Trong những ngày trời rét đậm, rét hại, những người bán đào ven quốc lộ 37 vẫn phải “ăn gió nằm sương” vì với họ đây là thời điểm quyết định thu nhập của cả năm trồng đào vất vả.
Dựng lều bạt ven đường trông đào trong đêm đông giá rét
Anh Nguyễn Minh Tài ở thôn Tranh Đấu, xã Gia Xuyên (Gia Lộc) bắt đầu bày bán đào từ mùng 10 tháng chạp.Nhà anh Tài trồng 1,5 mẫu đào gồm cả đào phaivà đào bích. Để những cây đào có dáng thế đẹp, giá trị, anh Tài phải lặn lội tới Mộc Châu (Sơn La) tìm mua những gốc đào rừng về trồng trên ruộng. Sau đó, anh đã kỳ công ghép cành đào ta vào gốc đào rừng để tạo ra những cây đào với dáng thế bắt mắt. Cả năm đầu tắt mặt tối chăm sóc, cắt tỉa để đào ra hoa đón Tết nên đây là thời điểm quyết định thu nhập cho cả gia đình. Mỗi gốc đào rừng được ghép với đào ta có giá từ 3-5 triệu đồng. Đào ta tùy dáng thế, tuổi có giá từ 300.000-1,5 triệu đồng/cây.
Anh Tài dựng nhà bạt rộng rãi,kê giường,1 bộ bàn ghế nhựa để thuận tiện cho việc bán đào.Buổi tối nhiệt độ ngoài trời chỉ từ 11-13 độ C, không có khách mua đào, anh Tài ngồi trong nhà bạt, đốt thêm củi cho lửa cháy to hơn để sưởi ấm. Anh Tàisẽ ở đây bán đào tới khi nào hết hàng mới về nhà, bán nhanh thì được về sớm. Còn nếu bán không hết thì phải cố ở lại tớingày 29- 30 Tết. Đây là năm thứ 2 anhdựng lều bán đào ven đường. Anh Tài nhớ lại mùa đào năm trước, cả năm chăm nomvất vả mà cuối cùng đào lại nở hoa sớm. Năm nay đào nở đúng dịp chỉ cần buôn bán suôn sẻ là anh sẽ có một mùa đào thắng lợi.
Anh Tài tả về cách chống chọi với giá rét: “Đêm ngủ, tôi phải trải một cái chăn ở dưới, một cái chăn nữa quấn vào người vậy mà có hôm gió to vẫn thấy lạnh. Nhiều khi mệt, thèm một giấc ngủ ngon nhưng vì miếng cơm manh áo nên phải cố gắng”.
Người bán đào đốt lửa sưởi ấm
Ánh sáng từ bóng đèn compact mắc ở góc nhà bạt không đủ mạnh để chiếu vào chiếc lều nhỏ phía trong. Hơn 8 giờ tối một ngày giáp Tết, gia đình anh Vũ Văn Sóng ở thôn Tâng Thượng, xã Liên Hồng (Gia Lộc) vẫn chưa ăn cơm tối. Vợ anh và con gái vẫn nằm trong lều đợi anh Sóng tranh thủ tưới nước ấm cho cây đào. 5 năm bán đào Tết ven đường, anh chị đã quen với những bữa ăn qua quýt, không đúng giờ, giấc ngủ chập chờn những ngày gần Tết.Những năm trước, ngoài 20 tháng chạp anh Sóng mới bày bán đào. Năm nay, gia đình anh có nhiều gốc đào to, phục vụ nhu cầu trang trí của các cửa hàng, cơ quan, doanh nghiệp chơi Tết sớm nên anh bày bán từ 16 tháng chạp.Nhà anh Sóng trồng hơn 3 mẫu đào. Mặc dù trồng với số lượng lớn nhưng lượng bán buôn không nhiều. Vì vậy, anh Sóng trông chờ vào lượng đào bán lẻ. Anh bày ven đường 30 chậu đào, bán hết lại bày thêm. Khách muốn muanhững cây đào ưng ý nhất có thể xuống vườn thăm, chọn đào. Anh Sóng mắc thêm bóng đèn ở nơi bày bán đào để chống trộm. Anh chưa bao giờ bị mất trộm đào nhưngkhông vì thế màlơ là cảnh giác.
Ông Phạm Văn Phượng ở thôn Tranh Đấu, xã Gia Xuyên (Gia Lộc)cùng những người bạn bán đào quây quần trong nhà bạt uống nước chè, hút thuốc lào. Gần 1 tuần dựng lều ven đường bán đào, ông Phượng đã bán được hơn 100 gốc đào. Theo ông, đây vẫn chưa là thời điểm đào Tết tiêu thụ mạnh. Phải đến khi công nhân, người lao động ở các doanh nghiệp được nghỉ, mọi người có thời gian đi sắm Tết đào mới đắt hàng. “Ban đêm, xe cộ chạy ầm ầm rất khó ngủ, thỉnh thoảng lại giật mình. Trời rét mướt, lại thấp thỏm trông đào nữa thành ra chả ngủ được”, ông Phượng nói về những khó khăn của người bán đào ven đường. Vất vả là thế nhưng trong câu chuyện của ông Phượng cùng những người bán đào vẫn rộn rã tiếng cười hòa lẫn trong đólà những hy vọng đào bán đắt hàng, mọi người có cái Tết đủ đầy.
Hơi ấm từ ngọn lửa, từ chén trà nóng giúp người bán đào ven đường vơi đi những nhọc nhằn của đêm đông lạnh giá. Bên cạnh họ là những chậu đào đủ dáng thế nở hoa khoe sắc thắm, tất cả sẵn sàng phục vụ Tết Mậu Tuất.
HÀ NGA