Việc trả lương cho VĐV đỉnh cao ở mỗi đơn vị, mỗi địa phương không có mẫu số chung, nơi thấp nơi cao.
Lý Hoàng Nam là một trong những VĐV thể thao Việt Nam có thu nhập cao
Xạ thủ bắn súng Đặng Hồng Hà (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi và nhiều vận động viên (VĐV) khác cảm thấy khá phấn khởi khi từ ngày Trung tâm Đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội có giám đốc mới, tiền lương VĐV, HLV của các tuyến được cải thiện. Tuyến 1 được nhận hơn 10 triệu đồng/tháng. Tôi hiện tại đứng hai vai, vừa làm VĐV vừa làm công tác huấn luyện. Sắp tới, mức lương có thể cao hơn”. Các VĐV thuộc quyền quản lý của Sở Văn hóa, Thể thao TP Hồ Chí Minh cũng được nhận lương khoảng 10 triệu đồng/tháng đối với VĐV cấp 1, còn VĐV tuyến trẻ vào khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, một số đơn vị khác, tiền lương chi trả cho VĐV còn rất khiêm tốn, chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng cho VĐV đã được vào biên chế, còn VĐV ký hợp đồng thời vụ (theo năm) chỉ được khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng (Thái Bình, Nam Định…). Trung tâm Thể dục thể thao Bộ Công an trả lương cho nhà vô địch ASIAD 18 môn pencak silat Nguyễn Văn Trí số tiền 6 triệu đồng/tháng. Nhưng suốt 5 tháng qua, Trí không nhận được lương mà không rõ lý do.
Nhiều VĐV thi đấu cho Công an nhân dân vì chế độ lương thấp mà lại không được tái ký nên đã xin thanh lý hợp đồng để đầu quân đến bến đỗ khác. Hiện tại Trí đang cùng tuyển quốc gia đi tập huấn tại Malaysia và khi về nước vào đầu tháng 6 tới, anh sẽ làm việc với trung tâm để bày tỏ nguyện vọng của bản thân.
Một điều đáng nói là với những VĐV đỉnh cao đang khoác áo đội tuyển, theo quy định của nhà nước, khi được Tổng cục Thể dục thể thao triệu tập thì không được nhận lương ở cơ quan chủ quản nữa.
Một VĐV đua thuyền cho biết: “Vì tôi chưa phải là VĐV thuộc biên chế nên lương rất thấp, 4 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, khi lên tuyển sẽ không được nhận số tiền ít ỏi này nữa”. Một quan chức Sở Văn hóa, Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết: “Nhiều VĐV không chịu lên tuyển vì sẽ mất khoản tiền lương từ đơn vị mà chỉ nhận được tiền công, tiền ăn từ ngân sách nhà nước. Do đó, chúng tôi đã phải tìm cách giải quyết, hỗ trợ cho mỗi em là 3 triệu đồng/tháng”.
Vào cuối tháng 12.2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định 152/2018 quy định về một số chế độ đối với HLV, VĐV trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu. Trong đó, có quy định về điều chỉnh theo hướng tăng thêm mức lương, tiền hỗ trợ, 5 loại hình bảo hiểm cho VĐV. Riêng Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội và TP Hồ Chí Minh còn muốn xin tăng lương ở mức tương đối cao cho VĐV vì mức sống của hai địa bàn này được đánh giá là cao so với toàn quốc.
Trong bối cảnh các đơn vị đã và đang xem xét việc tăng lương thì một số VĐV được hưởng chế độ đặc biệt nên có thu nhập ổn định, số khác sung túc với nghề nhờ tiền thưởng, tiền tài trợ… 66 VĐV vừa được phê duyệt mức đầu tư đặc biệt của ngành, hưởng chế độ tiền công 400.000 đồng/ngày, tiền ăn 400.000 đồng/ngày. Trong đó phải kể đến Nguyễn Thị Ánh Viên, Nguyễn Huy Hoàng (bơi); Quách Thị Lan, Bùi Thị Thu Thảo, Lê Tú Chinh (điền kinh); Thạch Kim Tuấn, Vương Thị Huyền (cử tạ); Lê Thanh Tùng (TDDC), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Nguyễn Thùy Linh (cầu lông)…
Ngoài chế độ đãi ngộ, không ít VĐV có thu nhập khủng từ tiền thưởng ở các giải đấu, tiền tài trợ từ các doanh nghiệp hoặc thu nhập từ kinh doanh. Đầu tiên phải kể đến tay vợt được xem là tượng đài cầu lông Việt Nam Nguyễn Tiến Minh. Ở thời điểm đỉnh cao sự nghiệp năm 2013, Tiến Minh từng thu nhập hơn 2,5 tỉ đồng/năm. Khi đó, tiền công, tiền ăn ngót nghét chỉ 7 triệu đồng, nhưng tấm HCĐ thế giới mang về cho anh phần thưởng 500 triệu đồng, đánh thuê ở Ấn Độ được 900 triệu đồng, 600 triệu đồng từ tiền treo thưởng của Becamex Bình Dương (50 triệu đồng/tháng nếu trong tốp 10 thế giới), 340 triệu đồng từ danh hiệu vô địch giải Mỹ, á quân giải Đài Loan.
Tổng tiền thưởng ở các giải quốc tế, trong nước của Tiến Minh năm đó có thể đếm được ít nhất 2,5 tỉ đồng. Lương của anh được TP Hồ Chí Minh trả 8,9 triệu đồng/tháng nhưng tiền thưởng lớn. Mới đây, anh đoạt HCĐ châu Á, được đơn vị chủ quản thưởng 120 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, Tiến Minh vẫn còn một đơn vị hỗ trợ kinh phí thi đấu quốc tế.
Một tài năng khác không có tên trong danh sách đầu tư trọng điểm Việt Nam nhưng vẫn có thu nhập tốt là kỳ thủ số 1 Việt Nam Lê Quang Liêm. Năm 2015, riêng khoản tiền thưởng mà Quang Liêm đạt được ở các giải quốc tế đã hơn 1,5 tỉ đồng. Hiện Quang Liêm vẫn có nguồn thu nhập chủ yếu từ tiền thưởng ở các giải quốc tế. Tài năng mới của cầu lông Việt Nam Nguyễn Thùy Linh cũng có thu nhập khá cao.
Tay vợt số 1 Việt Nam Lý Hoàng Nam cũng thuộc hạng thu nhập khủng trong giới thể thao với mức 50 triệu đồng/tháng từ CLB Becamex Bình Dương. Bên cạnh đó, số kinh phí để Hoàng Nam đi tập huấn, thi đấu hằng năm cũng hơn 2 tỉ đồng.
Theo Thanh niên