Điều tôi quan tâm là có hay không cuộc "bàn giao" giữa thế hệ nhà thơ chống Mỹ và thế hệ tiếp sau đó và nếu có thì nó diễn ra như thế nào.
Triển lãm thơ của lớp nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ tại
Ngày Thơ Việt Nam năm 2014. Ảnh: TTXVN
Năm 1975, đất nước đã thống nhất, nhiệm vụ lịch sử trọng đại nhất của dân tộc ta đã hoàn thành. Và như thế, cùng với cả dân tộc, các nhà thơ thế hệ chống Mỹ về cơ bản, cũng đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang nhất của mình với tư cách là các nhà thơ - chiến sĩ, dù các nhà thơ có trực tiếp cầm súng ra trận hay không. Tất nhiên, nhiệm vụ này vẫn được tiếp tục và những thành tựu nghệ thuật của thế hệ này, vẫn được phát huy, không ít người trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, nhưng thành tựu cao nhất của cuộc đời nghệ thuật của mình, lại ở những năm sau, thậm chí sau khá xa so với mốc lịch sử 1975. Tầm quan trọng và những đóng góp to lớn của thế hệ này, với các sáng tác tâm huyết và đầy quả cảm của mình, trước và sau năm 1975, là lực lượng chủ yếu tiếp tục đi suốt một chặng đường khá dài trong những năm đổi mới đất nước, đã được nhiều nhà thơ, nhà nghiên cứu đề cập, do đó, tôi xin phép không nói đến. Điều tôi quan tâm là: Có hay không cuộc “bàn giao” giữa hai thế hệ thơ và nếu có thì nó diễn ra như thế nào, tất nhiên chữ “bàn giao” được dùng với ý nghĩa tưởng tượng. Và như thế, tôi nghĩ: Đã có một cuộc “bàn giao” giữa hai thế hệ thơ trước và sau năm 1975, thực chất là sau năm 1986, mà theo tôi có lẽ là không thành công. Sở dĩ tôi nói vậy là tôi đặt nó bên cạnh cuộc “bàn giao” lần thứ nhất, các thế hệ nhà thơ trước và sau năm 1954, mà ta thường gọi là thế hệ các nhà thơ chống Pháp và thế hệ các nhà thơ chống Mỹ. Cuộc “bàn giao" này, theo tôi là thành công. Về đội ngũ các nhà thơ và về cảm hứng chủ đạo của nghệ thuật, nó nối liền nhau, thành một hơi thống nhất, một sợi chỉ đỏ xuyên tâm, kết dính mọi tài năng, mọi tấm lòng, trong một chủ đề lớn của nghệ thuật là chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Còn cuộc “bàn giao” thứ hai này khác hẳn. Bởi vì nhiệm vụ chiến lược của hai thời kỳ, thời kỳ đánh giặc và thời kỳ xây dựng một cuộc sống mới chưa có tiền lệ trong lịch sử, hội nhập với thế giới sau 30 năm chiến tranh cách mạng, tương ứng với sự ra đời, hình thành và phát triển của hai thế hệ thơ, là khác hẳn nhau. Và theo tôi, đó cũng là điều thật đáng mừng. Bởi nó sẽ là động lực lớn để có sự phát triển vượt trội, còn thực tế có vượt trội được hay không lại là một việc khác. Dù rằng, ít hay nhiều, ở thời điểm hiện nay, cả hai thế hệ này, đều không vươn tới cái mình muốn, để lại một khoảng trống rất lớn ở giữa…
Đọc thơ Việt bây giờ là trực tiếp tiếp xúc với cái khoảng trống ấy. Có lúc nó rõ rệt đến mức, khiến một nhà thơ bạn tôi ở nước ngoài, đã hỏi tôi rằng: Anh đứng về phía nào, khi bên này các ông bà, tức là các nhà thơ chống Mỹ “trống đánh xuôi”, còn phía bên kia là các anh chị, tức các nhà thơ trẻ hậu chiến, hình thành và phát triển sau Đổi mới 1986, với các trào lưu hậu hiện đại là “kèn thổi ngược”. Tôi không rõ sự xa cách có đến mức ấy không và cách đặt vấn đề như thế, có đúng hẳn không? Nhưng tôi thấy rõ là nó có khoảng cách, và cái khoảng cách ấy, làm cho thơ của cả hai bên đều giảm sút độc giả. Có lúc tôi lại nghĩ: Rất có thể, từ đó, những đột phá mới sẽ ra đời chăng? Tôi hy vọng thế...
