Vất vả người thợ viễn thông

09/06/2019 06:00

Bất kể trời mưa hay nắng, ban ngày hay đêm, hễ có yêu cầu là những người thợ viễn thông phải có mặt tại hiện trường để xử lý đường dây thông suốt, phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc.

Dù trời mùa hè nắng gắt nhưng những người thợ viễn thông vẫn phải làm việc nhiều giờ trên những trạm BTS

Mưa bão cũng làm

Những ngày cuối tháng 5, trời mưa tầm tã, xối xả làm cho nhiều con đường ở TP Hải Dương bị ngập úng. Vì thế tôi đã nghĩ cuộc hẹn với Tổ kỹ thuật viễn thông Thanh Bình (Trung tâm Viễn thông TP Hải Dương) có lẽ không thành. Vừa lúc ấy thì điện thoại reo: “Chú khẩn trương sang đi cùng nhé, không thì lỡ hết việc của bọn anh”.

Cúp điện thoại, tôi phóng xe máy tức tốc đến Bưu điện Thanh Bình đã thấy anh Phạm Đắc Hòa, Tổ trưởng Tổ kỹ thuật viễn thông Thanh Bình đợi sẵn ở cổng. Anh Hòa đã ngoài 50 tuổi nhưng vẫn luôn nhiệt tình như thế, anh niềm nở bảo: “Phải xuống tận nơi để đón chứ anh sợ chú không tìm được phòng”. Thật vậy, phòng làm việc của các anh lọt thỏm trên tầng 2, phía sau bưu điện. Căn phòng rộng chừng 30 m2, ngoài bộ bàn ghế và chiếc máy tính cũ, còn lại ngổn ngang dây cáp và modem mạng. Ngoài trời mưa mỗi lúc một nặng thêm nên công việc buộc phải lùi lại hơn 1 tiếng. Trong khi chờ đợi, anh Hòa khẩn trương trao đổi công việc với anh em trong tổ. Rồi mọi người kiểm tra lại toàn bộ “đồ nghề”. Bỗng trên hệ thống máy tính nội bộ báo xảy ra lỗi tại ngõ326, đường Nguyễn Lương Bằng. Chụp vội chiếc áo mưa lên người, tôi nhanh chóng theo các anh đến địa điểm xảy ra sự cố.

Mưa lớn kéo dài làm đường Nguyễn Lương Bằng có đoạn ngập sâu đến 30 cm, lại còn phải chở đồ nghề lỉnh kỉnh khiến chiếc xe Dream của anh Hòa chao đảo từng hồi. Anh kể: “Thông thường trời mưa bọn anh hạn chế đi làm. Do dây mạng đa phần đi nhờ các cột điện nên rất dễ gặp rủi ro điện giật. Nhưng nếu sự cố nghiêm trọng, cần khắc phục ngay buộc các anh vẫn phải làm. Có đường dây đặc biệt thì bắt buộc phải xử lý trong vòng 2 tiếng, kể cả mưa bão”.

Mưa ngày càng nặng hạt táp vào mặt rát rạt, anh Hoà gác lại câu chuyện và rẽ vào ngõ 326. Đi thêm tầm 200 m, chúng tôi đến trước nhà số 27. Đã thành thục mọi thao tác nên các thành viên trong nhóm nhanh chóng bắt tay vào công việc. Người dựng thang, người lấy dụng cụ đồ nghề. Trên cột điện cạnh nhà số 27, những sợi cáp viễn thông chằng chịt như màng nhện. Anh Phong - thành viên của nhóm lấy bút ra thử điện rồi mới leo lên dò tìm điểm báo lỗi. Đây là động tác bắt buộc, không bao giờ thiếu để bảo đảm an toàn trước khi làm việc. Là người đã có gần 30 năm gắn bó với nghề nên chỉ cần nhìn qua, anh Phong đã có thể biết chính xác cáp của đơn vị mình nằm ở vị trí nào. Sau 5 phút kiểm tra, anh Phong dự đoán dây cáp viễn thông nhà số 27 bị đứt do va chạm vì trên hệ thống mạng thông báo mất kết nối. Chỉ vào đám cáp trên cột, anh bảo:

- Dây dẫn từ tủ tổng vào nhà khá gần nên có thể thay lại dây mới. Vì trời mưa gió hàn lại sẽ rất mất thời gian và nguy hiểm. Những trường hợp như này không đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao nên chỉ làm mất 1 giờ là xong.

