Về Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

30/11/2010 20:11

Hỏi: Tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có quyền và nghĩa vụ gì?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 33 của luật thì tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có các quyền và nghĩa vụ sau đây:


1. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài;

2. Trực tiếp tổ chức đưa đi, quản lý người lao động làm việc ở nước ngoài;

3. Ký kết và thanh lý hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với người lao động. Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có nội dung phù hợp với quy định tại khoản 3 điều 17 của luật này;

4. Bảo đảm quyền lợi của người lao động, giải quyết các vấn đề phát sinh theo hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

5. Bảo đảm điều kiện lao động, điều kiện sinh hoạt, bảo hiểm xã hội theo quy định pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc và pháp luật Việt Nam;

6. Bảo đảm để người lao động được kiểm tra sức khỏe định kỳ và khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn. Trường hợp người lao động không còn khả năng tiếp tục làm việc ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải tổ chức và chịu chi phí đưa người lao động về nước;

7. Tổ chức đưa di hài hoặc thi hài người lao động chết trong thời gian làm việc ở nước ngoài về nước và chịu mọi chi phí liên quan; thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp khác theo pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc và quy định của pháp luật Việt Nam;
8. Báo cáo và phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài quản lý và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài;

9. Định kỳ hằng năm, đột xuất báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Hỏi: Điều kiện đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề được quy định như thế nào?

Trả lời: Điều 34 luật quy định: Doanh nghiệp được đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Có hợp đồng với cơ sở thực tập ở nước ngoài để đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề (sau đây gọi là hợp đồng nhận lao động thực tập) quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều 35 của luật này và đã được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

2. Có hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề (sau đây gọi là hợp đồng đưa người lao động đi thực tập) quy định tại khoản 3 điều 35 của luật này; người lao động được doanh nghiệp đưa đi thực tập nâng cao tay nghề phải có hợp đồng lao động với doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động;

3. Ngành, nghề người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề phải phù hợp với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

4. Có tiền ký quỹ thực hiện hợp đồng nhận lao động thực tập theo quy định của Chính phủ.

    (Còn nữa)

Xem từ số báo ra ngày 24-11-2010


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài