Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng với diện tích gần 413.512 ha, gồm hai vùng lõi là vườn quốc gia Kon Ka Kinh và khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.
Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng với diện tích gần 413.512 ha
Nơi đây có hệ sinh thái rừng kín còn tương đối nguyên vẹn, có tính đa dạng sinh học cao đặc trưng cho hệ sinh thái rừng, hệ thực vật rừng và hệ động vật rừng của khu vực Tây Nguyên.
Khu bảo tồn có 863 loài thực vật thuộc 547 chi, 160 họ. Theo Sách đỏ Việt Nam năm 2007, có 22 loài cây ở khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng được đề cập tới, chiếm 2,55% tổng số loài của hệ thực vật khu vực và 5,13% số loài thực vật bậc cao có mạch thuộc Sách đỏ Việt Nam.
Hệ động thực vật phong phú
Động vật hoang dã có xương sống (thú, chim lưỡng cư và bò sát) có 380 loài, gồm: 80 loài thú, 228 loài chim, 38 loài bò sát... 64 loài động vật hoang dã có xương sống nằm trong danh mục các loài cần được ưu tiên bảo tồn cấp quốc gia và quốc tế.
Riêng trong khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng có 12 thác nước cao trên 15 m nằm giữa rừng nguyên sinh, như thác Kpung nguyên sơ. Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng cũng là địa điểm du lịch được nhiều người yêu thích.
Thác K50 (hay còn gọi là Hang Én) - nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Thác K50 có độ cao hơn 50 m, được đánh giá là một trong những thác nước đẹp nhất Tây Nguyên, phía sau dòng thác là một hang đá lớn vốn là nơi trú ngụ của hàng ngàn con chim én rừng.
Tại vùng đệm của cao nguyên Kon Hà Nừng, có nhiều cộng đồng người dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là người Bahnar, Jrai. Đây là những cộng đồng có nền văn hóa đặc sắc, đời sống của họ gắn với không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể.
Thác Kpung, 1 trong 12 thác nước cao trên 15 m nằm giữa rừng nguyên sinh
Các khu dự trữ sinh quyển sẽ là phòng thí nghiệm sống cho việc nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và giám sát các hệ sinh thái, đem lại lợi ích cho cộng đồng cư dân địa phương, quốc gia và quốc tế.
Việc UNESCO công nhận các khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những giá trị về đa dạng sinh học cũng như nỗ lực bảo tồn thiên nhiên, phát triển bền vững của Việt Nam. Đây cũng là cơ hội góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa của Việt Nam đối với thế giới.
Ông Trịnh Viết Ty, Giám đốc Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng cho biết tất cả 5 thôn làng vùng đệm đều được nhận khoán bảo vệ rừng. Ngoài việc tuần tra kiểm soát, lực lượng bảo vệ rừng sử dụng flycam, các phần mềm tích hợp trong điện thoại di động để trang bị, tập huấn cho lực lượng chuyên trách công tác quản lý bảo vệ rừng hiệu quả hơn.
HẢI ĐĂNG