Với những người xa quê, thời khắc giao thừa sẽ lắng đọng hơn, sâu thẳm hơn. Và trong trái tim họ hai tiếng quê hương sẽ mãi thiêng liêng. Về quê ăn Tết luôn là đích đến của những người xa quê...
|
Phiên chợ quê chiều 30 Tết
|
Khi những bông hoa mai nở vàng đua sắc, những nụ đào chúm chím đón xuân, trong lòng mỗi người con xa quê lại thấy xốn xang muốn trở về cùng người thân sum họp, quây quần trong không khí đầm ấm của ngày Tết cổ truyền.
Là kỹ sư nuôi trồng thủy sản, công tác ở các tỉnh phía Nam nhưng năm nào anh Phan Trọng Thiết cũng đưa vợ con về ăn Tết cùng gia đình ở xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ). Với anh, về quê trong dịp Tết là để được gặp bạn bè, người thân mà ngày thường về không có dịp, nhưng hơn cả là được cảm nhận cái không khí Tết, tình cảm chân thành của người dân quê… Cùng chung niềm vui về quê đón Tết, chị Phùng Thị Vân, anh Phùng Văn Toản, chị Nguyễn Ngọc Xuyến đang học tập, lao động tại Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và những bạn sinh viên, người lao động về quê ăn Tết đều không dấu nổi cảm xúc khi gặp lại người thân, bạn bè, chứng kiến những đổi thay trên mảnh đất quê mình. Chị Xuyến cho biết: Đã mấy năm rồi tôi mới lại được về ăn Tết cùng cha mẹ, người thân, được đi chơi phiên chợ quê ngày 30 Tết, được thăm làng xóm, họ hàng và cùng chúc nhau những lời tốt đẹp nhất… Tất cả làm tôi sống lại với hồn quê mà ở xứ người không có. Sau mỗi lần như thế, tôi như được tiếp thêm sức mạnh, ý chí phấn đấu cho một năm mới.
Là một người xa quê, hằng năm đều có dịp về đón Tết cùng người thân, vậy mà mỗi lần về tôi vẫn thấy bâng khuâng, một cảm xúc khó diễn tả bằng lời. Ở quê, không khí Tết chỉ thực sự bắt đầu từ ngày 27 tháng chạp, khi mọi người cùng gác việc nhà nông, chuẩn bị cho nồi bánh chưng, mua sắm, trang trí nhà cửa, đường làng ngõ xóm sạch đẹp. Thực phẩm chuẩn bị cho ngày Tết được chuẩn bị chu đáo từ trước, thường thì nhà ai cũng nuôi sẵn đàn gà, còn thịt lợn thì 3 hoặc 4 nhà chung nhau 1 con, ngả ra xay giò, làm chả. Bánh chưng quê tôi cũng được gói bằng lá chuối tây, khuôn lá dừa, những nguyên liệu từ cây nhà lá vườn, ấy vậy mà bánh xanh và thơm lắm. Sang ngày 30 thì không khí Tết đã ngập tràn, tưng bừng khắp thôn xóm. Người ta hỏi nhau “Tết năm nay bác ăn to không”, rồi mời nhau đến nhà uống chén rượu mừng xuân. Trên ban thờ gia tiên, những mâm quả, bánh chưng, cây nêudie, câu đối và mâm cơm cúng gia tiên đã được bày thịnh soạn. Người đi xa cũng đã về đầy đủ, cùng người thân ngồi quây quần, đầm ấm bên mâm cơm tất niên, cái rét cuối đông cũng như được xua tan. Họ kể cho nhau những chuyện đã qua trong năm, chúc nhau những điều tốt đẹp sang năm mới. Và thiêng liêng hơn cả là thời khắc chuyển giao giữa năm mới, năm cũ. Tiếng chuông chùa ngân vang, báo hiệu một năm mới đã đến, lòng người tạm gác xuống những lo toan, phiền muộn của cuộc sống để tận hưởng cái không khí ấm cúng của gia đình. Với những người xa quê, thời khắc ấy sẽ đọng lại, sâu thẳm trong trái tim, để dù đi đến đâu, dù cuộc sống còn bộn bề khó khăn đến đâu thì hai tiếng quê hương sẽ mãi thiêng liêng và về quê ăn Tết vẫn luôn bồi hồi, ấm áp, xúc động.
VĂN HÀ