Vay nhanh, duyệt dễ, không thẩm định... - những cụm từ "có cánh" này thu hút nhiều người có nhu cầu cần tiền gấp "vay online nóng", để rồi sau đó phát hoảng vì lãi mẹ đẻ lãi con.
Chỉ vay số tiền nhỏ với thời hạn ngắn nhưng người đi vay phải trả gấp nhiều lần số tiền gốc với mức lãi suất "cắt cổ". Nếu chẳng may chậm trả, người vay và cả người thân, bạn bè... sẽ bị điện thoại "khủng bố" cả ngày lẫn đêm.
Sốc với lãi suất
Anh H. (ngụ Bình Dương) cho biết do nhu cầu vay tiền gấp nên lên website vay tiền online. "Tôi được tư vấn rằng lãi suất cho vay chỉ 16%/năm, khi xong hợp đồng mới phát hiện khoản tiền nhận chỉ hơn một nửa số tiền duyệt vay sau khi trừ các chi phí, nhưng vẫn phải trả đầy đủ lãi suất của số tiền vay gốc" - anh H. nói.
Tương tự, do kẹt tiền gấp, ông T. (trú tại quận 6, TP Hồ Chí Minh) lên mạng tìm app vay tiền và chọn ứng dụng Ucash. Đến hạn nhưng không đủ tiền đóng, ông T. lại tìm app khác vay bù chỗ này đắp chỗ kia. Vay 2,5 triệu đồng, ông đã trả phí gia hạn 3-4 lần, rồi tăng lên 4-5 triệu đồng nhưng vẫn chưa dứt nợ.
Chị D.S. (trú tại TP Hồ Chí Minh) cũng kêu cứu về khoản vay 2 triệu đồng trên app Sago, đóng trễ 30 ngày bị bắt trả gần 5 triệu. Khi thấy chị S. chưa trả lời thông báo, đối tượng cho vay gọi tất cả số trong danh bạ của chị.
Nhiều nạn nhân thừa nhận do cần tiền gấp nên đã bỏ qua mức lãi suất, miễn sao có tiền là được. Tuy nhiên, sau khi vay tiền trên các app như Chobantien, Devay, Fvay, Ucash..., nhiều người bị "sốc" khi trả lãi, có app cho vay với lãi suất 3%/ngày, trễ một ngày phạt 100.000 đồng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn người đi vay đều là dân lao động, nội trợ với mức đi vay 3-5 triệu đồng phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngay. Các đối tượng cho vay không quy định lãi suất, mà chỉ đưa ra số tiền lãi phải trả hằng ngày khiến người vay bị rối. Nhiều người vay không nhận thức đầy đủ về nghĩa vụ trả nợ, thường để đến khi bị bên cho vay đòi trả, hăm dọa... mới giật mình.
Bị "khủng bố" khi chậm trả
Theo phản ảnh của anh T. (TP Hồ Chí Minh), do cần tiền gấp nên anh đã lên app Chobantien vay 1,8 triệu đồng trong 7 ngày, trả gốc và lãi 3,5 triệu đồng. Thế nhưng sau khi "dính bẫy", anh T. cho biết tởn đến già. "Chỉ vì trả chậm vài tiếng mà bạn bè, người thân đều nhận được tin nhắn tôi là kẻ lừa đảo, nợ tiền... Tôi thấy quá kinh khủng" - anh T. nói.
Bà N.A. (trú tại Tây Ninh) cho biết vừa gỡ app VĐồng ra khỏi điện thoại, chặn số lạ trên Zalo để thoát khỏi đeo bám của những người đi đòi nợ. Trước đó, bà A. vào ứng dụng VĐồng vay 4 triệu đồng, thời gian trả trong 21 ngày. "Khi tôi vừa hoàn tất các bước thủ tục, tài khoản tôi chỉ nhận được 2,8 triệu đồng. Tôi có hỏi thì họ nói trừ chi phí trước" - bà A. kể.
Chưa hết, do trả chậm hai ngày, bà A. bị phạt hơn 200.000 đồng/ngày và cộng dồn vào số tiền 4 triệu vay ban đầu, dù lúc vay được tư vấn phí trả chậm 80.000 đồng/ngày. Sau đó là chuỗi ngày khủng hoảng với gia đình bà A., đối tượng cho vay đã "khủng bố" tất cả bạn bè và họ hàng, đến mức mẹ bà A. phải nhập viện vì quá hoảng.
"Chỉ vài ngày, số tiền phạt tăng lên gần 2 triệu đồng, chưa kể tiền nợ gốc. Tôi không đủ khả năng trả nợ nữa nên tháo app khỏi máy điện thoại, bỏ luôn" - bà A. nói. Theo các nạn nhân, nhiều app cho vay có điều khoản ràng buộc là người vay phải chấp nhận cho bên vay được quyền truy cập danh bạ điện thoại.
Do đó, khi bên vay chậm trả lãi, tất cả người thân trong danh bạ điện thoại đều bị gọi hoặc nhắn tin "khủng bố". Có những người chỉ cần trả chậm vài giờ nhưng toàn bộ bạn bè, người thân nhận được cuộc gọi đe dọa. Ngay cả những app không yêu cầu thẩm định người thân nhưng người vay cũng bị "khủng bố", "truy đuổi" cả ngày lẫn đêm qua điện thoại nếu trả lãi sai hẹn.
Biến tướng tín dụng "đen"
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia ngân hàng cho biết hoạt động cho vay ngân hàng được thiết kế trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp giữa người đi vay và người cho vay (nhà đầu tư), không thông qua trung gian tài chính. Tuy nhiên, mô hình này đang biến tướng thành kênh tín dụng "đen".
"Nhiều đối tượng cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng "đen" núp bóng các ứng dụng này để cho vay với lãi suất "cắt cổ", đẩy nhiều người dân vào cảnh nợ nần không lối thoát" - vị này nói. Cũng theo vị này, phần lớn những người vay tiền qua app đều ở các địa bàn xa xôi, nơi mà hệ thống tài chính chưa phát triển, người dân ít hiểu biết và ngay cả những người nghèo ở khu vực thành thị.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Minh Sáng, do Việt Nam chưa có quy định về quản lý cho vay ngang hàng, luật cũng không cấm nên hình thức này vẫn được triển khai, bị lợi dụng và biến tướng như một hình thức cho vay nặng lãi.
Trong thực tế, với những quảng cáo "có cánh" như được vay nhanh, vay liền mà không cần thế chấp, không cần xét duyệt hồ sơ..., các app cho vay này đã thu hút một lượng lớn người dân cần vốn gấp, ít hiểu biết và không có điều kiện tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, những người vay nóng qua app đang bị rơi vào một vòng luẩn quẩn là "nhắm mắt" vay đại do điều kiện cho vay dễ dãi, chỉ đến khi thu nhập không đủ trang trải lãi suất đúng hạn, người vay mới biết mình "dính bẫy" lãi suất cao, lãi chồng lãi, thậm chí có thể mất nhà cửa, tài sản...
"Khoảng 70% người có nhu cầu vay tiền tại Việt Nam chưa tiếp cận được các kênh tín dụng chính thống, nên các dịch vụ vay online ngày càng bùng nổ. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần nhìn ra khoảng trống thị trường để cho ra sản phẩm phù hợp" - ông Lực nói.
Không được quá 20%/năm Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về lãi suất cho vay, trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất, lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp có liên quan quy định khác. Nếu lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định, mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Trong giao dịch dân sự, nếu cho vay lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất quy định, thu lợi bất chính sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. |
Theo Tuổi trẻ