Các nhà thơ xuất hiện sau 1975, chủ yếu là sau 1986, đang xác lập một hệ thống thẩm mỹ mới, qua các xu hướng nghệ thuật mới, có những trường hợp mới hẳn, nghĩa là người ta thấy ở đó, nó ít, hoặc không còn dính dáng gì với truyền thống của quá khứ, trong đó dòng chảy chính là thơ chống Mỹ… Suy cho cùng, nó cũng có cái hay của nó và tôi ủng hộ. Nó hé ra một cuộc cách mạng mới về nghệ thuật thi ca mà tôi chờ đợi và hy vọng. Nhưng cuộc cách mạng ấy, rốt cuộc đã không xảy ra. Lý do ư? Có nhiều lý do... Nếu ai cho là ý kiến này là có cơ sở thì sẽ có cách giải thích tương ứng hợp lý, Còn tôi, tôi trộm nghĩ, lý do chính có lẽ là trong các đồng nghiệp của tôi ở thế hệ mà tôi tạm gọi là “hậu hiện đại” này, không có những Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, không có những Phạm Huy Thông, Xuân Diệu, Huy Cận của thế hệ mình…, cũng không có cả một Hoài Thanh của thế hệ mình nữa. Nghĩa là lực lượng ấy, chưa đủ sức thuyết phục cho một cuộc ra quân giành chiến thắng. Trong thơ ca, lý luận không bao giờ giải quyết được vấn đề. Khát vọng vươn tới của các đồng nghiệp trẻ của tôi, mà tôi thấy đã có, rất sung sức, thậm chí là rất bạo liệt, cũng không giải quyết được vấn đề. Chỉ có sáng tác mới giải quyết được những vấn đề của sáng tác. Mà sáng tác, thì các bạn trẻ có thể chưa tới được cái cần phải tới, để ngã ngũ các giá trị… Có lẽ phải chờ thêm ít lâu nữa chăng? Dù cuộc chờ đợi này cũng đã khá lâu rồi. Nghĩa là, về thực tế, trong hiện trạng phát triển của thơ hiện nay, tôi thấy rất rõ sự cách xa nhau giữa thơ hai thế hệ đó, và khoảng trống chưa thể lấp đầy, bởi chưa xuất hiện một hoặc những tài năng thơ ca nào, có tầm cỡ đảm trách được chức năng nghệ thuật đó.
Hiện nay, thế hệ sáng tác sau năm 1975 hoặc sinh ra sau năm 1975, đã làm chủ văn đàn. Họ hiện ra trong một quầng sáng mới. Đọc họ sẽ nhận ra một điều: họ chả nợ nần gì với quá khứ, chả bị ràng buộc gì với quá khứ, như thế hệ chúng tôi. Đó cũng là cái hồng phúc của một thế hệ đã ra khỏi cuộc chiến tranh, không hề biết thế nào là ăn bo bo và nhìn thẳng quân thù mà bắn, hoặc xông vào những lưỡi lê của giặc trong các trận đánh giáp lá cà. Họ cứ thế mà đi thẳng vào tương lai, với vốn văn hóa được trang bị đầy đủ, dáng đi thanh thoát và nhẹ nhõm. Còn họ đi đến đâu với những thành công gì về nghệ thuật, lại là một vấn đề khác.
