Sống với con cháu lâu ngày ở Hà Nội, ông bà Phạm vẫn có một căn nhà khá khang trang ở quê. Lá rụng về cội, đã ngoại "cổ lai hy", Tết ấy, ông bà quyết định cho cả nhà về làng ăn Tết. Người già thì vui với họ hàng, làng mạc; còn con trẻ thì thật sự háo hức với Tết quê. Chúng vẫn xem trên ti vi, sách báo những hình ảnh về Tết ở làng quê có nhiều điều hay lắm, lạ lắm; nhưng chưa lần nào được "xem tận mắt, bắt tận tay"...
Thế rồi trước Tết ba ngày, bầu đoàn thê tử kéo nhau về làng. Nhiều bà con trong xóm hỏi:
- Ông bà về thăm Tết sớm thế?
- Chúng tôi không chỉ thăm mà về ăn Tết với các cụ đấy! - ông Phạm cười đáp.
- Thật thế thì vui quá! Đã lâu lắm ông bà mới về ăn Tết đấy nhỉ? Còn các cháu có ở lại không?
- Có chứ ạ! Để các cháu còn biết phong tục Tết ở làng quê mình thế nào chứ!
- Ông nghĩ sâu xa thật đấy! - có người khen.
Những ngày áp Tết, không khí sắm sửa rậm rịch cả làng. Nhiều nhà sơn quét lại tường, chỉnh trang cửa ngõ, riêng chuyện ấy bọn trẻ cũng thấy khác khi chúng ở nhà chung cư.
- Đón năm mới là phải tẩy sạch những cái gì bụi bặm đi - ông Phạm nói khi chúng thấy ông lau rửa cái cửa ra vào - Nhà có sạch sẽ, đẹp đẽ mới đón được nhiều lộc về.
- Lộc là gì, hả ông? - một đứa hỏi.
- Là những điều tốt lành.
- Như lì xì ở thành phố hả ông?
- Cũng giống như thế đấy...
Sang đến ngày ba mươi Tết, từ sáng sớm đã có tiếng lợn kêu "eng éc" ở nhà bên. Bọn trẻ lại hỏi: "Máy gì kêu thế ạ?". Ông Phạm phì cười: "Không phải máy đâu, đấy là con lợn nó kêu". Chỉ một giờ sau, bọn trẻ đã thấy nhiều người vây quanh góc sân nhà hàng xóm nhận phần thịt được chia. Đứa nào cũng tranh nhau xách phần của nhà mình mang về cho bà làm nhân gói bánh chưng. Có đứa lại hỏi: "Sao mua thịt mà không phải trả tiền ạ?". Ông Phạm nói để bọn trẻ biết đấy là tục đụng thịt lợn. Mỗi năm cứ đến gần Tết là những nhà trong xóm lại rủ nhau chăm vỗ hoặc chọn mua một con lợn lớn, béo tốt để đánh đụng. Bây giờ chăn nuôi lợn tạ là thường, thịt ngoài chợ, siêu thị ê hề, nhưng ai cũng muốn đụng lợn, vừa có thịt tươi, thịt nóng lại đủ mọi miếng từ sỏ đến chân, tiết canh lòng lợn. Thích nhất là cả xóm mỗi người một tay một chân làm ra sản phẩm vừa rẻ lại vừa vui mà thấy gần gũi nhau hơn...
Quay ra khỏi đám đụng lợn, lũ trẻ xúm vào cùng ông dựng một cây tre dài thẳng còn cả mấy cành trên ngọn buộc mấy dải vải màu xanh đỏ tím vàng thật bắt mắt, liền đó là lá cờ đỏ sao vàng. Sau tiếng reo hò, cây tre được định vị cạnh sân trước nhà. Ông bảo đó là tục dựng cây nêu để báo cho mọi người, nhất là những người từ xa nhìn về biết Tết đã đến. Nhìn cây nêu cờ bay phần phật, bọn trẻ thích thú lắm. Khi chúng quay ra thì lại thấy ông bê một bao gì như bột ra cạnh bờ cái ao nhỏ gần cổng. "Ông cho cá ăn à?" - một đứa hỏi. Ông Phạm lại bật cười: "Đây là vôi bột, cá không ăn được". Nói rồi, ông vừa rắc những nắm vôi trắng ra ngõ, vừa nói cho các cháu biết ý nghĩa của tục này. Người xưa quan niệm, những ngày đầu năm có nhiều quỷ đói, quỷ sứ vào nhà ăn cướp hoặc làm những điều không tốt. Vì thế phải rắc vôi này để đánh dấu, ngăn không cho chúng vào nhà. Nói là thế, nhưng có ai nhìn thấy quỷ sứ đâu, chỉ không cẩn thận thì bọn xấu lợi dụng vui Tết mà trộm cắp...
Trở lại một góc sân, bà Phạm và mấy người đang gói bánh chưng. Những tàu lá dong xanh trải ra, những hạt nếp cái hoa vàng nghe đâu bạn của bà ở tận Kinh Môn gửi cho vừa trắng vừa thơm là lớp bọc ngoài; sau đó là nhân bánh đặt giữa gồm đậu xanh, thịt mông sấn từ con lợn vừa mổ, rồi hạt tiêu thơm hắc... Chẳng cần khuôn, bà chỉ gói vo bằng đôi tay khéo léo, loáng cái đã xong một tấm bánh chưng vuông vắn, đẹp đẽ. Khi đã gói đủ một nồi luộc, bà lại dành thời gian dạy các cháu tập gói. Bọn trẻ rất hào hứng làm theo. Có đứa gói khá nhanh, khá đẹp; nhưng cũng có cháu lúng túng, gạo bung cả ra ngoài. Dù thế nào thì bà cũng hứa sẽ thưởng mỗi cháu một chiếc bánh nhỏ xinh...
Thế là chỉ một sáng ba mươi Tết, bọn trẻ đã được xem tận mắt, bắt tận tay mấy phong tục Tết chính ở làng quê. Chúng càng thấy yêu quý cái nơi ông bà mình đã sống. Một đứa liền hô lên: "Tết sau lại về ông bà nhé!". Cả bọn reo lên hưởng ứng.
NGUYỄN THẾ TRƯỜNG