc tối thiểu là 1 lần/3 tháng. Số lượng mẫu trong 1 lần quan trắc tối thiểu là 3 mẫu/1 lần.

Kế hoạch quan trắc khí thải bảo đảm bao gồm những nội dung: Danh sách nhân lực thực hiện quan trắc và phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ tham gia; danh sách các tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp thực hiện quan trắc môi trường (nếu có); danh mục trang, thiết bị, dụng cụ, hóa chất quan trắc tại hiện trường và phân tích trong phòng thí nghiệm; phương tiện, thiết bị bảo hộ, bảo đảm an toàn lao động cho hoạt động quan trắc môi trường; thông số, phương pháp quan trắc tại hiện trường, các loại mẫu cần lấy, thể tích mẫu, phương pháp bảo quản, vận chuyển và thời gian lưu mẫu; thông số, phương pháp phân tích trong phòng thí nghiệm; kinh phí thực hiện quan trắc môi trường; kế hoạch thực hiện bảo đảm chất lượng và kiểm soát chất lượng trong quan trắc môi trường.

Công tác chuẩn bị trước khi tiến hành quan trắc: Các thiết bị quan trắc phải được kiểm định, hiệu chuẩn, bảo dưỡng và kiểm tra, vệ sinh theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Căn cứ vào phương pháp quan trắc để chuẩn bị các ống impinger, chất hấp thụ, dụng cụ chứa mẫu khí phù hợp. Vật liệu lọc phải có giới hạn nhiệt độ lớn hơn nhiệt độ khí thải và phù hợp với thông số quan trắc. Chuẩn bị các thiết bị phụ trợ gồm thiết bị định vị vệ tinh (GPS), máy ảnh, máy bộ đàm, vi tính. Chuẩn bị dụng cụ bảo hộ lao động như quần áo, giầy, găng tay chuyên dụng (được làm bằng vật liệu chịu nhiệt và chống axit), mặt nạ hoặc khẩu trang phòng độc, đai bảo hiểm, mũ cứng, dụng cụ sơ cứu. Cần khảo sát thực địa tại ống khói và xác định vị trí quan trắc, chuẩn bị lỗ lấy mẫu, sàn công tác, các phương án nâng, hạ thiết bị, an toàn lao động, nguồn điện trước khi tiến hành quan trắc. Việc chuẩn bị lỗ lấy mẫu phải bảo đảm kích thước lỗ, vị trí phù hợp cho hoạt động lấy mẫu. Kiểm tra đầu lấy mẫu, kiểm tra các đầu của ống pitot để bảo đảm các lỗ không bị bụi bám bẩn gây sai số. Kiểm tra vật liệu lọc, ghi ký hiệu trước khi lắp vào thiết bị. Lắp ráp thiết bị lấy mẫu theo hướng dẫn của nhà sản xuất và kiểm tra độ kín của thiết bị. Cần bịt kín đầu lấy mẫu để bảo đảm không nhiễm bụi bẩn khi vận chuyển các thiết bị đến vị trí lấy mẫu.

(Theo Thông tư 40/2015/TT-BTNMT ngày 17-8-2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về quy trình kỹ thuật quan trắc khí thải