Về những mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020

26/10/2010 05:00

Tôi đề nghị mục tiêu tổng quát đã ghi trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 cần được cụ thể hóa rõ ràng hơn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

Sau khi nghiên cứu dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, tôi xin góp ý một số vấn đề sau:

Về mục tiêu tổng quát: Mục tiêu tổng quát đã ghi trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 là: "Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, đồng thuận, dân chủ, kỷ cương; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau". Khái niệm "nước công nghiệp" đã được đề cập đến như là mục tiêu chiến lược về phát triển của đất nước ta từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, thứ IX và thứ X; từ sau Đại hội X có bổ sung thêm cụm từ "theo hướng hiện đại", nhưng cho tới nay trên phạm vi toàn quốc chưa có một nghiên cứu cụ thể về vấn đề này. Như thế nào là một "nước công nghiệp", như thế nào là một "nước công nghiệp theo hướng hiện đại" và thế nào là “cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Trong dự thảo chiến lược kỳ này có ghi những mục tiêu chủ yếu, cụ thể của Chiến lược; đó phải chăng là hình ảnh, những đặc trưng chủ yếu của nước công nghiệp theo hướng hiện đại mà Việt Nam phấn đấu. Vì vậy, đề nghị mục tiêu tổng quát này cần được cụ thể hóa rõ ràng hơn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

Mục tiêu "Chính trị xã hội ổn định, đồng thuận, dân chủ, kỷ cương" là khá mới so với các mục tiêu của các Chiến lược lần trước cũng cần được cụ thể hóa rõ ràng hơn trong tổ chức thực hiện và trong đánh giá kết quả thực hiện hằng năm, 5 năm và 10 năm. Việc xây dựng một xã hội vừa bảo đảm dân chủ, vừa bảo đảm kỷ cương là mục tiêu tốt đẹp mà xã hội ta cần vươn tới.

Tôi nhất trí với mục tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, mà dự thảo Chiến lược nêu ra. Tuy nhiên, trong đó có một số khái niệm khá mới như: "tái cấu trúc nền kinh tế", "cơ cấu lại các ngành sản xuất dịch vụ", "cơ cấu lại doanh nghiệp"... Nội hàm của những khái niệm mới này thế nào, cần được thực hiện theo định hướng nào? Đề nghị cần sớm thống nhất để tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện. Về các mục tiêu cụ thể, dự thảo chiến lược nêu ra với khối lượng lớn các chỉ tiêu (khoảng 40); riêng các mục tiêu được lượng hóa thành các chỉ tiêu thống kê là 25, trong đó 19 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội và 6 chỉ tiêu về môi trường. Chúng tôi cơ bản nhất trí với hầu hết các chỉ tiêu đó. Tuy nhiên cũng đề nghị xem xét thêm một số chỉ tiêu sau:

+ Về chỉ tiêu Chỉ số phát triển con người (HDI), dự thảo Chiến lược xây dựng mục tiêu nước ta "đạt nhóm trung bình cao của thế giới". Như chúng ta đã biết, 10 năm qua mặc dù HDI của Việt Nam tiếp tục được nâng lên, năm 2000 là 0,688, năm 2007 là 0,725 nhưng vị trí (thứ hạng) của Việt Nam so với các nước trên thế giới hầu như không được cải thiện. Năm 2000 Việt Nam xếp thứ 109/177 nước, cao hơn In-đô-nê-xi-a (110/177), nhưng năm 2007 Việt Nam xếp thứ 116/182 nước, ở vị trí thấp hơn In-đô-nê-xi-a (111/182). Nguyên nhân chính vẫn là chỉ số về thu nhập của ta còn thấp. Vì vậy, nếu không có sự phát triển mạnh hơn nữa thì vị trí của Việt Nam về HDI trên thế giới rất khó được cải thiện. Với vị trí như trên, theo tôi, hiện nay Việt Nam đang còn thuộc nhóm các nước có HDI trung bình thấp; chúng ta phấn đấu để đạt và giữ được ở mức các nước trung bình đã là thành công (xếp hạng trong khoảng từ 90-110). Trước hết, trong khu vực Đông Nam Á phải giữ được vị trí hiện nay là xếp trên các nước Lào, Cam-pu-chia, My-an-ma, Đông Ti-mo và phấn đấu vượt In-đô-nê-xi-a (vị trí nước ta đã có được từ năm 2000), kịp Phi-líp-pin, hướng tới ngang bằng Thái Lan (In-đô-nê-xi-a thứ 111, Phi-líp-pin thứ 105 và Thái Lan 87).

+ Về chỉ tiêu tỷ lệ lao động được đào tạo, dự thảo Chiến lược lần này đưa ra 2 khái niệm: Lao động qua đào tạo (đạt trên 70%) và lao động qua đào tạo nghề (đạt 55%). Cho đến nay ta mới chỉ sử dụng một khái niệm là lao động qua đào tạo mà còn thiếu thống nhất, việc thống kê phản ánh chất lượng còn hạn chế. Đề nghị khi triển khai tổ chức thực hiện phải thống nhất cao về nội dung này.

+ Về mục tiêu thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các vùng và nhóm dân cư. Thực tế trong 10 năm qua (2001-2010), chênh lệch thu nhập giữa các nhóm dân cư, giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi và đồng bằng, giữa nhóm người giàu và nhóm người nghèo trong xã hội nhìn chung không được thu hẹp mà có xu hướng gia tăng. Với cơ chế thị trường hiện nay, sự phân hóa giàu nghèo sẽ còn tiếp tục diễn ra là điều khó tránh được. Vì vậy, việc xây dựng mục tiêu và tìm giải pháp để giảm bớt được sự gia tăng cách biệt ngày càng lớn đó là rất cần thiết và đã là thành công; thu hẹp khoảng cách, thu hẹp giàu nghèo là điều khó bảo đảm tính khả thi.

ĐÀO XUÂN THẾ
(Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh)

(0) Bình luận
Về những mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020