Vừa xem kết quả thi xong, tôi mừng quá, vội vã đạp xe về khoe với bố mẹ. Chả là bố tôi bảo: “Con gái bố cố gắng thi đỗ với điểm cao, hè này bố mẹ sẽ cho con về quê xả hơi cả tháng”. Tôi háo hức, vùi đầu vào ôn tập để giành được số điểm thật cao trong kỳ thi vào THPT. Điều đó giờ đây đã trở thành sự thật, tôi đậu á khoa khiến bố mẹ rất tự hào.
Mẹ chuẩn bị cho tôi bao nhiêu là quà bánh, quần áo để tôi mang về biếu ông bà nội và bọn trẻ ở quê. Đạp xe hơn chục cây số là tôi đã thoát ra khỏi cảnh phố phường tấp nập, bụi bặm, ồn ào. Không khí ở quê thật dễ chịu. Tôi cứ đạp xe chầm chậm trên đường đê, gió từ sông phả vào mặt mát rượi. Cây đa cổ thụ đầu làng sum suê cành lá như vẫy gọi, như mời chào. Bà nội tôi vẫn thường nhắc: “Cây đa ấy có từ lâu lắm rồi, từ đời cụ, đời kỵ của bà cơ. Bị sét đánh mấy lần mà cây đa vẫn sừng sững, thiêng lắm con à”. Lần nào về quê, tôi cũng ghé gốc đa ngồi nghỉ, hít hà hương vị đồng quê, cảm giác thư thái hơn bao giờ hết.
Nội đưa tôi đi khắp xóm để khoe thành tích mà tôi vừa đạt được. Người lớn thì xuýt xoa, trẻ con thì nhìn tôi với ánh mắt ngưỡng mộ. Nội đãi tôi bằng một nồi cá rô đồng om trấu, thơm nhừ. Tôi sung sướng được thưởng thức những món “đặc sản” chỉ ở nhà quê mới dễ kiếm.
Sang ngày thứ hai, tôi theo đám bạn ở quê ra đồng bắt cua, tát cá, quên luôn lời mẹ dặn: “Không được đi bêu nắng, con gái mà không giữ da là đen nhẻm cho mà xem”. Nội thì có quan điểm khác mẹ tôi: “Phải lao động cho dạn dày con ạ, ở trong nhà nhiều cứ xanh bủng xanh beo”. Suốt buổi lẽo đẽo đeo giỏ theo sự chỉ huy của cu Tình, tôi chẳng bắt được con nào. Tình khéo léo lắm, nó phát hiện những hang có cua, thò cái móc vào moi cua ra, con cua vẫn còn nguyên càng, bò lổm ngổm. Nó dạy tôi cách phân biệt hang cua với hang rắn nhưng có mỗi việc móc cua ra khỏi hang mà tôi làm mãi không được, con nào cũng bị gẫy hết chân, thật thảm hại. Tình kết luận: “Cậu sinh ra không phải để móc cua hay mò ốc đâu”. Phát hiện một đoạn mương có nhiều cá, Tình bảo bọn tôi be bờ, quây lại. Nó lấy chậu tát nước nhanh thoăn thoắt, chẳng mấy chốc nước rút dần. Cả đàn cá rô, cá diếc lạch xạch khiến cả bọn reo hò sung sướng. Tôi cũng hồ hởi xắn quần quá đầu gối để bắt cá. Tình bắt được năm con, may ra tôi mới vồ được một con. Bị vây cá rô đâm chảy máu tay, tôi kêu thét: “Á, đau quá, đau quá”. Tình bật cười: “Cậu chỉ gắp cá trong nồi là giỏi thôi. Nhìn này!”. Hai tay Tình giơ lên hai con cá rô phi thật to, nụ cười dính đầy bùn đất. Tôi dỗi: “Ai chả biết cậu là dân cua ốc”. Không ngờ câu nói vô tình của tôi khiến Tình im lặng, từ đó cậu ta không nói gì với tôi nữa.
Tôi thắc mắc với nội: “Bà ơi! Sao bạn Tình bắt cua, bắt cá giỏi thế?”. Nội vừa thủng thỉnh nhai trầu, vừa kể: “Nhà nó nghèo lắm, bố thì bệnh nặng, các em lít nhít, mẹ con nó chỉ kiếm ăn bằng nghề mò cua bắt ốc thôi. Tội cho thằng bé, suốt ngày lăn lộn ngoài đồng, ngoài mương, còn thời gian đâu mà học. Nó vừa thi trượt vào cấp ba đấy. Nó thèm đi học lắm, không biết rồi sẽ ra sao”.
Những ngày sau đó, tôi vẫn lẽo đẽo theo Tình và đám bạn ở quê ra đồng. Đôi lúc thấy Tình vui, tôi gợi chuyện: “Cậu vẫn có thể học tiếp được mà”. Mắt Tình sáng hẳn lên: “Thật không?”. Tôi quả quyết: “Được mà! Học bổ túc, hay là học trường nghề”. Đột nhiên, Tình thở dài như ông cụ non: “Nhưng phải hỏi mẹ mình đã, sợ tốn kém”. Tôi động viên Tình: “Phải học nữa chứ, cậu định mò cua bắt ốc cả đời hay sao? Bắt mãi thì cua cũng hết, ốc cũng hết”. Tình ngồi thừ mặt, không nói.
Một tháng trôi qua thật nhanh, tôi xin phép nội trở về thành phố. Tình cũng kịp chạy sang tiễn tôi. Cậu đem cho tôi rất nhiều quà quê: nào ổi, nào khế, nào doi… Tình vui mừng thông báo: “Mẹ đồng ý cho mình học tiếp rồi. Không hiểu sao mẹ mình đã suy nghĩ lại”. Tôi cũng thầm mừng trong bụng, ít nhất thì chuyến về quê lần này tôi đã làm được một việc có ý nghĩa. Chính tôi đã thuyết phục mẹ Tình để Tình được đi học tiếp. Điều ấy là một bí mật mà tôi chưa muốn kể cho Tình biết.
VŨ THỊ THANH ANH(Lớp 6B, Trường THCS Nam Hồng, Nam Sách)