Vì từ xa đến làm việc nên hầu hết phải đi thuê nhà trọ nên đời sống của công nhân dân tộc thiểu số gặp không ít khó khăn.
Gia đình anh Quàng Văn Hùng đang sống trong phòng trọ chật hẹp
Cùng với sự phát triển của các doanh nghiệp thì nhiều lao động là người dân tộc thiểu số (DTTS) đến Hải Dương kiếm kế sinh nhai. Dù đối mặt với nhiều vất vả nhưng họ vẫn ước mong về một tương lai tươi sáng.
Chúng tôi đến một dãy trọ ở thôn Lê Xá, xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng) vì nghe nói ở đây chủ yếu là công nhân người DTTS ở trọ. Anh Quàng Văn Hùng (sinh năm 1986) là người dân tộc Thái, quê ở huyện Mường La (Sơn La) trọ ở căn phòng chỉ hơn 10 m2. Chúng tôi phải lách chân qua ngổn ngang đủ thứ nào quạt điện, xe máy, bếp gas mi ni, rổ bát đũa, cả một túm vải ăn dở... mới vào đến được chiếc giường duy nhất để ngồi trò chuyện với anh. Căn phòng chỉ phục vụ cho cuộc sống tạm bợ nhưng theo giải thích của anh Hùng, nó còn tốt hơn nhiều so với nhiều căn phòng xây lâu năm ở đây.
Anh Hùng hiện làm công nhân Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam (khu công nghiệp Phúc Điền). Hôm nay anh làm ca đêm nên ban ngày được nghỉ. Vợ anh Hùng ở cùng quê, đang làm cho một cơ sở trông trẻ tư nhân trong xã. Tính ra bình quân lương của 2 vợ chồng được khoảng 10 triệu đồng/tháng. Từ đầu năm nay, anh Hùng mang con trai 4 tuổi từ Sơn La xuống ở cùng nên chi phí hằng ngày tăng cao. "Cũng may do vợ tôi làm việc ở cơ sở trông trẻ nên họ giảm cho một phần học phí của con. Nhưng tính ra vẫn còn nhiều thứ phải chi tiêu. Riêng tiền thuê nhà, điện, nước đã mất hơn 1 triệu đồng/tháng. Tháng nào vợ con không đau ốm thì tằn tiện lắm mới để dành được một chút", anh Hùng chia sẻ.
Một buổi tối, theo giới thiệu của người quen, chúng tôi vào một công ty ở khu 11, phường Bình Hàn (TP Hải Dương). Lúc này cả công ty vẫn sáng rực ánh đèn, khoảng 70 cán bộ, công nhân vẫn miệt mài làm việc. Khi được hỏi làm muộn thế này có mệt không, chị Quách Thị Hằng, người dân tộc Mường ở xã Núa Ngam (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã làm việc ở đây hơn 2 năm, cho biết: "Mệt nhưng chúng tôi làm lâu cũng quen rồi. Vả lại phải làm thêm tôi mới có tiền dành dụm gửi về nhà nuôi con học đại học". Theo tính toán của chị Hằng, làm thêm chị sẽ không tốn tiền cho bữa tối, vừa đỡ tiền ăn, vừa đỡ tiền điện nước mà lại có tiền tăng ca.
Mặc dù chưa có thống kê chính thức về số lượng lao động là người DTTS ở tỉnh ta nhưng trong nhiều doanh nghiệp, đặc biệt ở những công ty sử dụng nhiều lao động đều có công nhân là người DTTS. Các Công ty TNHH: May Tinh Lợi, Công nghiệp Brother Việt Nam, Sumidenso Việt Nam, Giày Continuance Việt Nam... vẫn đến các tỉnh vùng sâu, vùng xa tuyển dụng nên có rất nhiều công nhân người DTTS. Bà Phạm Thị Thanh Thùy, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Giày Continuance Việt Nam cho biết hiện doanh nghiệp có khoảng 800 lao động người DTTS. Họ chủ yếu ở Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn... Vì từ xa đến làm việc nên hầu hết phải đi thuê nhà trọ nên đời sống gặp không ít khó khăn. Dù khó khăn nhưng khi được hỏi rất nhiều công nhân người DTTS tỏ ra lạc quan và mong ước về những điều tốt đẹp trong tương lai. Anh Hùng bảo ở quê nhà anh chỉ làm nương và buôn bán nhỏ. Nếu bây giờ trở về quê thì vợ chồng anh cũng không có đất để gieo trồng. Nhà anh đông anh em lại ở vùng sâu vùng xa nên cũng chẳng có hướng gì để phát triển kinh tế. Vợ chồng anh chấp nhận sống kham khổ dù phải ở Hải Dương trong nhiều năm để dành dụm ít vốn sau này làm ăn.
Vợ chồng chị Lò Thị Hương, người dân tộc Thái ở huyện Thuận Châu (Sơn La) vào làm công nhân Công ty TNHH May Tinh Lợi từ cuối năm 2017 đến nay. Dù cũng phải đi ở trọ nhưng chị Hương cho biết trong thời gian tới vợ chồng chị sẽ tính đến việc đón con nhỏ xuống ở cùng để tiện chăm sóc. Chị thấy dù kham khổ nhưng khéo chắt chiu, vợ chồng chị vẫn có thể dành dụm được chút vốn liếng lo cho tương lai sau này.
THANH NGA