Đời sống văn hóa

Vẻ đẹp của thạp gốm hoa nâu Hiệp An

THANH HÀ 30/12/2023 15:30

Có niên đại từ thời nhà Trần, thạp (chum) gốm hoa nâu Hiệp An là tác phẩm quý hiếm, đang được UBND tỉnh Hải Dương đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.

z5013146362507_3e1ec989388aedfbe83a975e8f4b36ad.jpg
Thạp gốm hoa nâu Hiệp An là tác phẩm quý hiếm

Kỹ thuật chế tác đỉnh cao

Thạp gốm hoa nâu Hiệp An còn khá nguyên vẹn, đường nét hoa văn khỏe khoắn, được tạo hình và trang trí độc đáo. Đây là di vật hiếm gặp, có giá trị tiêu biểu nhất của loại hình đồ gốm hoa nâu thời Trần.

Thạp tương đối lớn, được làm bằng đất sét trắng, gờ miệng hơi loe, cổ thấp, vai phình, thân cong, thuôn dần xuống đáy, đáy bằng. Vai có 4 quai nhỏ, cong ngang, gắn đối xứng nhau. Để làm ra sản phẩm, thợ gốm phải tạo hình dáng của thạp bằng cách chuốt gốm trên bàn xoay, tạo 4 băng hoa văn, mỗi băng dùng phương pháp đắp nổi và lối khắc tay. Thạp được quét men vàng ngà, men nâu được tô điểm ở các đường kẻ phân chia băng hoa văn, các nét khắc hoa văn, từ đó làm nổi bật hoa văn màu nâu trên nền men vàng ngà, tạo hiệu ứng phối màu đặc sắc.

z5013146358241_43556f7bc6025e7e0603d371d1ece64d.jpg
Cánh sen đắp nổi trên miệng thạp

Đặc trưng tiêu biểu nhất giúp nhận diện giá trị của thạp gốm là hoa văn trang trí. Từ trên xuống dưới, thân thạp phân chia thành 4 băng hoa văn trang trí khác nhau, được ngăn cách bởi 6 đường chỉ, khắc chìm tô màu nâu, có hoa văn chính, hoa văn phụ.

Băng hoa văn đầu tiên, giáp với miệng thạp được đắp nổi băng cánh sen kép, cánh to xen kẽ cánh nhỏ, đầu cánh cong, nhọn. Diềm cánh hoa sen đắp nổi, khỏe gợn cong lên ở mũi. Dưới băng cánh sen là đường chỉ kép khắc chìm, tô nâu, có gắn 4 quai tạo hình chữ C nằm ngang.

z5013146354250_b82a7709ec2068b75f7170408d3cea6b.jpg
Miệng thạp gốm hoa nâu Hiệp An

Băng hoa văn thứ hai khắc các văn mây hình khánh, có đuôi dài nằm ngang, bay theo chiều kim đồng hồ, được khắc chìm và tô màu nâu thẫm. Thủ pháp này có nhiều điểm tương đồng như đuôi phượng, bờm rồng trong nghệ thuật đất nung thời Trần. Ở góc nhìn khác, gợi hình tiên nữ đang bay.

Băng hoa văn chủ đạo nằm chính giữa thân thạp, có kích thước lớn nhất, với 4 khóm sen lớn. Hoa sen với các cánh cách điệu, đăng đối nhau, lá sen cái nhìn nghiêng, cái nhìn chính diện. Vì không gò bó theo khuôn mẫu nên những bông sen được mô tả ở trạng thái mãn khai rất sinh động. Nét vẽ khi thì nhấn mạnh tạo một mảng đậm cho một cánh sen, lúc lại nâng cao, lướt nhẹ mô tả một chi tiết của cuống hoa hay lá sen.

Băng hoa văn dưới cùng thể hiện hoa văn sóng nước. Dưới cùng là lớp sóng nhỏ, uốn lượn đều đặn, mỗi đợt sóng khá tự do nhưng vẫn tôn trọng quy luật diễn đạt hoa văn sóng nước khiến cho bức tranh được mô tả trên chiếc thạp gốm trở nên sinh động, có hồn.

z5013146343797_ea7b80669a2a7a4730e55a21ccc32357.jpg
Hoa văn vân mây hình khánh

Tác phẩm là sự kết hợp tài tình giữa nghệ thuật điêu khắc và hội họa. Quy trình khắc, cạo, tô men có nét tương đồng kỹ thuật vẽ tranh sơn mài ngày nay. Qua quá trình "diêu biến", gốm hoa nâu Hiệp An tạo nên hiệu quả thẩm mỹ rất tinh tế và ấn tượng.

Hiện vật quý

Thạp gốm hoa nâu Hiệp An được phát hiện trong quá trình nhân dân đào huyệt tại nghĩa trang xã Hiệp An, huyện Kim Môn (nay là thị xã Kinh Môn) vào ngày 6/12/1981. Do không biết và không có chuyên môn về khai quật khảo cổ học nên chiếc thạp đã bị vỡ mất 3 quai, sứt nhỏ ở miệng, đầu cánh sen và tróc một số mảng men. Tuy vậy, đây vẫn là chiếc thạp còn khá nguyên vẹn, nguyên bản về cấu trúc, hình dáng và hoa văn trang trí.

z5013146349668_56c22a2739bf02e7c43a7d89cc764d95.jpg
Hoa sen trang trí trên thạp

Căn cứ vào hình dáng, chất liệu, màu men, kỹ thuật sản xuất và nung đốt cũng như các họa tiết hoa văn trang trí trên thạp, so sánh với hệ thống di vật tương đương và nghệ thuật điêu khắc trang trí cùng thời, căn cứ vào 2 chiếc đĩa men ngọc được tìm thấy trong chiếc thạp, các chuyên gia xác định, thạp gốm hoa nâu Hiệp An là hiện vật gốc có niên đại thời Trần (thế kỷ XIII - XIV).

Căn cứ vào cấu trúc, hình dáng, kích thước, màu men và hoa văn trang trí được tạo tác hết sức tỷ mỷ, tinh tế, các nhà nghiên cứu bước đầu đưa ra nhận định, thạp gốm hoa nâu Hiệp An có thể là đồ dùng của tầng lớp quý tộc, dùng trong hoạt động tôn giáo hoặc cung đình...

z5013146370730_571eb683284193af9a550716f11b3e17.jpg
Hoa văn sóng nước trên thạp

Có thể nói, thạp gốm hoa nâu Hiệp An là biểu tượng cho sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật gốm sứ thời Trần, phản ánh một phần giá trị tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng, trình độ thẩm mỹ của thời đại. Thạp còn cho thấy được những nét văn hóa trong đời sống sinh hoạt cũng như tính hữu dụng trong quá trình tồn tại của di vật. Với giá trị về lịch sử văn hóa, kỹ - mỹ - thuật độc đáo, thạp gốm hoa nâu Hiệp An là vật chứng tiêu biểu, tạo nên truyền thống riêng biệt của nghề gốm truyền thống Việt Nam ở thế kỷ XIII – XIV.

THANH HÀ
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vẻ đẹp của thạp gốm hoa nâu Hiệp An