Hiện nay, 80% số cáp viễn thông đi nhờ cột của ngành điện, khi cần sửa chữa, các thành viên trong tổ phải trèo lên kiểm tra. Nhiều người dân nhầm tưởng các anh là công nhân điện lực. “Trước đây, tôi nhiều lần nhận được những cuộc gọi của khách hàng liên quan đến hỏng hóc hệ thống điện do người dân thường điện vào số điện thoại chúng tôi dán trên cột. Có lần tưởng lỗi mạng, tôi hớt hải gom dụng cụ, chạy gấp xuống nhà khách hàng để sửa chữa. Ngờ đâu, họ lại gọi đến nhờ sửa giúp cầu chì bị nổ. Ngoài ra, trong lúc làm việc, nếu phát hiện sự cố về điện chúng tôi thường khắc phục điện trước, cáp viễn thông sau để bảo đảm an toàn. Nhiều người vẫn lầm tưởng kỹ thuật viên viễn thông là thợ điện bởi chúng tôi vẫn trèo cột điện, rồi cầm kìm, nối dây”, anh Thịnh, một thành viên khác trong nhóm cho biết.

Nguy hiểm rình rập

Làm việc trong môi trường vất vả, nguy hiểm nhưng công nhân viễn thông vẫn kiên trì bám trụ với nghề

Một lần khác, tôi theo chân đội bảo trì hạ tầng thuộc Phòng Vô tuyến (Trung tâm Điều hành thông tin viễn thông Hải Dương) lên trạm BTS trên núi Phượng Hoàng (TP Chí Linh). Đỗ xe cạnh Đền thờ Chu Văn An chừng 500 m, chúng tôi men theo con đường mòn nhỏ dẫn lên đỉnh núi. Nắng sớm tinh mơ rọi qua tán thông hai bên đường thành những sợi chỉ vàng óng. Đang đi mải miết, chợt anh Kế - thành viên trong đội vỗ vai tôi: "Cảnh thì đẹp nhưng chú cẩn thận đoạn đường phía trước sẽ dốc và khó đi hơn nhiều, sảy chân là lăn xuống núi ngay". Thời tiết trên rừng khá mát mẻ nhưng ai trong đội cũng vã mồ hôi do phải mang vác đồ nghề lỉnh kỉnh lại kèm theo 2 bình ắc quy. Di chuyển tầm 30 phút, chúng tôi đến nơi. Trạm BTS cao trên 20 m vọt lên khỏi khu rừng như một búp măng. Anh Nho là người có nhiều kinh nghiệm nhất giơ tay chỉ về phía phòng máy nói: "Anh em kiểm tra kỹ xung quanh và trong phòng máy xem có ong đất làm tổ không?". Anh Nho bảo trước đây đã từng có người bị ong đốt khi đang bảo trì trong phòng máy phải nhập viện.

Anh Nho kể tiếp: "Dù nắng 40 độ C, chúng tôi vẫn phải phơi mình hàng tiếng trên đó, khát nước muốn xuống cũng ngại. Nhiều lúc gió to, đỉnh trạm rung lắc, dù đã thắt dây bảo hộ nhưng mỗi lần nhìn xuống tôi vẫn thấy sợ. Làm nghề này nếu không có sức chịu đựng tốt sẽ không thể bám nghề được lâu".