Thế hệ thơ chống Mỹ của chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, một số người còn sức, đang làm những phần việc cuối cùng. Cái mà họ cần vươn tới để lấp chỗ trống, đó là tính hiện đại với các yêu cầu mới, khả năng tự vượt qua các giới hạn, để đưa thơ mình ra với thế giới, đồng thời đến với đông đảo người đọc ngày hôm nay và tạo được các nhịp cầu đi tới trong các tìm tòi nghệ thuật, các xu hướng nghệ thuật mới, có ý nghĩa mở đường, cho các nhà thơ thế hệ sau. Rải rác cũng có những “bứt phá”, nhưng rời rạc và lẻ tẻ. Cái làm cho họ không vươn tới được cái cần vươn tới đó, chính là “rào cản” của bản thân mình, ở ngay trong chính bản thân mình. Có “vấn đề xã hội” không? Có! Nhưng cái chính vẫn là sức sáng tạo và tầm vóc trí tuệ, tài năng của cá nhân nhà thơ. Trong khi đó, một hệ thống lý luận mới cần phải ra đời để song hành với các thế hệ sáng tác khi Việt Nam hội nhập với thế giới. Hệ thống lý luận ấy, chúng ta chưa có, hoặc có thì chưa đủ sức thuyết phục, chưa đủ sức thay thế. Vì vậy mạnh ai nấy làm. Trong khi đó, chúng ta chưa có sáng tạo văn chương nào tạo được hoàn chỉnh hoặc tương đối hoàn chỉnh những bậc thang giá trị mới, để bạn đọc có niềm tin, với sự đồng thuận cả về thực tiễn và lý luận… Điều mà Tố Hữu đã làm được ở giai đoạn trước, cùng nhiều nhà thơ, nhà văn tên tuổi khác.
Bất cứ cái gì ra đời, nhất là đã ra đời rồi, lại tồn tại được, đều có cái lý do chính đáng của nó. Sự xuất hiện các xu hướng rất mới trong sáng tác của các bạn trẻ, tôi cho rằng, đó là một tất yếu và cần thiết, trên chặng đường phát triển, nhằm khai thác và thăng hoa cái phần còn tiềm ẩn trong sáng tạo những giá trị tinh thần của con người. Và đi theo cái này, ủng hộ cái này, không bao giờ nên bài xích hoặc ruồng bỏ cái kia, như tôn giáo và màu da, chúng cần phải được cùng tồn tại và bình đẳng trong mọi giá trị. Tôi nghĩ các nhà thơ thế hệ chúng tôi không hề lạnh nhạt hay thành kiến với các sáng tác theo các khuynh hướng nghệ thuật khác, thậm chí khác hẳn. Nhưng tôi có hai yêu cầu. Một, anh viết theo kiểu nào cũng phải làm cho con người sống với con người tốt hơn và như thế, cái thước để đo nó, vẫn là giá trị nhân văn. Hai, làm giàu thêm cho văn hóa, chứ không chống lại văn hóa. Và hai điều cơ bản này, rất giàu có, rất dễ dàng tìm thấy trong thơ thế hệ chống Mỹ, và trong truyền thống thơ lâu đời của dân tộc ta.
Còn để lại một khoảng trống sau mình, các nhà thơ thế hệ chống Mỹ có lỗi không? Theo tôi là không. Bởi bất cứ thiên tài nào cũng có những hạn chế của mình, của thời đại mình, huống chi là lớp chúng tôi, tiếp bước các nhà thơ thời chống Pháp: “Lũ chúng ta, bọn người tứ xứ/Gặp nhau hồi chưa biết chữ/Quen nhau từ thuở một hai...”. Mỗi thế hệ phải làm tròn phận sự của mình rồi ra đi. Và ở chỗ thế hệ trước dừng lại trong đường biên của mình, thế hệ sau phải vượt qua.
Tạo ra một đường biên rộng với cái đà lớn của truyền thống dân tộc, để các nhà thơ lớp sau bay lên, bay lên bằng đôi cánh riêng của mình, của thế hệ mình, theo đường bay do những sáng tạo cá nhân của mình vạch ra, đó là cái công lớn của thế hệ các nhà thơ chống Mỹ. Và nếu hiểu đó chính là cái vốn liếng nghệ thuật mà thế hệ chúng tôi trao cho các bạn, thì cuộc “bàn giao” này, theo tôi lại là thành công.
TRẦN NHUẬN MINH