Do đặc thù công việc là thường xuyên làm trong môi trường tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nên đòi hỏi các nhân viên viễn thông phải luôn tích lũy kinh nghiệm và thần kinh thép mới có thể bám trụ với nghề. Theo anh Hòa, công việc của các kỹ thuật viên khá vất vả. Trung bình mỗi ngày có khoảng 10 sự cố ở thành phố. Các vụ việc này thường theo mùa và do thời tiết, đặc biệt là mùa mưa, chập cháy điện hay xảy ra hơn. Ngoài giờ hành chính, các buổi tối trong tuần tổ sẽ cử từ 1-2 nhân viên trực ngoài giờ. Ban đêm cũng sẽ phải làm việc nếu có sự cố ảnh hưởng lớn đến khách hàng. Ngoài công việc bảo trì ở nhà dân, kỹ thuật viên còn phải xử lý các sự cố ngoại vi như kéo cáp, hàn nối cáp trên cột điện lực. Ở Hải Dương thường có cột hạ thế cao từ 8-10 m cũng là thử thách với mỗi kỹ thuật viên.

Trò chuyện về những rủi ro trong khi làm việc, anh Nguyễn Viết Thịnh - thành viên Tổ kỹ thuật viễn thông Thanh Bình vẫn còn nhớ một lần nối cáp ngầm bị đứt trong đêm mưa bão. Do công việc gấp rút nên cả tổ gần chục người đều phải tham gia khắc phục sự cố. Công việc sửa chữa từ 19 giờ tối đến gần 1 giờ đêm mới xong. "Tháng 6 năm ngoái, khi vừa tan ca làm về nhà thì tôi nhận được thông báo đi xử lý sự cố tại khu Cẩm Khê, phường Tứ Minh. Đến nơi, dây cáp ngầm cạnh quốc lộ 5 bị máy xúc gạt đứt làm đôi, để khắc phục cần phải hàn lại toàn bộ. Đêm đó trời mưa tầm tã, sợ nước mưa làm hỏng máy hàn nên tôi phải lấy thân che máy hết đêm. Xong việc ai cũng mệt nhoài, ướt nhẹp", anh Thịnh kể.

Cũng vất vả không kém, đội ngũ nhân viên bảo trì hạ tầng thường xuyên làm việc trên độ cao từ 20-80 m trên các trạm BTS bất kể nắng, mưa. Công việc bảo trì các trạm BTS vất vả nhất là vào mùa hè. Phải vác những chiếc bình ắc quy nặng từ 20-50 kg lên tầng 4, tầng 5 hoặc vượt bộ hàng km đường núi trong thời tiết nóng nực là rất vất vả đối với đội ngũ nhân viên kỹ thuật. Do tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị điện tử và không gian chật hẹp làm cho nhiều anh em bị các bệnh về đường hô hấp, xương khớp... nhưng bù lại đồng lương cũng bảo đảm cuộc sống. Anh Trần Văn Nho, nhân viên kỹ thuật Phòng Vô tuyến (Trung tâm Điều hành thông tin viễn thông Hải Dương) thở dài: "Đây là công việc đặc thù nên khó tránh khỏi rủi ro như ngã từ trên cao, điện giật... Mỗi ngày chúng tôi bảo trì từ 2-4 trạm BTS, nhiều trạm đặt ở sâu trong rừng phải đi bộ hàng tiếng đồng hồ mới tới. Làm việc nhiều giờ trên độ cao hàng chục mét dưới cái nắng gay gắt khiến nhiều anh em bị say nắng. Nếu không yêu nghề rất khó bám trụ với công việc".

Công việc vất vả nên gương mặt của công nhân viễn thông nào cũng sạm màu sương gió. Mặc dù vậy, nụ cười của họ vẫn rạng rỡ, đủ để xua tan những khắc nghiệt của thời tiết. Đối với họ, chỉ cần thấy sự hài lòng của khách hàng thì mọi khó khăn, gian khổ đều tan biến.

ĐỖ QUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vất vả người thợ viễn thông